Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong những nhân vật kỳ bí nhất mà nhiều chuyên gia nghiên cứu và các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã hết được. Mặc dù nhà Tần (221 TCN – 206 TCN) chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn tới các triều đại sau này.
|
Tần Thủy Hoàng là một trong những vị hoàng đế bí ẩn bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. |
Không chỉ ghi dấu ấn hàng nghìn năm với những đóng góp cho công trình khổng lồ như Vạn Lý Trường Thành, lặng mộ kỳ bí với hơn 8.000 binh sĩ đất nung cùng nhiều bí ẩn chưa thể lý giải, triều đại của Tần Thủy Hoàng còn khiến hậu thế kinh ngạc khi xây dựng con đường "cao tốc" vào thời cổ đại và chỉ mất một thời gian rất ngắn.
Đó chính là Qinzhidao, con đường được mệnh danh là xa lộ cổ đại của Trung Quốc, tồn tại từ thời nhà Tần.
Trải dài từ tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc cho tới khu tự trị Nội Mông ở Trung Quốc chính là con đường cao tốc đầu tiên trong lịch sử quốc gia này và trên thực tế là nó đã được hoàn thành cách ngày nay hơn 2.000 năm trước.
Qinzhidao là xa lộ được xây dựng một cách bí ẩn dưới triều đại của Tần Thủy Hoàng, người sáng lập ra nhà Tần (221 TCN – 207 TCN), đồng thời là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Con đường cổ đại này bắt đầu từ huyện Thuần Hóa của tỉnh Thiểm Tây và kết thúc tại thành phố Bao Đầu thuộc khu tư trị Nội Mông, bao phủ khoảng cách ước tính 700km, chạy qua cả những địa hình như đồng bằng, núi, đồng cỏ và sa mạc.
Đây là lý do Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng con đường "cao tốc" ngay khi thống nhất Trung Hoa
Những tàn tích, dấu vết của con đường, cũng như dấu chân và kiến trúc ban đầu của nó được phát hiện vào năm 2009. Phát hiện này được coi là một trong 10 khám phá khảo cổ học tiêu biểu nhất của năm đó.
Tuy nhiên, con đường này cũng là một công trình được xây dựng nhằm phục vụ cho lợi ích về mặt quân sự mà Tần Thủy Hoàng đã quyết định xây dựng ngay từ những năm đầu sau khi thống nhất Trung Quốc thời cổ đại.
Theo ghi chép trong cuốn "Sử ký" của Tư Mã Thiên (một sử gia nổi tiếng thời nhà Hán), Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng một con đường cao tốc trải dài từ huyện Thuần Hóa cho tới Bao Đầu.
Tuy nhiên, việc xây dựng con đường này không hề dễ dàng và bị chậm trễ vì địa hình phức tạp. Trên thực tế, phải mới tới hơn hai năm để hoàn thành con đường. Đáng chú ý, vị tướng quân được giao nhiệm vụ giám sát, đôn đốc xây dựng con đường này đã bị Tần Nhị Thế (con trai của Tần Thủy Hoàng) giết chết khi công trình vẫn còn chưa hoàn thành.
Con đường cao tốc thời nhà Tần rộng khoảng 20-60 mét và đi qua tới 14 huyện. Mặc dù một số nhà sử học nhận định rằng con đường được xây dựng với mục đích quân sự, nhằm ngăn cản quân xâm lược, nhưng các chuyên gia vẫn không tìm thấy ghi chép hay hồ sao nào đề cập tới lý do mà công trình hơn 2.000 năm được xây dựng.
Theo các nhà nghiên cứu, con đường bí ẩn chính là "huyết mạch" kết nối cho tuyến phòng thủ quân sự ở kinh thành Hàm Dương và khu vực biên giới của nhà Tần.
Theo các chuyên gia, nếu khu vực phòng thủ biên giới gặp nguy hiểm và báo cáo về tình trạng khẩn cấp thì một đội binh lính sẽ được điều động một cách nhanh chóng từ kinh đô Hàm Dương di chuyển tới nơi này chỉ trong 3 ngày 3 đêm nhờ con đường có vị trí chiến lược này.
