Một cuộc chiến lấy yếu thắng mạnh luôn thu hút sự quan tâm và vô số câu hỏi: Bên yếu đã dùng cái gì để chiến thắng? Bên mạnh đã đánh mất lợi thế của mình như thế nào? Tuy nhiên, từ lăng kính lịch sử, bí ẩn đầu tiên cần giải đáp khi nói về chiến dịch Quan Độ phải là “Viên Thiệu có thật sự mạnh gấp mười lần Tào Tháo”?.
Viên quân đông bao nhiêu?
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN), La Quán Trung cho biết quân số của hai bên Viên-Tào lần lượt là 70 vạn và 7 vạn. Một sự chênh lệch quá lớn: nhiều hơn gấp 10 lần, hoặc nói cách khác là nhiều hơn 630 ngàn quân! Sự chênh lệch này đủ tạo ra một suy nghĩ rằng “Viên Thiệu chẳng cần bất cứ mưu kế gì, chỉ cần xua quân lên, dùng chiến thuật biển người, lấy 5 người đổi lấy 1 mạng binh sĩ của Tào Tháo, là cũng đủ thắng”. Nhưng cả trong TQDN lẫn trên thực tế, chuyện đó đã không xảy ra, thậm chí Viên quân còn thua tan tác. Đương nhiên, Viên Thiệu đã mắc một số sai lầm. Nhưng sai lầm phải lớn cỡ nào thì mới đủ để phá hủy lợi thế khủng khiếp như vậy? Rốt cuộc là có điều gì không đúng?
Chuyện không đúng chính là quân số hai bên. Con số 7 vạn – 70 vạn hoàn toàn là hư cấu. Trần Thọ và Bùi Tùng Chi, trong bộ sử Tam Quốc Chí (TQC), đã lần lượt giải đáp vấn đề quân số thực tế của hai nhà Tào-Viên. Nhưng đáp án cuối cùng cũng không đơn giản.
Nói về quân số của Viên Thiệu trước. Trần Thọ trong TQC - Viên Thiệu truyện chép rằng bộ chúng của Thiệu có đến mấy chục vạn, sau đó mới“kén chọn lấy chục vạn quân tinh nhuệ, một vạn quân kỵ, chuẩn bị đánh huyện Hứa”. Đối với con số mười vạnnày, Bùi Tùng Chi khi chú thích TQC đã dẫn lời nhiều tác giả khác để so sánh, minh định. Họ Bùi dẫn sách Thế ngữ: “Quân bộ của Thiệu năm vạn, quân kỵ tám nghìn” . Tuy nhiêncon số năm vạn bộ binh- tám ngàn kỵ binh này lại bị một tác giả khác là Tôn Thịnh nghi ngờ. Họ Tôn dẫn lại TQC – Thôi Diễm truyện, rằng khi Tào Tháo phá xong Viên Thiệu, lúc xét hộ tịch của Ký châu, đã nói với Thôi Diễm rằng“có thể thu đến ba mươi vạn dân” . Do đó Tôn Thịnh cho rằng, “riêng quân của Kí châu đã như thế” (có lẽ Tôn Thịnh lấy tỷ lệ 1:10, trong ba mươi vạn dân sẽ tuyển được ba vạn quân), thì tính cả U châu, Tinh châu và Thanh châu nữa, đại binh của họ Viên đúng là “phải đến mười vạn quân”.
Con số “mười vạn” này còn được một nhân vật rất đáng tin cậy – một người họ Viên khác xác nhận. Đó là Viên Thuật. TQC – Trương Phạm truyện kể rằng Viên Thuật từng nói với Trương Phạm: “Nay Tào công dùng mấy nghìn binh khốn mỏi chống mười vạn quân binh, có thể nói là chẳng biết lượng sức” . Tuy ở cách xa chiến trường, nhưng là nhân vật số hai của Viên gia, Viên Thuật chắc chắn biết rõ lực lượng của Viên Thiệu. Chỉ là, Viên Thuật có nắm rõ quân số của Tào Tháo hay không?
|
Binh lực của Viên Thiệu trong chiến dịch Quan Độ chỉ là mười vạn chứ không phải 70 vạn như trong tiểu thuyết. |
Tào quân nhiều hay ít?
Viên Thuật gọi quân Tào là “mấy nghìn binh khốn mỏi”, tất nhiên là không giấu diếm sự khinh ghét, ác cảm (ông ta với Tào Tháo vốn không ưa gì nhau). Cho nên con số vài ngàn này không thể lấy làm căn cứ chuẩn xác. Thế nhưng Trần Thọ lại có phần đồng tình với Viên Công Lộ. Trong TQC – Vũ Đế kỷ, họ Trần viết rằng Tào quân “chẳng đầy một vạn”, lại còn “bị thương đến hai ba phần mười”. Nếu quả như lời của sứ quân họ Viênvà sử gia họ Trần, thì tương quan Viên - Tào chẳng phải một lần nữa lại là 1 so với 10 ư? Sử liệu tuy rõ ràng, nhưng lại có chỗ không ổn.
