Đã thành thông lệ, vào đêm 30 Tết, sau khoảnh khắc giao thừa, nhiều người đi lễ chùa, đền, phủ cầu may, cầu lộc. Tuy nhiên, gần đây báo chí phản ánh nhiều biến tướng diễn ra ở chốn linh thiêng như rải tiền lẻ khắp nơi gốc cây, bờ tường, ném tiền vào kiệu...
|
Nhiều người đi lễ quan niệm rằng phải rải tiền lẻ, để tiền vào tay tượng, đặt lên ban thờ... mới thiêng. (Ảnh minh họa) |
Nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh – nghệ nhân dân gian trẻ nhất Việt Nam – người có nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu cho rằng, tại các nơi thờ Phật, người đi lễ không được dùng tiền thật, tiền âm phủ, vàng mã... Nhưng tại các đền, phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu như đền Trần, Phủ Dầy, phủ Tây Hồ, đền ông Mười, ông Bảy... điều này lại là đúng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là có thể rải tiền khắp nơi, ném tiền lung tung, đặt tiền bất cứ chỗ nào.
Để tiền vào hòm công đức
Nhiều người đi lễ quan niệm rằng phải rải tiền lẻ, để tiền vào tay tượng, đặt lên ban thờ... mới thiêng. Điều này có đúng không, thưa ông?
- Tôi từng thấy cảnh người dân đi lễ đứng hai bên đường ném tiền lẻ vào đoàn kiệu của lễ hội rước qua, hay nhét tiền vào tay tượng, gốc cây... Đó là hình ảnh không đẹp chốn linh thiêng.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, không có quy định, chuẩn mực nào nói khi gài tiền, nhét tiền vào tay tượng... mới được thánh chứng cho lòng thành. Đây là quan niệm không đúng của một số người đi lễ.
Chưa kể, đồng tiền không được đặt đúng nơi, đúng chỗ, xếp ngang, xếp chéo... không may rơi vào hương, nến sẽ bị cháy. Như vậy, người đi lễ vô ý làm hủy hoại đồng tiền chung của quốc gia.
Đồng tiền cũng có thể rơi xuống đất bị vấy bẩn bởi đồ ăn, đồ lễ. Đương nhiên, đồng tiền mất mĩ quan, mất vệ sinh và khó lưu thông. Hành động đó không chỉ sai mà còn phản cảm mà nhiều khi gây nghiệp cho những người có lòng tham thấy tiền để hớ hênh nên lấy mất.
|
Theo nghệ nhân dân gian Trịnh Ngọc Minh, thay vì rải tiền, người đi lễ có thể đến bàn ghi công đức tại các đình, đền, phủ đóng góp lòng thành. |
Vậy người đi lễ phải làm sao để được chứng cho tấm lòng thành?
- Chỉ cần mang theo tấm lòng thành đến với cửa thánh là ngài chứng cho rồi, không cần mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều tiền vàng.
Nếu có sắm đồ lễ thì cũng nên theo khả năng của mình không nên nhìn theo người khác để “chạy đua”. Tôi cho rằng chỉ cần đăng trà quả thực, hương nến, chè, rượu, tiền vàng mỗi thứ một ít thôi là đủ.
Trong thực tế, tôi thấy có những người mâm cao, cỗ đầy vái 3 vái thật nhanh rồi đi ra. Nhưng có người chỉ ít tiền vàng, khoanh giò thôi nhưng có thể cảm nhận rõ trong con người họ có cái tâm, lòng thành... lễ xong còn muốn ngồi thêm lát nữa hết hương mới ra về.
Ngày nay, tôi thấy lớp trẻ đi lễ rất nhiều. Đó là điều đáng mừng. Vì họ từ bỏ đam mê tụ tập chơi bời để đến chốn trang nghiêm như thế cho thấy nhận thức tốt hơn về đạo và tâm, đức.
