Giải mã những dòng chữ trong sớ ở đền Trần Nam Định

Google News

Từ việc 'buôn bán' ấn, viết sớ kèm 'buôn bán' bùa, lệnh và trấn ở đền Trần (Nam Định), phóng viên đem những dòng chữ ghi trong sớ hỏi các chuyên gia về chữ Hán - Nôm và biết được những bí mật phía sau dòng chữ của các "thầy".

Du khách tấp nập viết sớ ở đền Trần
Đã từ lâu, trong tiềm thức của mỗi người dân Nam Định và các du khách thập phương, đền Trần nổi tiếng với sự linh thiêng trong cầu tài lộc ứng thí, học hành, công danh, chức vị,...
Do đó, vào những ngày diễn ra lễ hội khai ấn đền Trần sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh đông người dân, phụ huynh, học sinh và du khách thập phương đến vãn cảnh, làm lễ cầu công danh, cầu tài lộc, thi cử, học hành đỗ đạt và xin chữ thánh hiền.
Tại đây, du khách có thể viết sớ khấn với giá 30.000 đồng kèm mua bộ tài lộc gồm: bùa bình an, trấn, tài lộc, công danh,… giá 120.000 đồng, lệnh xe (trấn xe) 20.000 đồng. Chỉ cần du khách có nhu cầu là những người trong khu viết sớ ngay lập tức mời chào với đủ loại bùa, ấn, trạch có hình chữ nhật, hình vuông, to có, nhỏ có, bằng giấy có, bằng vải có.
Giai ma nhung dong chu trong so o den Tran Nam Dinh
Khu vực viết sớ kèm bán bùa, lệnh, trấn ở đền Trần (Nam Định). 
Thậm chí, có loại bùa hình vuông, kích cỡ khoảng 4x4cm mà theo người bán hàng là để cho vào ví hay bỏ túi cho "thiêng". Các nhân viên ở đây cho biết, toàn bộ các loại bùa, lệnh này đã được nhà đền làm lễ trước đó.
Quá trình tìm hiểu sự việc, phóng viên tận mắt chứng kiến hoạt động "tác nghiệp" của các "thầy" viết sớ. Chỉ cần hỏi nhanh tên, tuổi, quê quán, điều cầu xin của khách hàng là ngay lập tức, thông tin được các "thầy" dùng bút bi điền vào những khoảng trống trên lá sớ với nhiều dòng chữ nho đã được in sẵn.
Khách hàng muốn cầu gì thì thầy viết sớ đáp ứng đủ, nhanh và gọn. Tất cả những điều cầu xin đều được quy vào mấy nội dung: tài lộc, công danh, sức khỏe, tai qua nạn khỏi, học hành,... Viết xong, sớ được nhét vào vỏ dài màu vàng. Bên cạnh đó, những người này cũng giới thiệu du khách mua thêm các loại bùa, trấn, lệnh như đã nêu ở trên.
Giai ma nhung dong chu trong so o den Tran Nam Dinh-Hinh-2
 Hoạt động viết sớ, bán bùa diễn ra tấp nập.
Những thứ này sẽ được du khách mang đi lễ ở 2 đền, sau đó sẽ đem sớ đi hoá; còn các bùa, lệnh, trấn sẽ đem về treo ở bàn thờ, để trên xe ô tô, cất trong ví hoặc túi xách.
Khi chúng tôi bày tỏ có nhu cầu viết sớ thì được một "thầy" hỏi tên, tuổi, quê quán, địa chỉ... và viết vào những khoảng trống trên tờ sớ. Quá trình viết rất nhanh, "thầy" cầm bút ngoáy những nét chữ nhìn giống chữ nho xuất hiện trong các điểm trống ở tờ sớ.
Cứ như thế, lá sớ của ai cũng giống ai. Người viết sớ chỉ việc điền các thông tin của khách hàng vào là có một lá sớ "hoàn chỉnh", mỗi lá sớ mất khoảng 1 - 3 phút để viết. Du khách, người dân ra vào tấp nập, nhiều "thầy" viết mỏi tay, nhân viên bán bùa chỉ việc đếm bùa, lệnh đưa khách rồi đếm tiền.
