Giải mã lính Mỹ duy nhất chiến đấu cho Liên Xô trong Thế chiến 2

Google News

Joseph Beyrle là lính dù Mỹ, đã 3 lần tìm cách bỏ trốn khỏi tay phát xít Đức trước khi gặp và gia nhập một lữ đoàn tăng Liên Xô.
 

“Toàn bộ câu chuyện giống như một cuốn tiểu thuyết của Thế chiến 2, thậm chí còn hơn thế”, chuyên mục Lịch sử của Youtube đã bình luận như vậy về những gì đã xảy đến với Joseph Beyrle, một lính dù Mỹ nhưng cuối cùng lại gia nhập Hồng quân Liên Xô năm 1945.
Giai ma linh My duy nhat chien dau cho Lien Xo trong The chien 2
 Joseph Beyrle chiến đấu chống phát xít Đức cả trong quân đội Mỹ và Liên Xô trong Thế chiến 2. Ảnh: Getty
Cuộc tiếp đất không may mắn
Joseph Beyrle là một lính dù Mỹ. Đây cũng là lý do ông có biệt danh Jumpin’ Joe – điều nói lên những cú nhảy dù hoàn hảo của ông.
Joe được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của quân đồng minh vào vùng Normandy, Pháp ngày 6/6/1944 (sự kiện còn được gọi là D-day, đánh dấu thắng lợi quyết định của phe Đồng minh để giải phóng Tây Âu khỏi phát xít Đức).
Tuy nhiên, đạn pháo của kẻ thù khiến người lính trẻ Joe, khi đó 20 tuổi, phải đổi hướng và hạ cánh ngay trên nóc nhà thờ ở một ngôi làng mà Đức đang kiểm soát.
Nói với RIA Novosti, con trai Joe, là John Beyrle - Đại Sứ tại Nga từ 2008 tới 2012 kể rằng cha ông đã cố gắng tìm cách kết nối lại với các đơn vị khác của Mỹ sau khi rơi vào “vùng địch”. Nhưng ông đã không may mắn và đến ngày thứ 3, ông chạm mặt với một nhóm người Đức và bị bắt giam.
Nhầm chuyến tàu
Cùng với các tù nhân khác, Joe Beyrle dần được chuyển về phía Tây khi quân Đồng minh giải phóng được thêm nhiều phần lãnh thổ Pháp từ tay Đức. Đáng ngạc nhiên là ông đã tìm cách trốn thoát 3 lần.
Lần thứ nhất là khi còn ở Normandy, khi đoàn xe của Đức bị trúng đạn từ phía của Mỹ. Khi đó ông đã cố trốn thoát trong cuộc hỗn loạn. Nhưng bị bắt lại ngay trong ngày hôm sau.
Giai ma linh My duy nhat chien dau cho Lien Xo trong The chien 2-Hinh-2
 Đức ghi nhận Beyrle là tù nhân chiến tranh. Nguồn: RBTH
Không lâu sau đó, mùa thu 1944, ông tìm cách trốn thoát lần nữa. Lần này là trốn khỏi trại giam ở Ba Lan. “Cha tôi thực sự rất giỏi chơi trò xúc xắc và ông không hút thuốc”, John nói. “Nhưng khi ở trại giam, ông đã chơi và thắng được rất nhiều thuốc lá, vì ở đó không có tiền. Ông thắng được tới 40 gói và trở thành “triệu phú” thuốc lá.
Ông đã sử dụng những bao thuốc lá thắng được để hối lộ cho một lính gác người Đức. Lính gác này đã “mắt nhắm mắt mở” khi Beyrle và những người bạn bỏ trốn qua những hàng rào dây thép gai.
Tuy nhiên, bối cảnh rối ren của cuộc bỏ trốn đã khiến cả nhóm đã lên nhầm tàu: thay vì đến Warsaw - nơi họ có thể kết nối với quân kháng chiến, thì rốt cuộc họ lại đến Berlin và rơi vào tay cảnh sát mật khét tiếng Gestapo.
“Thiên thần không nói tiếng Đức”
Beyrle suýt chết vì bị tra khảo. Các cuộc tra khảo ông lại đặc biệt khắc nghiệt: những người trước ông đều đã tới Mỹ từ Baravia, điều này khiến ông trở thành kẻ phản bội đối với Đức. Nhưng những kẻ tra khảo đã không làm gì được ông.
