Tên tuổi của điệp viên huyền thoại Kim Philby (1912-1988) - “át chủ bài” của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Anh (MI6), cũng là một trong những thủ lĩnh kỳ cựu của cơ quan phản gián sừng sỏ này, bỗng lừng danh khắp năm châu bốn biển vào giữa năm 1963, khi ông công khai xác nhận là điệp viên lâu năm của Liên Xô.
Lập tức cả nước Anh bị một “cú sốc” choáng váng. “Sự náo loạn” cũng bao trùm lên tất cả các cơ quan tình báo phương Tây khác, làm chấn động thế giới tư bản thủ cựu. Cho đến tận bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ người ta vẫn không ngừng nói về ông.
Lịch sử thời hậu chiến dường như không thể trôi qua mà thiếu tên tuổi của Kim Philby. Ông là “người hùng” của tiểu thuyết và phim trinh thám. Kẻ thù nói về ông với những lời hằn học; còn bạn bè và đồng nghiệp là sự trìu mến khâm phục.
Kim Philby chào đời đúng ngày đầu năm 1912, với tên khai sinh đầy đủ là Harold Adrian Russell Philby trong một gia đình công chức Anh cao cấp, tại nhiệm trong chính quyền thực dân ở Ấn Độ.
Biệt danh “Kim” mà cha mẹ thường gọi ở nhà, dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Rudyard Kipling (1865-1936), văn sĩ Anh đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học cũng là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử được trao giải thưởng danh giá này. Ông John Philby (1885-1960) cha của Kim Philby là một nhà nghiên cứu phương Đông uyên thâm, có thời gian dài từng là cố vấn chính trị cho đức Vua Arập Xêút Abdulaziz Ibn Saud (1875-1953) - vị chính khách đầy thế lực của thế giới Arập trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Khi còn là sinh viên theo học đồng thời ở 2 khoa Lịch sử và Kinh tế của Trường đại học Tổng hợp Cambridge danh tiếng, K. Philby có điều kiện tiếp xúc với các tư tưởng khuynh tả, luôn giữ mối quan hệ thân thiện với những người Cộng sản trẻ tuổi, tuy rằng anh vẫn đứng ngoài hàng ngũ của Đảng tiền phong.
Những quan điểm thiên tả của Kim được Ban giám hiệu ghi đậm nét trong bản nhận xét đi kèm học bạ khi ra trường, do vậy cho dù tốt nghiệp với thành tích xuất sắc K. Philby vẫn không được các cơ quan nhà nước tiếp nhận. Chán nản với hy vọng muốn vào làm việc tại Bộ Ngoại giao, tân cử nhân K .Philby 21 tuổi quyết định sang Áo học tiếp để hoàn thiện vốn tiếng Đức của mình. Tại Vienna, Philby thiết lập mối quan hệ với các nhóm cánh tả, đồng thời tham gia vào các hoạt động đoàn thể của tổ chức Thanh niên Công nhân Quốc tế đặt trụ sở tại đây.
Cuối năm 1934 sau khi trở về từ Áo, K. Philby “đột ngột cắt đứt” với quá khứ tả khuynh của mình. Nhờ sự giúp đỡ từ những người bạn có thế lực của người cha, Kim được cử làm cộng tác viên ngoài biên chế của Ban biên tập tờ nhật báo The Evening Star xuất bản ở London.
Người ta thấy anh xuất hiện thường xuyên trong vai ký giả ở các buổi tiếp tân tại Đại sứ quán Đức. Rồi anh trở thành thành viên của Hội hữu nghị Anh - Đức. Đến lúc này Kim Philby bày tỏ công khai quan điểm “thân Đức” của mình, đồng thời hợp tác chặt chẽ với tờ tạp chí phát xít Geopolitik.
|
Kim Philby tươi cười xuất hiện trong buổi họp báo quốc tế công khai vai trò là điệp viên Liên Xô. |
Tư tuởng thân Đức của Philby không lọt khỏi tầm mắt các đại diện của Đế chế Đệ tam, K. Philby thường được mời du ngoạn tới Berlin gặp gỡ các cộng sự trong bộ máy tuyên truyền của Joseph Goebbels (1897-1945), viên Bộ trưởng Bộ Thông tin Đức khét tiếng với quan điểm tận diệt người Do Thái. K. Philby cũng được đích thân viên Ngoại trưởng của Nhà nước Quốc xã Joachim von Ribbentrop (1893-1946) tiếp...
Đến giữa tháng 7-1936 khi bùng nổ cuộc chiến ở Tây Ban Nha, chỉ nửa năm sau theo đề xuất của Tướng Karl Haushofer (1869-1946) chủ biên tạp chí Geopolitik, cũng như một vài nhân vật cực hữu có thế lực ở Anh, Philby được cử sang Tây Ban Nha trong vai trò phóng viên chiến trường của nhiều cơ quan thông tấn Anh hàng đầu. Do quan điểm ủng hộ nhà độc tài Francisco Franco (1892-1975), chỉ một thời gian ngắn sau K. Philby đã được tiến cử là phóng viên chính thức và duy nhất của tờ nhật báo The Times tại Tây Ban Nha. Bản thân Franco tự tay gắn tặng Kim Philby Huân chương Công trạng phục vụ.
|
Bưu chính Liên Xô phát hành đợt tem kỷ niệm trong năm 1990 để tưởng nhớ người điệp viên lỗi lạc. |
Tới giai đoạn khởi đầu Thế chiến II, K. Philby là phóng viên đưa tin chính thức của The Times bên cạnh Bộ Tổng tham mưu quân đội Hoàng gia Anh tại châu Âu. Trong năm 1940 sau khi nước Pháp bị quân Đức Hitler chiếm đóng, Philby trở về Anh rồi được đề nghị vào làm việc tại MI6 vì đã nhiều năm lăn lộn hoạt động ở nước ngoài. Rồi Kim được bổ nhiệm làm chuyên viên của Phòng Chống bạo loạn thuộc tổ chức tình báo trọng yếu này.