May thay, chúng ta còn có một sử gia họ Bùi. Bùi Tùng Chi đã phản bác con số “dưới một vạn Tào quân” qua mấy điểm chính:
- Một, Tào Tháo từng phá giặc Khăn Vàng ở Thanh châu, “thu hàng hơn ba mươi vạnquân”, ngoài ra còn thôn tính nhiều đất đai (Từ châu, Nam Dương…). Cho nên dẫu quân số có bị hao hụt trong quá trình chinh chiến cũng như phải chia ra đóng giữ các nơi, cũng không thể xuống dưới bốn vạn, càng không thể ít ỏi đến mức chưa đầy một vạn.
- Hai, Viên Thiệu có mười vạn quân, “đóng quân kéo dài mấy chục dặm” , vậy nhưng Tào Tháo không những có thể chia doanh trại đối địch, mà còn có đủ quân để cấp cho Từ Hoảng công kích xe lương Viên quân. Nếu quân số chưa đầy một vạn thì chắc chắn không thể làm được những điều đó, nhiều khả năng binh lực quân Tào phải xấp xỉ một nửa quân Viên.
- Ba, các sách đều chép rằng Tào Tháo chôn sống tám vạn Viên quân (có chỗ nói là bảy vạn). Bảy-támvạn người đứng trước cái chết, dẫu không có vũ khí, chỉ là chạy tản mát thôi, cũng chẳng phải là chuyện mà vài nghìn Tào quân có thể dễ dàng khống chế, chưa nói đến chuyện bảy -támvạn người cùng hô to phản kháng. Tào quân vì thế chắc chắn là không dưới bốn vạn.
|
Năm vạn là quân số hợp lý của Tào quân. |
Hỗ trợ cho quan điểm Bùi Tùng Chi còn cóhai người trong doanh Tào.
Người thứ nhất là Trình Dục. Khi Tào Tháo vừa thua Lữ Bố ở Bộc Dương, Trình Trọng Đức đã động viên Tào Mạnh Đức: “Nay Duyện châu tuy tàn khuyết, chỉ còn có ba thành, nhưng quân sĩ có thể chiến đấu, chẳng dưới vạn người”. Ngay cả khi thất bại gần kề nhất, chỉ còn 3 thành, thì Tào quân cũng không dưới một vạn.Vậy thì khi lấy lại địa bàn Duyện châu và chiến thắng Trương Tú, Lữ Bố, Lưu Bị, lại mở rộng địa bàn gấp nhiều lần (có thêm Nam Dương, Từ châu, Dự châu), Tào quân tham gia chống Viên Thiệuchắc chắn phải nhiều hơn rất nhiều, có thể là gấp bốn, năm lần.
Người thứ hai là Tuân Úc. Khi thuyết phục Tào Tháo bỏ quaTừ châu đểđi Bộc Dương đánh Lữ Bố, Tuân Văn Nhược đã phân tích: “Tướng quân đánh thànhchẳng hạ nổi, đi cướp không thu được gì, bất quá mươi ngày, thì chục vạn quân chưa đánh mà tự khốn rồi”. Dẫu con số mười vạn này cũng có thể là ngoa dụ nhằm mục đích thuyết phục, thì Tuân Úc chắc chắn không thể quá khoa trương trước mặt Tào Tháo – người vốn đã biết rõ tình hình Tào quân, sẽ không có chuyện từ một vạnnói vống lên tới mười vạn.
Kết hợp các phân tích, có thể xem năm vạn là quân số hợp lý của Tào quân.
|
Quân số tham gia cuộc chiến Viên – Tào thật ra là 10 vạn đấu 5 vạn. |
Như vậy, bí ẩn về chênh lệch quân số đã rõ. Chiến dịch Quan Độ thực chất là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng không quá cách biệt: mười vạn đấu năm vạn. Nếu tính đến cả chất lượng quân đội - thể hiện qua tố chất, kinh nghiệm chiến đấu, tính kỷ luật của binh sĩ, số lượng tướng lĩnh có năng lực… - vốn là thứ mà Tào quân áp đảo Viên quân, thì cách biệt này lại càng được rút ngắn hơn.
Với lực lượng không quá thua kém, Tào Tháo có cơ hội bố trí phòng ngự, triển khai các ý đồ chiến thuật nhằm đánh bại Viên Thiệu.
Theo Nguyễn Đô Thuyên/Tiền Phong