Tể tướng Lê Hy, thiên hạ sầu bi...
Trong 10 năm ở cương vị tể tướng (1693 - 1702), Lê Hy rất được nhà chúa chú ý tin dùng. Ông góp bàn mưu kế ở nơi màn trướng, không lời nào là không được nhà chúa nghe theo, từ triều đình đến nơi đồng nội đều sợ ông là người nghiêm nghị. Tất nhiên, tính nghiêm khắc, nghiêm nghị của Tể tướng Lê Hy không phải bao giờ cũng được giới quan chức và nho sĩ tất cả đều đồng tình ủng hộ. Thậm chí có những người đố kỵ. Trong khi đó tể tướng Nguyễn Quán Nho "chỉ cốt nắm giữ đại thể" lại được số đông nho sĩ ngợi khen, còn tể tướng Lê Hy cứ "thẳng mực tàu" khiến họ chỉ trích "tham tụng văn hà, bách tính ân ca"; "Tể tướng Lê Hy, thiên hạ sầu bi"...
Tài năng và công lao của Tể tướng Lê Hy rất lớn, không chỉ riêng phương diện chính trị mà cả về sử học và văn học. Trong những năm 1681 - 1682 triều đình giao cho Lê Hy tiếp tục tu soạn Quốc sử. Lê Hy phụ trách nhóm Nguyễn Quý Đức biên soạn lần đầu hai triều vua Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông (1662 - 1675) đặt tên Bản kỷ tục biên để kết thúc bộ Đại Việt sử ký và chỉnh lý phần sử cũ mà các sử gia Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ đã biên soạn trước đó. Lê Hy được giao quyền chỉnh lý với niềm tin tuyệt đối: "Chỗ nào sai thì tu sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy".
|
Ảnh minh họa. |
Quan điểm viết sử tiến bộ
Cuối năm Đinh Sửu, Chính Hòa thứ 18 (1697), bộ Quốc sử do Lê Hy phụ trách tu soạn làm xong, đặt tên là Đại Việt sử ký toàn thư, đem dâng chúa Trịnh phê duyệt, sau đó sai khắc in ngay để ban bố trong thiên hạ. Trong lời tựa in ở đầu bộ Quốc sử đồ sộ gồm 19 quyển, Lê Hy viết: "Những sự tích trước đây trăm, ngàn năm chưa tập hợp lại, nay được hoàn thành. Người trong thiên hạ, ai thấy sách này đều được tỏ rạng như thấy trời xanh, yên tâm như đi đường cái, người thiện biết là được khuyến khích, kẻ ác biết là bị ngăn ngừa".
Với quan điểm viết sử tiến bộ và phương pháp luận khoa học, Lê Hy là sử gia kết thúc bộ sử lớn Đại Việt sử lý toàn thư, một công việc tiến hành lâu dài, trong khoảng thời gian hơn 400 năm của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ... nói như GS Phan Huy Lê: "Người đặt cơ sở đầu tiên là Lê Văn Hưu và người tập đại thành cuối cùng là Lê Hy". Người đầu tiên khởi nguồn bộ Quốc sử là Lê Văn Hưu, người làng Phù Lý, huyện Thiệu Hóa và người kết thúc bộ Quốc sử Đại Việt cũng chính là người Thanh Hóa Lê Hy. Không cách xa nhà Lê Văn Hưu là mấy, nhưng họ đều có chung một nguồn là họ Lê và đều ở chung trên một mảnh đất Đông - Thiệu.
Năm Nhâm Ngọ (1702), Binh bộ Thượng Thư, Tham tụng, Lại Sơn Bá Lê Hy chết trong khi đang tại chức, hưởng dương 56 năm. Ông được triều đình truy tặng hàm Thái Bảo, tước Lại Quận công, ban tên thụy là Duệ Đạt, cho đưa thi hài về quê an táng và lập đền thờ. Đền thờ Lê Hy hiện đã bị hư hỏng chỉ còn lại bia đá Lê Tể tướng vẫn đứng trên nền cũ như một nhân chứng để mọi người chiêm bái.
Dương Tuấn