Đến đền, chùa là để cầu xin an lành, tài lộc, trí tuệ cho gia đình bạn bè người thân. Và xa hơn nữa là tìm về cuội nguồn, giá trị nhân văn của ông cha, uống nước nhớ nguồn.
Còn chuyện tiền lẻ, người đi lễ nên đặt đâu cho đúng?
- Người đi lễ mang cái tâm đến cửa Phật cửa Thánh nên không nhất thiết phải đổi tiền lẻ thật nhiều. Càng không được rải khắp nơi từ gốc cây, bờ tường, thậm chí có nhiều nơi thả tiền xuống giếng nước.
Thay vì rải tiền, có thể đến bàn ghi công đức tại các đình, đền, phủ đóng góp lòng thành. Hoặc để đồng tiền mình mang theo đi lễ vào hòm công đức được đặt sẵn tại đó.
Chẳng hạn như thay vì đặt ở 10 điểm, mỗi nơi 1 nghìn đồng, có thể đặt 10 nghìn đồng vào hòm công đức hoặc ra bàn công đức xin đóng góp. Tấm lòng công đức của người đi lễ, không ai được bàn chuyện ít hay nhiều tiền.
|
Nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh (giữa) trong một buổi hát văn. |
Có nên tung tiền trong nghi lễ hầu đồng?
Đầu năm, tại các đền phủ diễn ra nghi lễ hầu đồng Tứ Phủ, trong đó thường có nghi lễ tung tiền. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về nghi lễ này. Có người cho rằng không nên tung tiền vì hoang phí, nhưng nhiều người cho rằng nếu không tung tiền sẽ mất sự linh thiêng. Ông nghĩ sao?
- Tục tung tiền có từ xa xưa, là nét riêng biệt chỉ có trong Tứ Phủ mà các đạo khác không hề có. Không chỉ tung tiền mà họ còn ban cho các lộc khác như hoa quả, túi, khăn...
Vì khi hầu đồng, họ đại diện cho các thánh thần để ban tài tiếp lộc, cứu khổ cho nhân dân, trừ tà, tống ách trừ tai.
Những người đi hầu đồng, lễ thánh có quan niệm rằng một miếng lộc thánh bằng gánh lòng trần. Họ luôn khát khao được miếng lộc thánh, được chút lộc thánh mang về. Đó là phúc mà họ được hưởng khi thánh thần ngự đồng.
Thưa ông, có nhiều cách ban lộc, ví dụ như sau nghi lễ có thể chia lộc chứ không nhất thiết phải tung tiền?
- Quan trọng ở chỗ là cách thức ban phát của các vị thánh thần đó, sự tiếp nhận lộc của những người dự hầu như thế nào.
Cùng là ban lộc, nhưng “tung lộc” khác “ném lộc”. Động tác tung lộc thể hiện của hữu duyên, ban phát vui vẻ. Ngược lại nếu “ném tiền” lộc là sự bố thí, động tác trần tục, coi thường người đời.
Trong nghi lễ, những đồng tiền lẻ được tung lên đều được người ngồi dự đón nhận như “lộc thánh ban”. Lộc thì ai cũng muốn, nên không có đồng tiền lộc nào bị rơi ra ngoài, hay bị hủy hoại... tất cả những đồng tiền đó được giữ lại một cách trân trọng.
Nhưng tôi cũng đồng tình với quan điểm chỉ dừng ở mức giới hạn, tung mang hình thức, không nên quá nhiều.
Chúng tôi từng chứng kiến cảnh nhiều người nhảy lên tranh cướp tiền trong một nghi thức hầu đồng, điều này có nên không?
- Đó là hình ảnh rất phản cảm và mất đi ý nghĩa của việc ban lộc. Lộc tiền rơi vào ai mới là hữu duyên, đồng tiền đó mới linh thiêng. Do vậy, người đón nhận một cách có văn hóa, ngẫu nhiên đến với mình sẽ làm nghi lễ linh thiêng hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Công Thọ – Hồng Anh/ Dân Việt