Beyrle sau này kể lại, có một lần, ông tỉnh dậy và nhận thấy những người đàn ông mặc áo choàng trắng đang đứng nhìn mình. Khi đó ông nghĩ chắc mình đã phải chết và đi tới thiên đường. Nhưng “Dường như tôi vẫn chưa ở thiên đàng, vì các thiên thần không nói tiếng Đức”, Beyrle cho biết.
Lần này, cuộc bỏ trốn của ông là kết quả của cuộc chiến trong nội bộ Đức: Wehrmacht (Quân đội Đức) yêu cầu Gestapo phải trả ông về, theo đó ông phải được đưa lại trại giam ở Ba Lan. Theo Thomas Taylor, người viết hồi ký cho Beyrle, Quân đội Đức hiểu rằng chiến tranh đã sắp kết thúc và họ phải có câu trả lời cho các tù nhân.
“Ya Amerikanskiy tovarisch” – “Tôi là một người đồng chí Mỹ”
Tháng 1/1945, Beyrle tìm cách bỏ trốn 1 lần nữa, lần này là dùng 1 thùng đựng rác thải. Ông trốn khỏi cuộc truy lùng bằng cách dùng la bàn và đi về hướng có tiếng đạn pháo của Liên Xô.
Ông giơ tay lên vẫy và đi về phía một lữ đoàn tăng Liên Xô, lặp đi lặp lại chỉ 1 cụm từ duy nhất: “Ya Amerikanskiy tovarisch” (Tôi là một người đồng chí Mỹ), hy vọng họ sẽ không nhắm bắn vào ông.
Theo Beyrle, Hồng quân Liên Xô đã vô cùng ngạc nhiên, nhưng họ cũng rất thiện chí và một phiên dịch nhanh chóng được gọi đến.
Những người lính Liên Xô đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và hơn cả là người đồng chí mà họ vừa tìm thấy lại không tìm cách trở về nhà ngay lập tức mà lại muốn gia nhập lữ đoàn tăng của họ để chống lại quân Đức ở Berlin.
Jumpin’ Joe được chấp nhận cho tham gia.
“Họ cho cha tôi một khẩu PPSH-41 nổi tiếng, khẩu súng mà cha tôi thường nói là tốt hơn cả “Thompson” của Mỹ”, con trai Beyrle kể.
Đường về nhà
Có vẻ như những ký ức của Beyrle về thời gian ở cùng những người Liên Xô là phần hồi ức tích cực nhất. Các con của ông đều nhớ rất rõ Joe thích kiều mạch đến thế nào (giống như người Nga thích yến mạch) hay ông nâng cốc “chúc sức khỏe” của Stalin và Roosevelt với những người bạn Nga bằng vodka.
Giai ma linh My duy nhat chien dau cho Lien Xo trong The chien 2-Hinh-3
 John Beyrle, con trai Joe Beyrle, từng làm Đại sứ Mỹ tại Nga từ 2008-2012. Ảnh: Sputnik
Thời gian Beyrle ở cùng những người lính Liên Xô không nhiều, chỉ khoảng 1 tháng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ông cùng đơn vị này giải phóng được nhà tù ở Ba Lan – một trong những nơi mà Beyrle đã từng bị giam. Tuy nhiên ngay sau đó, Joe bị thương trong một trận không kích. Đồng đội của ông đi tiếp về Berlin còn ông phải ở lại bệnh viện.
Khi ở bệnh viện, ông được nguyên soái Liên Xô Marshal Georgy Zhukov tới thăm. Zhukov đã tạo điều kiện cho Beyrle về mặt giấy tờ, đảm bảo ông tới được Moscow và Đại sứ quán Mỹ ở đó.
Khi ở Moscow, Beyrle, rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng ông được coi như đã tử trận sau cuộc đổ bộ ở Normandy. Điều này khiến ông bị đưa trở lại nhà tù ở Mỹ để điều tra xem ông có phải là một gián điệp của Đức hay không.
Khi về nhà, người cựu binh của 2 quân đội (Mỹ và Liên Xô) này trở lại cuộc sống bình thường: làm việc trong một công ty, kết hôn, bắt đầu một gia đình và kể cho con cái nghe những câu chuyện thời chiến tranh.
Sau này ông còn trở lại Moscow 5 lần nữa. Những gì còn lưu lại với Beyrle là ký ức trìu mến về Liên Xô và con người nơi đây./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.