Trong buổi đầu lịch sử, khi luật pháp còn sơ khai, nhiều kẽ hở, những vị phán quan tốt có vai trò to lớn mang lại công bằng cho xã hội, bảo vệ lợi ích dân nghèo. Trần Thì Kiến, Phí Trực, Nguyễn Mại là những người như thế.
Trần Thì Kiến móc họng trả lại kẻ hối lộ
Trần Thì Kiến (1260-1330), quê phủ Tân Hưng, nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Công minh, chính trực, có biệt tài xử án, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan kiêm chức Đại An phủ sứ kinh sư; Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu; cuối đời được thăng lên đến chức tả bộc xạ (tể tướng).
Trần Thì Kiến nổi tiếng là quan thanh liêm chính trực, xử án cẩn thận, mang lại công bằng cho xã hội. Vụ án nổi tiếng nhất trong cuộc đời làm quan của Trần Thì Kiến, ông móc họng trả lại thức ăn cho kẻ hối lộ.
Theo sách Những điều lạ thời Trần, khi đang làm An phủ sứ Thiên Trường, một người trong hương, nhân ngày giỗ đem biếu ông mâm cỗ. Trần Thì Kiến hỏi, người ấy trả lời ở gần trị sở nên đem biếu chứ không có ý gì khác.
|
Tranh minh họa cảnh xử án thời Trần. Nguồn: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước. |
Mấy ngày sau, người này lại đến kêu xin, nhờ vả. Khi người biếu cỗ trình bày vừa dứt, Trần Thì Kiến liền móc họng, ý là trả cỗ hôm trước, làm cho kẻ kêu xin muối mặt mà về, từ đó không dám nhờ cậy nữa.
Đức tính liêm minh chính trực của Trần Thì Kiến còn được lưu lại đến hàng trăm năm sau.
Sử thần Ngô Sĩ Liên, khi bàn về ông, từng khen rằng: “Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quản Trọng vậy”.
Phí Trực và sự cẩn trọng khi xử án
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Phí Trực là người nổi tiếng thông minh, làm việc cẩn thận nên ai cũng kính nể. Mỗi lần xử án, ông thường xem đi xét lại rất kỹ, thà mang tiếng chậm, quyết không chịu xử sai.
Đến thời vua Minh Tông, nhà Trần bắt đầu suy yếu, trộm cướp nổi lên. Bấy giờ, Văn Khánh là đầu sỏ trộm cướp, triều đình nhiều lần cho quan quân lùng bắt không được.
Một ngày, bỗng dưng có người khai bắt được tên cướp Văn Khánh, giải nộp quan. Lúc tra hỏi, người bị bắt cũng nhận mình là Văn Khánh. Ai cũng cho đúng tên cướp đầu sỏ, chỉ Phí Trực nghi ngờ.
Tại sao tên trộm đầu sỏ mà lại bị bắt dễ thế, còn khai ngay mình là Văn Khánh chứ không chối quanh? Hình pháp nhà Trần rất nặng, kẻ trộm và người trốn tránh đều phải chặt chân, tay hoặc cho voi giày đến chết.
Phí Trực quyết không thi hành án tử với người tự nhận là tướng cướp. Theo ông, tên trộm đầu sỏ không thể bị bắt dễ dàng thế. Thượng hoàng Trần Anh Tông khi biết chuyện đã hỏi Phí Trực, ông đã trả lời: "Mạng người rất trọng, lòng thần còn có chỗ nghi ngờ, nên không dám liều lĩnh xử quyết".
Không lâu sau, thượng hoàng hỏi lại, Phí Trực vẫn trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận bảo: "Nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi".
Phí Trực tâu: "Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ".
Một tháng sau, tên Văn Khánh thật bị bắt. Thượng hoàng phải công nhận tài phân tích của Phí Trực.Cảm phục tài năng của ông, sau này, vua Trần Anh Tông đã cho ông giữ chức An phủ Thiên Trường.
Đó là đặc ân lớn cho vị phán quan tài giỏi, bởi theo lệ nhà Trần, người được cử làm An Phủ sứ Thiên Trường phải từng kinh qua An Phủ sứ cấp lộ, rồi khảo hạch đủ chuẩn mới bổ dụng. Với Phí Trực, đó được xem như ngoại lệ.
Thầy giáo nổi danh nước Việt đỗ trạng nguyên ở Trung Quốc
Dưới thời vua Lê Nhân Tông, khi được cử đi sứ nhà Minh, Nguyễn Trực đã tham gia kỳ thi ở Trung Quốc và đỗ trạng nguyên.
Nguyễn Mại và độc chiêu xử án lưu danh sử sách
Theo Đại chí Hải Dương, Nguyễn Mại (1655-1720) quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay, đỗ hoàng giáp năm 1691. Ông ra làm quan dưới triều vua Lê Hy Tông.
Sinh thời, Nguyễn Mại “có sức khỏe, mưu lược, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao”.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nguyễn Mại là người khỏe mạnh, có mưu lược lại giỏi bắn cung và cưỡi ngựa. Một hôm, Lễ Phiên đang bàn việc, con voi bị xổng, từ ngoài đi vào, ai cũng hoảng hốt bỏ chạy. Nguyễn Mại thần sắc không thay đổi, vẫn đứng trình bày công việc như thường.
|
Cảnh xử án ngày xưa. Ảnh minh họa. |
Với phẩm cách thanh cao, chính trực, không sợ cường quyền, Nguyễn Mại chỉ trích cả lối sống xa hoa của chúa Trịnh. Chúa Trịnh dù có phần phật ý, vẫn kính nể và trọng dụng ông. Chúa Trịnh cũng là người giao cho ông trọng trách giữ thủy quân, sau làm Đốc trấn Cao Bằng rồi chuyển về trấn thủ Sơn Tây.
Cũng tại trấn Sơn Tây, hậu thế ngày nay mới biết đến tài năng xử án và xét đoán như thần của Nguyễn Mại. Nhiều câu chuyện xử án của ông được lưu truyền trong dân gian. Tiêu biểu như khi ông xử vụ án ăn trộm chuối ở làng Đông Ngạc (Hà Nội ngày nay).
Một hôm, Nguyễn Mại có việc qua làng Đông Ngạc, chợt nghe thấy người đàn bà đang lớn tiếng chửi mất buồng chuối. Ông cho rằng lý dịch xưa nay không thấy ai để ý đến việc điều tra xét xử tội ăn cắp vặt nên tệ nạn này mới có cơ hoành hành. Ông tiến đến hỏi người đàn bà và phát hiện vết chặt trên cây chuối còn mới.
Đoán biết kẻ trộm chỉ ở quanh đây, ông liền gọi lý trưởng đến, ra lệnh tất cả người làng ra vét ao đình. Trong khi mọi người đang hì hục làm, ông bảo lý trưởng đi mua trầu cau, phát cho mọi người ăn trong lúc nghỉ giải lao. Sau đó, ông sai mọi người rửa tay thật sạch, lên sân đình ngồi nghỉ.
Trong số các bàn tay đưa ra nhận trầu, Nguyễn Mại nhận thấy một người có vết đen dù đã rửa, liền ra lệnh bắt ngay người đó. Quả nhiên, đó là người ăn trộm chuối bởi nhựa dính trên tay, ngâm xuống bùn thì dính bẩn và không thể rửa sạch ngay được. Chỉ qua vài câu xét hỏi, người này phải cúi đầu nhận tội, trả lại buồng chuối đã lấy và chịu nộp phạt trước dân làng.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing