Gặp cô lái đò xinh đẹp, vua Thành Thái bèn đưa vào cung

Google News

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, không chỉ gắn cuộc đời mình với người phi tần Dương Thị Ngọt, vua Thành Thái còn có cả giai thoại về việc tìm được quý phi khi vi hành.

Vua Thành Thái vốn không có thiện cảm với Tòa Khâm sứ Pháp, lại căm ghét bọn nịnh thần là những kẻ làm bồi Tây nên vua thường muốn vi hành gần gũi với đời sống nhân dân.

Điều này đã làm cho Khâm sứ Pháp và quan phụ chính đại thần Trương Như Cương quan tâm, e ngại và cố gắng cản trừ. Nhà vua thường hóa trang làm thường dân khi vi hành. Có khi làm người ăn mày để cảm nhận được nỗi khổ của họ. Cũng có khi nhà vua cải trang thành một thư sinh nho nhã, lên xứ Kim Long để ngắm nhìn trời đất, chuyện trò với các cô thôn nữ.

Gap co lai do xinh dep, vua Thanh Thai ben dua vao cung

Chuyện tình Dương Thị Ngọt - Thành Thái. Ảnh minh hoạ.

Và ở vùng đất Kim Long, trong một lần vi hành, vua Thành Thái đã tìm được một trong những quý phi của mình. Đất Kim Long nằm dọc theo bờ dòng sông Hương, nay thuộc thành phố Huế, từ lâu nức tiếng là "đất mỹ nhân". Dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần, Kim Long là nơi đô hội. Sau khi chúa Nguyễn Phúc Trân đưa thủ phủ về Phú Xuân, Kim Long được giao lại cho các ông hoàng, các gia đình quan lại làm nhà thờ, lập vườn và chẳng bao lâu, nơi đây đã trở thành một vùng ngoại ô xinh đẹp, hoa trái bốn mùa.

Có lẽ nhờ dùng nguồn nước lành sông Hương và những vườn cây trái xum xuê bốn mùa mà con gái Kim Long hầu như ai cũng đẹp. Không những thế, họ đa số xuất thân từ các gia đình có nền nếp, có văn hóa nên nết na, duyên dáng. Chuyện kể rằng vào một ngày tết Nguyên đán, vua Thành Thái cải trang thành dân thường, đến vùng đất Kim Long. Sau khi đi ngao du khắp vùng đất, vua Thành Thái thuê một chiếc đò ra về.

Khi đò vừa ghé vào, bước lên trên, ông trông thấy cô lái, khoảng chừng hai mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai với đôi má ửng hồng rất có duyên. Vua Thành Thái bỗng xao xuyến, rộn lên một niềm cảm xúc lạ lùng. Ông gọi cô gái đang ở cuối thuyền và hỏi một cách đột ngột: Nì, O tê! O có muốn lấy vua không?

Cô lái đò thiệt tình nhìn ông khách hỏi lạ đời và đáp: Đừng có nói bậy mà họ lấy đầu chừ!

Thấy thế, vua Thành Thái đổi giọng: Tui nói thiệt đó, O có muốn lấy vua thì tui làm mối cho! Nghe vậy, cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng, cúi mặt nhìn lơ chỗ khác. Một quan khác qua đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc chừng như vừa mới dự lễ về, tủm tỉm cười, vui vẻ bảo cô lái: Ni, O tê! O cứ nói ưng để coi thử nờ!

Và cô lái đò đánh bạo nói nhanh: Ưng! Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô gái kéo ra đầu mui thuyền. Mặc cho cô gái thẹn thùng dùng dằng, ông bảo: Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho.

Nói rồi nhà vua đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên, vui vẻ của mọi người. Đến trước kinh thành, vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương, trước Phu Văn Lâu, rồi đưa quý phi vào cung! Từ đó, cô lái đò Kim Long vô nội cung, làm quý phi của vua Thành Thái.

Theo sử sách còn ghi lại, vua Thành Thái có hai bà thứ phi sống với ông suốt thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion cũng như những năm cuối đời ở Sài Gòn. Đó là bà Giai Triệu và bà Chí Lạc. Điều đặc biệt là hai bà Giai Triệu và Chí Lạc là chị em ruột. Tên thật của hai người lần lượt là Công Tằng Tôn Nữ Nhàn và Công Tằng Tôn Nữ Mừng. Cả hai người đều là chắt nội của vua Minh Mạng. Trong hoàng tộc, hai bà ngang hàng với bên nam giới có chữ lót Ưng, tức là hai bà thuộc hàng cô của cựu hoàng Thành Thái.

Theo một số tài liệu thì để giấu cuộc hôn nhân cô cháu này, hoàng tộc đã đổi họ cho hai bà sang họ Hồ. Sau đó đổi sang họ Nguyễn Công. Bia mộ của hai bà hiện nay ở An Lăng đều khắc họ hai bà là Nguyễn Công.

Lời bàn:

Triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, đã tồn tại trong suốt hơn 143 năm (1802-1845) với 13 đời vua Nguyễn. Tuy nhiên, người đương thời cũng như hậu thế ngày nay đều ghi nhận trong số 13 vị vua của nhà Nguyễn chỉ có ba người là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước. Riêng Thành Thái là một ông vua trẻ có nhiều tính cách đặc biệt. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng khi lên ngôi, ông đã có vẻ là một người lớn, có tư thế ung dung, giao thiệp đàng hoàng với quan lại, kể cả người Nam, người Pháp. Thành Thái là người ham học hỏi. Khác với những ông vua trước đây, ông học chữ Nho, học chữ Pháp và cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp.

Không nói ra, nhưng ý định của ông là học tiếng Pháp để có thể giao tiếp với những người này với tinh thần chống Pháp. Vua Thành Thái dần dần bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Ông khinh ghét ra mặt đối với những quan lại xu nịnh, bợ đỡ bọn quan Pháp. Và vẫn biết là như vậy, song vua Thành Thái không thoát ra khỏi nhu cầu của cuộc sống thường nhật như giai thoại trên thì dẫu có yêu nước thương dân đến mấy thì vua Thành Thái cũng không thể tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Bởi với ông khi đó, ngai vàng và quyền lợi của gia tộc còn lớn hơn của trăm họ... thì nghiệp lớn sao thành!


Theo K.N/Dân Việt