David G. Marr và cuốn sách đặc biệt về Việt Nam 1945

Google News

(Kiến Thức) - Trong cuốn sách về Việt Nam 1945 có tiêu đề "Vietnam 1945: The Quest for Power", David G. Marr đã giúp độc giả hiểu hơn về giai đoạn lịch sử đặc biệt này.

Trong cuốn sách về Việt Nam 1945 có tiêu đề "Vietnam 1945: The Quest for Power" (tạm dịch: “Việt Nam 1945, sự tìm kiếm quyền lực”), Tiến sĩ David G. Marr đã giới thiệu với bạn đọc tình hình Việt Nam từ năm 1940-1945 theo cách nhìn của các bên có liên quan. Trong đó, tác giả dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích các tài liệu liên quan đến sự kiện lịch sử Cách mạng tháng 8, ngày Quốc khánh 2/9/1945 cũng như tình hình Việt Nam những ngày đầu tháng 9/19145.
Chia sẻ về cuốn sách đó, Tiến sĩ Marr nói về Cách mạng Tháng 8/1945: "Mặc dù nhỏ hơn nhiều về phạm vi, cuộc cách mạng của người Việt Nam xứng đáng đặt ngang hàng các cuộc cách mạng Pháp, Nga và Trung Quốc về các kết quả của sự phê bình, so sánh. Nó là một hình mẫu đầu tiên của cách mạng cấp tiến nổi lên trong một bối cảnh thuộc địa”.
David G. Marr va cuon sach dac biet ve Viet Nam 1945
 Cuốn sách "Vietnam 1945: The Quest for Power" của Tiến sĩ David G. Marr. 
Dày 602 trang gồm tám chương, cuốn sách “Việt Nam 1945, sự tìm kiếm quyền lực” của Tiến sĩ Marr là tác phẩm thứ 3 của ông viết về Việt Nam (sau 2 cuốn: Vietnamese Anticolonialism, 1885–1925 (tạm dịch: "Việt Nam chống thực dân, 1885-1925 và Vietnamese Tradition on Trial, 1920–1945 (tạm dịch: Truyền thống Việt Nam qua thử thách, 1920-1945). Nói về tác phẩm này, Tiến sĩ Marr cho hay ông đã cố gắng thể hiện một cách sống động các sự kiện và giải thích ý nghĩa quan trọng về Cách mạng tháng Tám năm 1945. Để hoàn thành cuốn sách này, điều đầu tiên mà Tiến sĩ Marr làm trước tiên đó là nghiên cứu tỉ mỉ giai đoạn 5 năm trước đó, với các bên liên quan bao gồm: Pháp, Nhật Bản, Việt Minh, Trung Quốc, Mỹ và Anh. Tất cả các bên đều cố gắng kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến tình hình ở Đông Dương.
Vào ngày 9/3/1945, quân đội Nhật Bản lật đổ Pháp. Nắm bắt thời cơ này, người dân Việt Nam nhận ra rằng, họ có thể xuất bản tài liệu, tổ chức và biểu tình đòi độc lập dân tộc. Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh tiếp tục tán dương những thắng lợi của phe Đồng minh và lên án phe phát xít. Trong đó, lực lượng Việt Minh phần lớn tránh các cuộc đối đầu nhằm giành lấy thời gian chuẩn bị lực lượng và mọi thứ cần thiết cho cuộc tổng khởi nghĩa.
David G. Marr va cuon sach dac biet ve Viet Nam 1945-Hinh-2
 Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Ðình ngày 2/9/1945.
Khi tin tức Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện vào ngày 15/8 lan rộng khắp Việt Nam, điều này đã châm ngòi cho sự bùng nổ các cuộc biểu tình, tuần hành, chiếm đóng các cơ quan chính phủ, tiêu hủy tài liệu và hình thành các ủy ban cách mạng.
Các thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương nắm được quyền kiểm soát Hà Nội, Huế, Sài Gòn và một số tỉnh thành dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của Việt Minh. Trong khi đó, ở các địa phương khác, các nhóm thanh niên cũng đứng lên đấu tranh và đạt được những thành công tương tự.
Một vài sĩ quan chỉ huy Nhật Bản đã giao nộp lại cho phía Việt Minh những kho vũ khí và đạn dược chiếm được từ phía Pháp. Cuốn sách “Việt Nam 1945, sự tìm kiếm quyền lực” kết thúc ở ngày 2/9/1945. Khi đó, những đám đông lớn tập trung tại Hà Nội và Sài Gòn để đón mừng thời khắc trọng đại của dân tộc.
Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch lâm thời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới, đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước hàng triệu đồng bào cả nước. Những chiếc loa phóng thanh được bố trí ở nhiều nơi để đảm bảo rằng người dân có mặt tại quảng trường Ba Đình nghe rõ những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu. Người dân có mặt tại buổi lễ đó đã hân hoan vui mừng và hô vang những khẩu hiệu trong không khí tưng bừng của ngày 2/9 lịch sử.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc buổi mít-tinh, quân đội Việt Minh xuống đường phố và thực hiện tuần hành. Họ tản ra và hòa chung vào với không khí tưng bừng, náo nhiệt trước giờ giới nghiêm.
Tâm Anh (theo Insidestory)