Cách dọn bàn thờ, bao sái bàn thờ ngày Tết chuẩn
Bàn thờ là một yếu tố vô cùng quan trọng còn mang lại tài lộc, an khang, sức khỏe tâm linh cho mọi người trong gia đình. Mỗi năm dịp Tết đến, việc vệ sinh bao sái bàn thờ luôn được lưu tâm. Bởi nếu bàn thờ thu nạp được sinh khí tốt thì con cháu sẽ hưởng phúc, làm ăn phát đạt, mọi sự hanh thông.
Dọn bàn thờ ngày Tết nhớ dùng nước gồm 5 thứ thảo dược (quế, hồi, đinh hương, gỗ vang, bạch đàn), hoặc rượu gừng để tẩy uế, làm sạch đồ thờ cúng. Đun sôi cho kỹ những thảo dược đó với 1,5 lít nước, để ấm rồi dùng nước đó để lau rửa bàn thờ và đồ thờ cúng. Nếu muốn thơm hơn thì đun lâu hơn cho nước đặc, hoặc mua thêm hương liệu (đối với bàn thờ lớn, hoặc nhiều bàn thờ). Việc bao sái ai làm cũng được, chỉ cần cẩn thận, tỉ mỉ để tránh đổ vỡ đồ thờ quý, vật phẩm, ảnh gia tiên…
|
Ảnh minh họa. |
Sau khi lau dọn xong xuôi sẽ đến công đoạn đặt lại đồ thờ lên ban thờ. Trước khi đặt lại đồ thờ lên, dùng 7 tờ tiền vàng đốt rồi hơ 4 phía trên, dưới, phải, trái của bàn thờ. Sau khi đặt lại đồ thờ thì thắp 3 nén hương lên bát hương và vái lạy lần nữa.
Ngoài ra, có thể dùng giấm và muối để lau chùi đồ đồng quý giá trên bàn thờ như sau:
Bước 1: Dùng bàn chải mềm hoặc cọ quét bên ngoài đồ đồng để loại bỏ bụi bẩn, sáp nến.
Bước 2: Lấy khăn sạch mềm, mịn lau chùi toàn bộ bề mặt đồ đồng, tránh dùng khăn cứng hay giẻ bằng kim loại sẽ làm trầy xước, khiến đồ đồng mất giá trị.
Bước 3: Sau khi lau chùi xong, đồ đồng sẽ hiện ra những vùng bị oxi hóa, bị xỉn, bị lốm đốm rất xấu và lúc này tùy tình trạng mà xử lý.
Đối với đồ đồng bị xỉn màu nhẹ thì các mẹ cần đến sự hỗ trợ của muối và giấm, bằng cách hòa chúng vào nước ấm rồi dùng giẻ mềm nhúng vào, chà tới lui lên bề mặt đồ đồng. Lúc này, muối và giấm sẽ nhận nhiệm vụ đánh tan những lớp đồng bị xỉn, bị oxi, trả lại vẻ đẹp vốn có cho đồ đồng đấy ạ.
Kiêng kị phải tránh khi lau dọn bàn thờ
- Không làm đổ vỡ đồ thờ: Đồ thờ cúng trên bàn thờ là những vật linh thiêng, thể hiện sự trang trọng tôn kính với người thân và tổ tiên đã khuất, nên theo quan niệm dân gian, nếu không cẩn thận làm đổ vỡ thì gia chủ sẽ gặp chuyện không may vì thiếu đi sự tôn trọng với người đã khuất.
- Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh.
- Tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước bài vị của thần Phật. Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần phật, thần phật có ngôi vị cao hơn nên dễ khiến tổ tiên bị chèn ép.
- Không được rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài, theo người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”, nên dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên.
Thông tin chỉ mang tính tham khảo!
Theo Vũ Ngọc/Khỏe & Đẹp