Sau phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không, đến ngày 5-12-1972, tư lệnh cảnh sát quốc gia VNCH, chuẩn tướng Nguyễn Khắc Bình, tiếp tục ký báo cáo mật kết quả điều tra "về việc sinh viên Nguyễn Thái Bình mưu toan cưỡng đoạt máy bay PAN AM ngày 2-7-1972".
|
Báo chí Sài Gòn năm 1972 đăng tải nhiều bài viết xung quanh cái chết của sinh viên Nguyễn Thái Bình Ảnh tư liệu gia đình |
Bản báo cáo đặc biệt này mang mã số 623.694/BTL/ CSQG/ TP + DP/M và được gửi đến Phủ thủ tướng Sài Gòn.
Bản lý lịch trích ngang
Phần đầu báo cáo trích tóm tắt lý lịch Nguyễn Thái Bình là sinh viên, sinh ngày 14-1-1948 tại Chợ Lớn, thuộc gia đình Công giáo, có chín anh em (theo gia đình, báo cáo này có những chi tiết sai như tôn giáo, nơi sinh mà chính xác là sinh tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Anh xuất ngoại du học ngày 23-6-1968 với học bổng của USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ) trong chương trình Leadership Scholarship. Thông hành đi Mỹ của anh do Việt Nam cấp ngày 14-3-1968 mang số 001590/68VN và chiếu khán khứ hồi số 03440.
Đầu tiên, Nguyễn Thái Bình học tại Trường Fresno State College. Đến ngày 13-6-1969, anh tách rời các bạn, một mình đến học tại đại học đường Washington cho đến khi tốt nghiệp vào tháng 6-1972 khoa ngư nghiệp và kỹ nghệ thực phẩm.
|
Báo cáo mật của tư lệnh cảnh sát quốc gia VNCH về vụ Nguyễn Thái Bình - Tài liệu TTLTQG2
|
Trong thời gian du học ở Mỹ, Nguyễn Thái Bình có trở về Việt Nam một lần vào ngày 21/6/1970, chiếu khán và tái xuất số 272/NV cấp tại San Francisco ngày 17/6/1970, trong thời hạn một tháng và tái xuất ngày 30-8-1970.
Trở lại Mỹ học và tham gia mạnh mẽ các phong trào phản chiến đến ngày 2/7/1972, Nguyễn Thái Bình trở về nước trên chuyến bay số 841 định mệnh mà không có chiếu khán của Tòa đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ cấp cho hồi hương.
Mâu thuẫn với phúc trình an ninh hàng không
Các diễn biến đặc biệt trên chuyến bay 841 được chuẩn tướng Nguyễn Khắc Bình báo cáo gần như tương tự bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không, tuy nhiên nó lại khẳng định sinh viên Nguyễn Thái Bình không đe dọa giết nữ tiếp viên hàng không May Yuen và anh cũng không hề mang theo vũ khí nổ nguy hiểm nào.
Trong ba tờ giấy đánh máy bằng tiếng Anh mà Nguyễn Thái Bình đưa cho tiếp viên chuyển đến cơ trưởng để buộc chuyển hướng bay chiếc B747 ra Hà Nội, thì tờ 1 và tờ 2 có nội dung giống như bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không (xem kỳ 1).
Riêng tờ thứ ba thì nội dung báo cáo của tướng Bình khác hẳn bản phúc trình: "Tờ giấy thứ ba buộc nữ tiếp viên phải gửi giấy trên cho phi công chính và lấy trả lời của phi công trong vòng năm phút".
|
Lễ truy điệu Nguyễn Thái Bình ở California - Ảnh tư liệu gia đình |
Như vậy, theo kết quả điều tra của cảnh sát, Nguyễn Thái Bình đã không hề đưa ra lời hăm dọa giết con tin May Yuen và đe dọa bằng hơi ngạt.
Chắc chắn người ta phải tin điều tra của cơ quan cảnh sát chuyên trách hơn là của Hội đồng An ninh hàng không bao gồm các đơn vị dân sự như Nha Hàng không dân sự, Nha Căn cứ hàng không Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt, điều tra của cảnh sát được thực hiện kỹ lưỡng trong gần sáu tháng, trong khi bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không được hoàn thành chỉ hơn một tháng.
Ngoài ra, bản báo cáo kết quả điều tra của tư lệnh cảnh sát quốc gia cũng ghi thêm một chi tiết đặc biệt: dưới ba tờ giấy Nguyễn Thái Bình buộc tiếp viên chuyển cho cơ trưởng chuyến bay 841 đều có ký tắt N.L.F.