Đặc biệt, quân đội nhà Tần sẽ chỉ mất khoảng một tuần để chuẩn bị những thứ cần thiết cho cuộc chiến, bao gồm cả việc tổ chức, triển khai quân đội, cũng như các thứ cần thiết khác như vũ khí, lương thực...
Ngoài ra, con đường cao tốc này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực biên giới với kinh đô Hàm Dương, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa và kinh tế.
Đường cao tốc thời nhà Tần được làm bằng đất nén. Trên thực tế, hầu như không có cây hoặc khu rừng nào được tìm thấy ở con đường này, ngoại trừ một số loại cỏ dại ngắn. Các nhà nghiên cứu tìn rằng bí mật của hiện tượng kỳ lạ này chính là nằm trong loại đất được sử dụng để xây dựng con đường.
Theo đó, để tạo vật liệu bê tông cho xa lộ trên, tất cả lượng đất được sử dụng cần phải được nghiền nát, nung và sau đó được nén chặt lại với nhau giúp nó trở nên rắn chắc như bê tông. Điều này cũng có thể khiến cho cỏ dại hoặc các hạt giống cây không thể phát triển và phá vỡ con đường.
Con đường cao tốc thời nhà Tần chỉ được xây dựng trong một thời gian rất ngắn cách đây hơn 2.000 năm nhưng lại đạt được chất lượng rất tốt, khiến cho ngay cả những chuyên gia cầu đường ngày nay cũng phải sửng sốt.
Thế nhưng, công trình này vốn được xây dựng không hề dễ dàng. Cụ thể, một phần lớn của con đường này được xây dựng trên núi vì nguyên nhân địa lý. Để xây dựng một xa lộ trên địa hình phức tạp như vậy, các nhà xây dựng thời cổ đại sẽ phải khéo léo thiết kế, có kỹ thuật đo lường, cũng như thăm dò địa chất một cách chính xác.
Con đường hơn 2.000 năm chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng
Không chỉ thời nhà Tần, con đường cao tốc được Hoàng đế Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng, hóa ra còn được sử dụng thường xuyên qua nhiều triều đại và thậm chí là cho tới nhà Thanh (1644 - 1911).
Cụ thể, con đường có vị trí chiến lược cho phép Trương Khiên, một nhà ngoại giao, đồng thời là nhà thám hiếm kiệt xuất vào thời Tây Hán, có thể thuận lợi truyền tải thông tin về Trung Á. Ông được cho là người có đóng góp đặc biệt to lớn trong việc mở ra con đường Tơ Lụa và kết nối giao thông nhà Hán với những nước Tây Vực.
Con đường cao tốc hơn 2000 năm này được cho là một hành lang quan trọng đối với những nhà ngoại giao, các thương nhân ở Trung Quốc với phương Tây trong thời gian con đường Tơ Lụa vẫn bị ngăn cách. Các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện ra nhiều tiền cổ, gạch lát và hang động dọc theo con đường cao tốc.
Ngoài ra, con đường huyết mạch này cũng là nơi chứng kiến và là một phần lộ trình của 11 công chúa nhà Hán khi được gả cho những nước khác với mục đích chính trị.
Đặc biệt, một trong số đó còn có Vương Chiêu Quân, người được mệnh danh là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa, cũng được gả cho người Hung Nô vào thời Hán Nguyên Đế năm 33 TCN. Con đường cao tốc được xây dựng từ thời nhà Tần cũng chính là nơi nàng Vương Chiêu Quân đi qua để tiến về phương bắc.
Những dấu tích, bằng chứng khảo cổ của con đường cao tốc hơn 2.000 năm, một công trình "bậc thầy" dưới thời cai trị của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu thêm về lịch sử của miền bắc và miền trung của Trung Quốc thời cổ đại.
Theo Helino