Giải mã hợp chất "bất khả phân ly" bảo vệ mộ cổ ở Việt Nam

Google News

Trong những năm qua, các chuyên gia đã phát hiện một số ngôi mộ cổ ô dước hàng trăm năm tuổi ở TP. HCM. Những ngôi mộ này được xây dựng bằng hợp chất ô dước giúp các công trình trường tồn với thời gian.

Các chuyên gia Việt Nam đã tìm thấy hàng chục mộ cổ ô dước có niên đại hàng trăm năm tuổi tại TP HCM trong những thập kỷ gần đây. Trong số này có ngôi mộ đôi tọa lạc trong Công viên Tao Đàn, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM được các nhà nghiên cứu xác định là mộ ông bà Lâm Tam Sư, được xây dựng vào khoảng năm 1820 trở về sau. Ngôi mộ gồm các kiến trúc: bình phong phía chân mộ, cổng mộ, bình phong phía đầu mộ gắn liền với vòng tường bao xung quanh. Toàn bộ các kiến trúc này được xây dựng bằng hợp chất ô dước.
Các nhà khoa học nhận thấy các ngôi mộ ô dước được xây dựng bằng hợp chất vô cùng đặc biệt. Phát hiện này hé lộ sự sáng tạo và kỹ thuật xây dựng của người Việt thời xưa.
Ô dước được mệnh danh là “hợp chất huyền thoại” là vì hợp chất này rất bền vững. Đây là loại vật liệu có thể giúp các công trình trường tồn với thời gian. Nhà nghiên cứu Thông Thanh Khánh, giảng viên thỉnh giảng ở các trường đại học tại đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã có những chia sẻ về hợp chất đặc biệt này.
Theo ông Thông Thanh Khánh, hợp chất ô dước là một loại vật liệu đặc biệt tạo chất kết dính trong xây dựng của người Nam Bộ. Vật liệu này bao gồm 3 vật liệu chính kết hợp lại gồm: mật đường, vôi, và cây ô dước.
Cây ô dước có 2 loại: ô dước giồng (còn gọi là cây Hậu phác) và ô dước sông. Trong đó, chỉ loại ô dước sông mới được sử dụng làm vật liệu xây dựng. Các ngôi mộ cổ được xây dựng bằng vật liệu ô dước đều sử dụng một dạng hợp chất và được tạm gọi là “hợp chất cổ” gồm: đá ong tán nhuyễn, san hô, than, cát sạn, chất kết dính.
Con người có thể cảm nhận bằng mắt thường 5 chất trên và căn cứ vào cái gọi là “hợp chất cổ truyền thống trong xây dựng của người Nam Bộ” được biểu đạt theo nguyên tắc ngũ hành tương phân và tương chi. Chất kết dính này đòi hỏi đến tính chất tam hợp: ô dước, tơ hồng và mật đường, nó biểu đạt ở dạng Mộc, theo quy luật của ngũ hành, cụ thể như sau: Kim (đá ong), Mộc (chất dính tam hợp), Thủy (san hô), Hỏa (than), Thổ (cát, sạn). Tất cả các chất này được trộn theo một quy tắc tương phân (có nghĩa là theo chiều ngược của tương sanh): Thổ, Hỏa, Thủy, Mộc, Kim.
Giai ma hop chat
Ngôi mộ đôi bằng ô dước ở giữa lòng công viên Tao Đàn, TP HCM. Ảnh: Baoxaydung.
Hợp chất ô dước bền chắc đến mức nếu không có các dụng cụ kỹ thuật hiện đại thì khó có thể phá vỡ được các ngôi mộ xây từ hợp chất đó. Vì vậy, những ngôi mộ được đắp bằng loại vật liệu này thường được nhắc đến bằng cái tên chung chung là “mộ hợp chất” (nghĩa là chất liệu “tổng hòa của nhiều chất”).
Nhìn bên ngoài, hợp chất ô dước khi đã khô thường có màu trắng đục, xám nhạt. Vậy nên, nhiều người tưởng lầm chúng là đá khối. Ô dước càng để lâu càng bền và tuyệt đối không thấm nước. Trong khi các loại vật liệu khác thường bị nước mặn bào mòn thì ô dước càng ngâm lâu trong nước biển, nước phèn thì hợp chất này càng bền chắc.
Chuyên gia Đặng Đình Truật từng cho hay hợp chất ô dước khác bê tông xi măng ở chỗ không chỉ cứng mà còn dai. Khi tác dụng lực vào hợp chất ô dước, lực không tỏa ra đối tâm như ở đá hoặc bê tông mà nó phản lại, triệt tiêu lực ngay tại chỗ. Chính nhờ sự bền vững “bất khả phân ly ấy” nên người ta thường mệnh danh ô dước là “hợp chất huyền thoại”. Vào thời xưa, chỉ có tầng lớp quyền quý mới được an táng trong mộ ô dước.

Mời độc giả xem video: Phát hiện ngôi mộ cổ hơn 1.400 năm. Nguồn: Thời sự Hà Tĩnh.


Tâm Anh (TH)