Câu chuyện xung quanh bể xương hang Cắc Cớ
Từ lâu, tôi đã được nghe rất câu chuyện huyền bí về hang Cắc Cớ với bể xương người khủng khiếp và câu chuyện xung quanh thân phận những bộ xương này. Có người kể rằng, đây là những nghĩa quân của Tể tướng Lữ Gia (thời Nam Việt của Triệu Đà) kháng chiến chống nhà Tây Hán ở phương Bắc thất bại đã chạy về đây. Khi cửa hang bị bít kín và bị giặc hun khói, Lữ Gia và các nghĩa sĩ quyết tử tiết chứ không chịu hàng giặc.
Thế nhưng, nhiều người dân ở đây lại truyền miệng nhau một câu chuyện khác. Chủ nhân của những bộ xương đó là của một nhóm nghĩa quân chống lại ách xâm lăng của nhà Minh đầu thế kỷ XV. Sự hiếu kì của bản thân nên tôi đã tìm đến chùa Thầy vào một ngày nắng giữa tháng Tư. Thật may mắn, đây lại vào đúng dịp diễn ra lễ hội chùa Thầy.
|
Hội chùa Thầy thu hút được hàng ngàn người tham gia trẩy hội. |
Vượt qua một đoạn đường núi dốc đứng khá nguy hiểm, tôi đã đặt chân đến cửa hang Cắc Cớ. Lối xuống hang dốc đứng trơn trượt dù đã được xây bậc bằng xi măng và có thanh sắt để vịn. Trong hang bóng tối gần như bao phủ hoàn toàn, nhưng tia sáng hắt xuống qua cổng trời những ngày nắng loáng nhoáng trên những nhũ đá lấp lánh thứ ánh sáng huyền bí.
|
Cảnh huyền bí, mờ ảo của hang Cắc Cớ. |
Hang có 9 tầng, tương ứng với chín tầng địa ngục. Trong đó, bể xương và bàn thờ Lữ Gia ở tầng thứ 3. Ngay lối xuống có một hang sâu mà theo người dẫn đường đó là lối dẫn xuống tầng địa ngục thứ 4. Bóng tối mịt mùng, thử ném một viên đá thì phải hơn phút sau mới nghe tiếng dội lại vang vọng mãi như tiếng linh hồn u uất.
|
Cổng trời, nơi thông thiên trời đất. |
Đi sâu hơn nữa đến cổng trời, nơi thông thiên trời đất, sương khói từ dưới bay lên gặp ánh sáng mặt trời trở nên mờ ảo. Qua những bậc đá trơn trượt tôi đến vơi bàn thờ Lữ Gia, nơi thời những nghĩa quân trong cuộc kháng chiến chống quân Hán xưa kia. Hương khói cùng với không khí ẩm thấp làm tôi thấy lạnh sống lưng khi nghĩ đến những câu chuyện về những bộ xương. Đi hẳn xuống dưới chính là bể xương huyền bí mà khiến ai lần đầu tiên nhìn thấy cũng phải giật mình.
Theo anh Đức (Sài Sơn, Quốc Oai) một người tìm hiểu khá nhiều về chùa Thầy cho biết: “Bể xương này dùng để thu gom những hài cốt nằm la liệt ở các nơi trong hang trước đây. Nhìn vào trong bể, một cảm giác ớn lạnh, quả thật tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều xương người như thế. Có lẽ những bộ xương đầy huyễn hoặc kia sẽ được trôn vùi mãi mãi nếu không có sự khám phá của những người dân nơi đây".
Vẻ đẹp non nước hữu tình của chùa Thầy
“Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ, trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Hai câu thơ ai cũng thuộc nhưng chắc là không nhiều người hiểu hết ý nghĩa của nó. Hội chùa Thầy được tổ chức từ mùng 5-7.3 Âm lịch. Trong lễ hội có hàng ghàn tăng ni phật tử, du khách ở khắp nơi về tham quan, trẩy hội.
|
Lễ rước- một trong những ghi lễ ở hội chùa Thầy. |
Đến với lễ hội, du khách ngoài được vui vãn cảnh chùa, lễ phật, thực hiện những nghi thức tôn giáo thì còn có cơ hội được leo núi thám hiểm. Leo núi để khám phá những công trình kiến trúc độc đáo của ngôi chùa, được tham gia những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa. Đặc biệt, lễ hội chùa Thầy còn có múa rối nước một môn nghệ thuật mang đậm sắc thái dân gian.
|
Đến với hội chùa Thầy du khách sẽ được thưởng thức những làn quan họ Bắc Ninh do những liền anh, liền chị thể hiện. |
Qua lời chị hướng dẫn viên thì,chùa Thầy còn gọi là chùa Cả, tên chữ là: "Thiên Phúc Tự" thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Núi Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Từ lâu đã nổi tiếng không chỉ ở những truyền thuyết kỳ ảo, linh thiêng xung quanh cuộc đời thiền sư Từ Đạo Hạnh, mà còn bởi vẻ đẹp của kiến trúc, non nước hữu tình, cảnh trí như chốn bồng lai.
Chùa Thầy được xây dựng từ thời Lý (TK XI), trên thế đất hình con rồng. Kiến trúc chùa Thầy là sự hội nhập giữa tín ngưỡng bản địa với Phật giáo, giữa tính chất từ bi của Phật với sự linh thiêng của Thánh.
Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền, Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. Chùa Thượng nằm tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, có biển đề Đại hùng Bảo điện, có tượng Di Đà tam tôn. Chùa Thầy có tới ba pho tượng Từ Đạo Hạnh. Một được đặt tại nhà Tổ, một ở ban thờ chính và một đặt trong khám Từ Đạo Hạnh tại điện Thánh.
Pho tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp tu tiên được làm theo hình thức tượng rối đặt trong khám thờ tại điện Thánh là đáng chú ý hơn cả. Pho tượng này được tạo tác một cách đặc biệt nhằm đề cao vai trò của đức thánh Từ - vị thánh được nhân dân trong vùng tôn xưng như ông tổ của nghề múa rối nước.
Một ngày không thể khám phá hết được cảnh quan non nước hữu tình và những truyền thuyết sống động về đức Thánh Từ Đạo Hạnh. Hang Cắc Cớ không chỉ huyền bí mà còn là nơi cầu duyên của nam nữ thanh niên. Và tôi hi vọng sẽ được quay trở lại vào một ngày không xa.
Theo Lê Hằng /Ngày nay