Triệu Vân (?- 229) tự Tử Long, là danh tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là công thần khai quốc nhà Thục Hán, là một vị tướng uy dũng, có mưu lược và tận trung vì nước, được binh sĩ Thục Hán ca ngợi là "Hổ uy tướng quân".
Triệu Vân là một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán.
Vì tấm lòng trung thành mà Triệu Vân luôn được Lưu Bị tin tưởng, chức vụ tuy không cao nhưng sự trọng dụng mà ông có được là thứ mà nhiều tướng lĩnh khác không có được. Triệu Vân là Trung hộ quân, đây là chức vụ thống lĩnh cấm quân, chỉ có những tướng lĩnh được vô cùng tin tưởng mới được giao cho trọng trách bảo vệ nơi ở của đế vương như vậy.
Nhưng chính vì vậy mà cơ hội lập công của Triệu Vân cũng ít đi rất nhiều, ông chỉ có thể trưng mắt ra nhìn các hổ tướng khác như Quan Vũ và Trương Phi lập chiến công, bản thân chỉ có thể đứng ở hậu phương bảo vệ Lưu Bị.
Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng trở thành người có tiếng nói nhất của Thục Hán, ông bắt đầu dần dần trọng dụng người huynh đệ Triệu Vân.
Năm 223, Triệu Vân được Lưu Thiện phong làm Trung hộ quân, Chinh nam tướng quân, Vĩnh Xương đình hầu, sau đó thăng lên Trấn đông tướng quân.
Năm 227, Triệu Vân cùng thừa tướng Gia Cát Lượng tập kết quân đội ở Hán Trung chuẩn bị đánh Ngụy. Triệu Vân khi đó đã tuổi cao vẫn đích thân xuất chinh ra trận nhằm thể hiện lòng trung với nước.
Sau khi Lưu Bị qua đời Triệu Vân dần dần được trọng dụng.
Năm 228, Gia Cát Lượng ra quân, Triệu Vân được cử đi cùng Đặng Chi mang ít quân ra Tà Cốc, còn mình khởi đại quân ra Kỳ Sơn. Trong lúc Nhai Đình thất thủ khiến Gia Cát Lượng phải lui đại quân về Hán Trung thì Triệu Vân và Đặng Chi cũng chỉ có ít quân. Ông bèn dùng kế nghi binh cố thủ, sau bị quân Tào Chân tấn công ở Cơ Cốc phải rút về. Triệu Vân đi chặn hậu, quân Thục rút lui có kỷ luật.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra câu chuyện nhân vật Triệu Vân tuổi già vẫn một mình chiến đấu tay đôi với tướng Ngụy là Hàn Đức, lần lượt đâm chết bốn con trai của Hàn Đức trước khi giết nốt ông ta (tất cả đều là nhân vật hư cấu).
Về nước, ông bị giáng chức thành Định quân tướng quân. Gia Cát Lượng thấy ông không để tổn thất quân sĩ, cho phép ông lấy vải vóc để thưởng cho quân, nhưng ông từ chối vì đội quân của ông đã để thua trận không đáng nhận thưởng.
Trong Vân biệt truyện, Gia Cát Lượng nói: “Việc rút quân ở Nhai Đình, binh tướng ta chẳng ai không bị thiệt hại, việc lui quân ở Cơ Cốc, binh tướng ở đấy chẳng mấy tổn thất, sao vậy?” Đặng Chi thưa rằng: “Vân tự thân đi đoạn hậu, quân tư trang vật dụng, đều không bỏ sót, binh tướng được vô sự nên không tổn thất gì.” Vân lấy được nhiều quân tư trang và vải lụa thừa, Gia Cát Lượng sai đem những vật ấy ban cho tướng sỹ của Vân, Vân nói rằng: “Việc quân đã bất lợi, sao có thể nhận phần thưởng được? Xin đưa hết những vật phẩm ấy vào phủ khố ở Xích ngạn, đợi đến tháng 10 sang Đông giá rét mà ban thưởng”. Gia Cát Lượng rất lấy làm phải và nghe theo.
Triệu Vân trong những năm tháng cuối đời, dường như ông biết trước thọ mệnh của mình chẳng còn dài nên đã từng nói với thừa tướng Gia Cát Lượng:
"Thừa tướng, Tử Long già rồi, ước nguyện của tiên đế, ta không còn cách nào tận lực, đại nghiệp phục hưng Hán thất chỉ có thể dựa cả vào một mình thừa tướng".
Năm 229, Triệu Vân, võ tướng cuối cùng trong nhóm Ngũ Hổ Tướng Thục Hán qua đời tại nhà riêng. Kể từ đó Ngũ Hổ Tướng vĩnh viễn không còn tồn tại, đây là một năm thực sự tang thương của chính quyền Thục Hán.
Gia Cát Lượng vốn đã dự liệu trước được sự việc này, nguyên nhân là bởi tuổi của Triệu Vân lúc này đã cao, quy luật tự nhiên, không thể kháng cự, nhưng khi người truyền tin chạy đến báo tang, Gia Cát Lượng vẫn không khỏi đau đớn khóc nói Tử Long mất đi, quốc gia mất đi một người tài, ta cũng mất đi một cánh tay phải.
Gia Cát Lượng đã dự liệu trước được sự ra đi của Triệu Vân.
Không chỉ riêng Gia Cát Lượng mà những người khác cũng không cầm nổi nước mắt, bởi vì Triệu Vân qua đời cũng đồng nghĩa một thời đại đã kết thúc. Những nguyên lão Thục Hán năm đó đã không còn lại bao người, đối diện với tình cảnh Thục Quốc lúc này, Gia Cát Lượng càng cảm thấy quặn lòng.
Trước khi Triệu Vân qua đời, ông luôn miệng lẩm bẩm một câu:"Bắc phạt! Bắc phạt!", điều đó khiến cho Gia Cát Lượng cảm thấy rất hổ thẹn. "Bắc phạt" không chỉ là một đại sự mà Triệu Vân dành nửa đời người theo đuổi, mà nó cũng là ước vọng của rất nhiều lão thần nhà Thục Hán. Mỗi khi nghĩ về câu nói đó, Gia Cát Lượng không ngừng rơi lệ, chỉ có thể thở dài đau xót vì mất đi một danh tướng bên cạnh.
Gia Cát Lượng và Triệu Vân đã cùng nhau tác chiến hơn nửa đời người, cùng nhau trải qua rất nhiều vinh nhục, cả hai người đều có một trái tim trung thành, đều muốn làm sao để giúp đỡ họ Lưu phục hưng Hán Thất, nhưng tiếc rằng đến tận lúc chết cả Triệu Vân và Gia Cát Lượng đều không làm được.
Theo Người Đưa Tin