Tại Nga, có một thảm kịch chết người trên núi xảy ra từ năm 1959, tuy nhiên không ai có thể giải thích được. Cái chết bí ẩn của 9 sinh viên khoa học với những vết thương lạ tại vùng núi hiểm trở khiến giới chức trách và người dân đặt ra nhiều nghi vấn, giả thuyết. Tuy nhiên, không một giả thuyết nào có thể giải thích chính xác và hợp lý. Vụ án "đèo Dyatlov" mãi ngủ yên với bí ẩn kỳ lạ cho đến đầu năm nay, khi một nhà khoa học đã giải mã thành công nhờ vào... bộ phim
Bí ẩn trên "ngọn núi tử thần" khiến 9 người thiệt mạng
Ngày 27/1/1959, 10 sinh viên của Học viện Bách khoa Ural tại Nga đã thực hiện chuyến leo núi 14 ngày trên núi Otorten ở đỉnh Sverdlovsk (Liên Xô cũ). Lộ trình này vô cùng khó khăn, được xếp vào cấp độ cao nhất là cấp độ III khi các thành viên phải chịu đựng nhiệt độ tới âm 30 độ C.
Trong quá trình thám hiểm, 1 thành viên bị ốm nên đã quay về. Còn lại 9 người tiếp tục thám hiểm mà không hề biết, họ đang đối mặt với những phút giây cuối cùng của cuộc đời mình.
Nhóm thám hiểm một đi không trở lại
Không thấy đoàn thám hiểm quay về khi đã tới ngày quy định, một đội cứu nạn đã lên đường tìm kiếm. Họ tìm thấy lều của nhóm đã bị huỷ hoại nặng nề trên dốc núi Kholat Syakhl (có thể dịch là "Ngọn núi tử thần"), nằm ở cách núi Otorten khoảng 20km. Điểm kỳ lạ là các vật dụng vẫn còn nguyên, chứng tỏ không phải một vụ cướp.
Ở dưới lều, đoàn cứu hộ tìm thấy 2 thi thể. Gần đó, có 3 thi thể nữa bao gồm trưởng đoàn 23 tuổi. Phỏng đoán được đưa ra là họ đã chết do hạ thân nhiệt khi tìm đường trở về lều.
Lều của nhóm được đội cứu nạn tìm thấy
Phải tận 2 tháng sau, đội cứu nạn mới tìm thấy thi thể của 4 thành viên còn lại trong khe núi. Trên cơ thể họ có nhiều vết thương nghiêm trọng như vết gãy ở hộp sọ và ngực. Cơ quan điều tra Liên Xô cũ kết luận cái chết của họ xảy ra do "một lực rất mạnh", nhưng nguồn gốc là gì thì không ai rõ. Nghi vấn tuyết lở khi đó bị loại bỏ vì không có dấu hiệu lở tuyết, vị trí dựng lều cũng dốc 30 độ - không đủ để hiện tượng này xảy ra.
Từ đó, vụ án đèo Dyatlov mãi trở thành bí ẩn vì không còn ai sống sót để kể lại điều gì đã xảy ra. Nhiều người cho rằng, các thành viên trong đoàn đã bị sát hại bởi người ngoài hành tinh hay thậm chí là nạn nhân của thí nghiệm quân sự.
Vụ án được giải mã nhờ... Nữ Hoàng Băng Giá
Chẳng ai ngờ tới năm 2021, vụ án đèo Dyatlov lại được "mở khoá" nhờ bom tấn hoạt hình Frozen hết sức thành công của Disney.
Johan Gaume - người đứng đầu một viện kỹ thuật liên bang Thuỵ Sĩ đã quyết tâm chứng minh giả thuyết tuyết lở với sự trợ giúp từ Frozen. Khi xem bộ phim này, ông đã bị bất ngờ bởi chuyển động tuyết quá sống động và xuất sắc - điều được thực hiện bởi đội ngũ làm phim. Chính vì thế, ông đã hỏi mượn các đoạn mã mô phỏng tuyết của Disney để tự chứng minh giả thuyết của mình.
Sau khi được cung cấp các mã hoạt hình của tuyết trong Frozen, ông Gaume và đồng đội là Alexander Puzrin đã trực tiếp sửa đổi chúng để mô phỏng các vụ tuyết lở của mình. Mục đích của các thí nghiệm này là để mô phỏng tác động của tuyết lở lên cơ thể con người.
Johan Gaume - người đã góp phần giải đáp bí ẩn 62 năm của đèo Dyatlov
Mô phỏng của ông đã cho thấy, một trận tuyết lở không chỉ dễ dàng giết chết một người, mà các khối tuyết lớn còn có thể gây ra các thương tính tương tự các nạn nhân. Những trận tuyết lở cũng có thể xảy ra trong địa hình không quá dốc, bởi vì các người thám hiểm thường xuyên cắt ngang tuyết để di chuyển - một hành động dễ tạo ra "điểm rơi" cho các khối tuyết ở trên. Mô phỏng dựa vào đoạn mã của Frozen cũng chứng minh rằng các khối tuyết có thể dễ dàng "làm gãy xương sườn và hộp sọ của con người" trên đường đi của nó.
Như vậy, một bí ẩn của quá khứ đã không thể được giải thích vì công nghệ thời đó kém phát triển. Tuy nhiên với công nghệ tiên tiến và sự nghiên cứu kỹ lưỡng của ekip Frozen về chuyển động tuyết, nhiều bí ẩn thiên nhiên đã được lật mở.
Theo Báo Tổ quốc