Đây là chữ viết tắt của National Liberation Front, được chính quyền Sài Gòn dịch ra "Mặt trận Giải phóng miền Nam hay còn gọi là Việt Cộng".
Mục 2.3 của phần II bản báo cáo của cảnh sát ghi rõ: "Khi phi cơ đến Sài Gòn và đáp trên phi đạo Tân Sơn Nhứt, ông Vaughn đến gặp Nguyễn Thái Bình để thuyết phục y. Trong khi đó, Nguyễn Thái Bình tay phải cầm một con dao, tay trái cầm một gói giấy tuyên bố trong đó có bom.
Vì không thuyết phục được Bình nên ông Vaughn lợi dụng sơ hở khóa tay trái và siết cổ Bình. Bình đã dùng dao đâm vào ông Vaughn nhưng chỉ làm rách áo trước bên phải và sây sát nơi bụng. Ngay lúc đó, ông Mills bắn vào lưng Bình năm phát súng lục.
Khám xét trong mình Nguyễn Thái Bình, ngoài con dao, còn tìm thấy hai trái kim khí sau này được biết là lựu đạn giả, không có ngòi nổ và không có thuốc".
Ngoài báo cáo này của viên tư lệnh cảnh sát Sài Gòn, bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không cũng khẳng định anh hoàn toàn không trang bị vũ khí nổ: "Kết quả giảo nghiệm cho biết hai vật hình trứng gà tìm thấy trong túi áo nạn nhân không phải là chất nổ hay chứa hơi giết người".
Đặc biệt, mật trình thứ ba tóm tắt nội dung sự kiện ngày 2-7-1972 của riêng Bộ Giao thông và bưu điện (cơ quan quản lý phi trường Tân Sơn Nhất) gửi cho Phủ thủ tướng cũng khẳng định sinh viên Nguyễn Thái Bình không có chất nổ hoặc vũ khí sát thương cao nào khác: "Khám xét trong mình Nguyễn Thái Bình, ngoài con dao, còn tìm thấy hai trái kim khí, sau này được biết là lựu đạn giả"...
Như vậy, cả ba bản báo cáo điều tra của ba cơ quan khác nhau đều cho thấy chuyến bay 841 của chiếc Boeing 747, Hãng hàng không Mỹ PAN AM đã thực hiện phi trình bình thường từ San Francisco ghé qua hai phi trường Honolulu, Guam để trả - đón hành khách.
Sau khi ghé tiếp phi trường thứ ba ở thủ đô Manila, Philippines, lúc 11h15 ngày 2/7/1972, chuyến bay 841 lại cất cánh bay đến Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.
Sau 45 phút bay, tức thời điểm chiếc B747 đang ở trên Biển Đông, sinh viên Nguyễn Thái Bình ngồi ở số ghế cuối khoang 495 mới bắt đầu yêu cầu cơ trưởng Eugene F. Vaughn bay chuyển hướng thẳng ra Hà Nội theo đường bay nhanh nhất.
Ngoài con dao nhỏ, người sinh viên Việt Nam này không có một thứ vũ khí hay vật liệu nổ nào có thể làm nổ máy bay. Kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát quốc gia VNCH cũng khẳng định anh không hề có lời lẽ đe dọa sẽ giết hại tiếp viên nếu không chịu thực hiện theo mệnh lệnh của mình.
Nhưng còn một câu hỏi quan trọng nữa về sự hi sinh của Nguyễn Thái Bình là tại sao người Mỹ phải bắn anh đến chết bằng năm phát đạn trong tình thế anh không thể chống cự?
Dưới ba tờ giấy mà Nguyễn Thái Bình buộc tiếp viên chuyển cho cơ trưởng chuyến bay 841 đều có ký tắt N.L.F. Đây là chữ viết tắt của Mặt trận Giải phóng miền Nam hay còn gọi là Việt Cộng
(Báo cáo của cảnh sát)
Xuyên tạc
Chính các tài liệu mật của chính quyền Sài Gòn còn lưu trữ cũng khẳng định Nguyễn Thái Bình không thể (và cũng thật sự không có ý định) cho nổ tung chiếc máy bay khổng lồ B747 và 134 hành khách cùng 17 người trong phi hành đoàn.
Như vậy, các thông tin về hành động "không tặc định làm nổ máy bay, giết hại hành khách" là xuyên tạc, nhằm mục đích chính trị để bóp méo hành động cách mạng của người sinh viên Việt Nam.
Theo Quốc Minh/Tuoitre