Đường thăng tiến của K. Philby tại MI6 thật là “chóng mặt”. Từ đầu năm 1941 K. Philby đã phụ trách một công việc tối quan trọng trong MI6, là chuyên nhiệm bảo đảm công tác phản gián cho tất cả các chiến dịch quân sự của các nước phương Tây tham gia chống quân Đức tại châu Âu. Dưới sự chỉ đạo của Kim, đội ngũ tình báo viên thuộc quyền từng tiến hành nhiều phương thức “đấu trí” với các cơ quan tình báo Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngoài ra K. Philby cũng là người nắm giữ sợi dây liên lạc chủ yếu giữa MI6 với Bộ Ngoại giao Anh, kế tiếp ông được giới hữu trách chính thức công nhận là “vị chuyên gia chống Cộng sừng sỏ nhất”.
Tới giữa năm 1944 K. Philby được cất nhắc lên chức vụ điệp viên cao cấp, trở thành người đứng đầu Phòng Chống Liên Xô và Phong trào Cộng sản Quốc tế trong biên chế của MI6.
Với vai trò mới này, Kim Philby đồng thời trở thành một trong những Phó giám đốc MI6 đầy quyền thế chỉ huy toàn bộ hệ thống tình báo đối ngoại Anh. Tới năm 1946 K. Philby được tặng Huân chương Vì sự phục vụ đặc biệt và Huân chương Hoàng gia. Các cơ quan phản gián phương Tây bắt đầu lan truyền tin đồn, rằng ghế Giám đốc MI6 sớm muộn gì cũng về tay Kim Philby.
Đầu năm 1946 Kim đi công cán ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò Trưởng đại diện của MI6 - dưới vỏ bọc là Bí thư thứ nhất Sứ quán Anh. Không phải ngẫu nhiên K. Philby được cử tới quốc gia Nam Âu này, bởi dọc đường biên giới với Liên Xô thời ấy đang tiến hành những chiến dịch gián điệp lớn, việc thực hiện chúng đương nhiên phải được trao cho những cá nhân nhiều kinh nghiệm nhất và có trách nhiệm nhất.
|
Chứng minh thư sĩ quan KGB của Kim Philby. |
Trong giai đoạn từ năm 1949-1951 Kim Philby là Giám đốc Văn phòng liên lạc của Tình báo Anh tại Washington D.C (Mỹ), phối hợp mọi hoạt động giữa MI6 với Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Nhờ vị trí trọng yếu trong MI6 đi kèm các mối quan hệ cá nhân, K. Philby đã thâm nhập sâu vào hệ thống tổ chức của các cơ quan tình báo phương Tây.
Vốn là một điệp viên kỳ cựu từng trải, K. Philby chưa từng vấp phải một sai lầm nào, nhưng do những nguyên nhân khách quan bất khả kháng người ta bắt đầu tỏ ý nghi ngờ ông.
Như vào năm 1955 tại Nghị viện Anh, khi thảo luận vấn đề rò rỉ các thông tin tuyệt mật từ giới chức cao cấp, viên Bộ trưởng Ngoại giao Harold Macmillan (1894-1986) sau này trở thành Thủ tướng Anh đã công khai đổ mọi tội lỗi cho Kim Philby - người giữ vai trò chủ chốt trong Cơ quan Tình báo Đối ngoại Anh. Cho tới năm 1963 K. Philby vẫn tiếp tục là điệp viên cao cấp của MI6 tại vùng Trung Cận Đông, một trong những “điểm nóng” thường trực trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.
Đột nhiên vào giữa năm 1963 khi biết mình có nguy cơ bị lộ, K. Philby đã “lặng lẽ” bay từ Beirut (Libăng) về Moscow, với bề dày thâm niên cống hiến trọn 30 năm ở nước ngoài cho tình báo Liên Xô. Ông tiếp tục phục vụ trong lực lượng phản gián Xôviết tại trụ sở KGB, rồi cưới bà vợ người Nga gốc Ba Lan Rufina Ivanovna Pukhova trong năm 1971 trước khi nghỉ hưu.
|
Mộ phần Kim Philby tại nghĩa trang Kuntsevo.
|
Vào ngày 11-5-1988 sau một cơn đột quỵ, K. Philby đã từ trần tại nhà riêng ở Moscow, thọ 76 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức với nghi thức trang trọng nhất dành cho một nhân vật anh hùng, rồi được chôn tại nghĩa trang Kuntsevo nổi tiếng ở Moscow là nơi chôn cất các điệp viên tên tuổi của tình báo Xôviết.
Vì những đóng góp xứng đáng cho Nhà nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xôviết, điệp viên lỗi lạc Kim Philby được trao tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Lênin, Huân chương Cờ Đỏ, Huân chương Vì tình hữu nghị giữa các dân tộc, Kỷ niệm chương Chiến sĩ Dũng cảm nhân 100 năm ngày sinh của lãnh tụ Vladimir Ilich Lenin (1870-1970)… Chung quy lại, người điệp viên lẫy lừng thật xứng đáng với danh hiệu mà giới phản gián quốc tế tôn vinh: “Nhà tình báo cự phách của mọi thời đại”.
Then Quang Long / ANTG