Giai ma nhung dong chu trong so o den Tran Nam Dinh-Hinh-3
Các loại trấn, lệnh ở đây buôn bán tấp nập. 
Bất ngờ với những dòng chữ được viết trong sớ
Viết sớ đòi hỏi một trình độ chuyên môn nhất định về chữ Hán - Nôm nhưng với những "thầy" không hiểu về chữ Hán - Nôm thì khi viết sớ liệu có đúng với mục đích mà người cần viết yêu cầu.
Để tìm hiểu rõ ý nghĩa những dòng chữ trong các lá sớ, phóng viên đem tờ sớ đã được các "thầy" ở đây viết để hỏi các chuyên gia, những người nghiên cứu về chữ Hán Nôm và được biết nhiều điều bất ngờ.
Trao đổi với phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khoẻ và Đời sống), tiến sĩ Lê Cường, giảng viên bộ môn Hán - Nôm, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhiều từ được viết trong tờ sớ không đúng chính tả và ngữ pháp cùng với bố cục.
"Cụ thể, từ "Diệm" viết trong sớ là sai chính tả. Từ "Tân" thường viết là mới nhưng ở đây người ta viết "Tân" thành "Cay", điều này sai chính tả hoàn toàn. Đối với phần địa chỉ, bố cục viết lộn xộn. Một số từ trong địa chỉ cũng ghi sai so với chữ Hán, theo kiểu "đồng âm nhưng dị nghĩa".
Các từ được in sẵn trong sớ ở phần ghi địa chỉ, về nguyên tắc chữ Hán phải theo thứ tư như: "Việt Nam Quốc", tiếp theo "Hà Nội thành (tỉnh)", sau đến quận (huyện, thị), phường (xã), tổ (thôn) và số nhà những ở đây người ta viết ngược lại hoặc lộn xộn. Cụ thể, ở đây người ta viết "Việt Nam Quốc" xong người ta ghi luôn địa chỉ nhà, phường (xã), quận (huyện), thành (tỉnh) về mặt ngữ pháp chưa chuẩn" - tiến sĩ Lê Cường, giảng viên bộ môn Hán - Nôm chia sẻ.
Giai ma nhung dong chu trong so o den Tran Nam Dinh-Hinh-4
Chữ được viết trong sớ không đúng ngữ pháp, sai chính tả. 
Tương tự, anh Mạnh (tốt nghiệp khoa Hán - Nôm tại một trường đại học ở Hà Nội) cho biết, ngữ pháp, ý nghĩa nhiều từ không rõ nghĩa, có từ sai tên gia chủ. Cụ thể, tên gia chủ mà chúng tôi đọc để viết trong sớ là Nhật Tân thì thầy viết chữ "Tân" thành từ "Cay".
Chúng tôi tiếp tục đem những dòng chữ được viết trong sớ hỏi một chuyên gia về Hán - Nôm khác (xin giấu tên) thì vị này cho biết: "Nói chung chữ nghĩa được viết trong tờ sớ không ổn. Có chữ thì đọc được, có chữ bất thành tự. Đặc biệt, năm sinh được viết trong tờ sớ được gia chủ đề cập đến không đúng".
Giai ma nhung dong chu trong so o den Tran Nam Dinh-Hinh-5
Mỗi một bộ sớ và bùa, trấn, lệnh du khách bỏ tiền ra mua khoảng 150 - 170 nghìn đồng. 
Mặt khác, một người biết chữ Hán - Nôm còn trào phúng: "Viết thế này các cụ ở "thế giới bên kia" cũng chịu, chả nhận ra con cháu để mà phù hộ".
Như vậy, việc viết sớ ở đền Trần đang khá "bát nháo", nhiều người viết sớ ở đây không hiểu rõ về chữ Hán - Nôm nhưng vẫn được vào đền để hành nghề. Trong những ngày diễn ra hội và những ngày trước đó tại đền Trần luôn đông đảo du khách đến cầu an, dâng lễ. Họ đa số đều viết sớ, mua bùa,... nhưng chắc ít ai biết được ý nghĩa chính xác của những dòng chữ được viết trong các lá sớ.
Theo Nhóm PV/giadinh.suckhoedoisong.vn