Tiền cảnh của lăng Gia Long. Ảnh: Nhân Dân điện tử.
Trong khi rời khỏi Phủ Khâm sứ (nay là Trường Đại học Sư phạm Huế) hoặc Khách sạn Huế (nay là Khách sạn Saigon Morin), chúng ta đi ngược lên đường Jules-Ferry (đường Lê Lợi). Sau khi đi qua Văn phòng tỉnh Thừa Thiên (nằm bên phải, nay là UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) và doanh trại Dân quân (bên trái, nay là Khoa Quốc tế, Đại học Huế), chúng ta đi (bên trái) đường Nam Giao, cứ đi tiếp cho đến khi đi qua cầu bắc qua kênh Phủ Cam theo đường Nam Giao.
Chúng ta băng qua tuyến đường sắt chạy thẳng đến Đà Nẵng. ở bên phải nhìn ra ga và con đường là chùa Báo Quốc. Chùa này do nhà sư Giác Phong xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVIII; mở rộng dưới thời Võ Vương (Nguyễn Thế Tông, vị chúa Nguyễn thứ 8, lên ngôi từ 1738-1765) năm 1747, được vị hoàng thân này tặng một bức hoành phi; bị phá hủy dưới thời Tây Sơn và đến năm 1808 được mẹ vua Gia Long trùng tu; cổng lớn hoành tráng xây dựng năm 1808, trùng tu năm 1873; trên các khung cột trong chùa và các công trình phụ là những phù điêu rất đẹp; nghĩa trang của các nhà sư chính trong khuôn viên chùa.
Km. 2,5 (Đường Nam Giao): Khu lăng mộ kéo dài về phía nam của kinh đô với chiều dài từ 8 đến 9 cây số và rộng từ 1 đến 2 cây số. Bên phải là các gò nhỏ, nơi có một số ngôi chùa rất đẹp để tham quan cùng hệ thống lọc và bể chứa nước của Sở Cấp nước thành phố Huế. Bên trái ở một khoảng cách không xa là núi Ngự Bình, được chọn vào năm 1687 làm bình phong chống lại những ảnh hưởng có hại từ phía Nam tràn xuống, Ngãi Vương (chúa Nguyễn đời thứ năm) đã cho đặt cung điện và kinh đô của mình nằm trong thành lũy tự nhiên này. Vua Minh Mạng đã cho dựng một cung điện để nghỉ ngơi trên đỉnh núi phía đông, thỉnh thoảng nhà vua đến đó cùng với triều đình và sau này các vị vua kế vị là Thiệu Trị và Tự Đức cũng làm theo. Theo một số tác giả thì chính người Chàm đã xây một cầu thang rộng bằng đá thô dẫn lên đỉnh ở phía đông.
Km.7,5 (Đường Gia Long). Chúng ta đi ra đến bờ con sông, đi ngược lên phía hữu ngạn.
Km.8 (Đường Gia Long): Lăng Cơ Thánh nơi đặt hài cốt của cha Gia Long, được xem là cơ thánh vững chắc của các vị hoàng đế triều Nguyễn. Vị vương tử này tên là Luân, hay Gọ, hiệu là Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế, là con trai thứ hai của Võ Vương.
Km.14: Bến thuyền lăng Gia Long. Ôtô không thể qua sông. Phà được mấy người lính hộ lăng phục vụ, tiền boa cho họ là 20 xu. Bến thuyền ở bờ đối diện nằm cách thượng nguồn vài trăm mét, trên một cồn cát mà bạn phải băng qua để đến lối vào khu lăng. Bên phải trên bờ có các cây cột chỉ hướng lăng Trường Phong.
Những cột này được bộ Lễ và bộ Công xây dựng ngày 4/7/1840, Giám thành và Khâm thiên giám cai quản. Mọi người đừng nhầm lẫn giữa hai cột này với các cột nhỏ hơn, dùng để phân định khu đất dành cho từng lăng một, cũng đừng nhầm lẫn với cây cột tháp cao hơn nhiều, được đặt trước mỗi ngôi mộ lớn của triều đình.
Theo Tri thức trực tuyến