Giải mã Tam Quốc: Vì sao Lưu Bị không coi trọng Gia Cát Lượng?

Google News

Trên phim ảnh và trong tiểu thuyết, Lưu Bị rất nghe lời Gia Cát Lượng, điều gì cũng hỏi quân sư có cao kiến gì và khi Lượng đề đạt thì chỉ thực hiện theo. Tuy nhiên điều đó liệu có phải sự thực lịch sử?

“Long Trung đối sách” và “Trung phân thiên hạ” là những tác phẩm thể hiện tư tưởng chiến lược nổi bật của Gia Cát Lượng trong các giai đoạn nhiều thăng trầm của nhà Thục Hán. Nếu như “Long Trung đối sách” được đưa ra sau câu chuyện ba lần ghé thăm lều cỏ của Lưu Bị thì “Đồng minh phân chia thiên hạ” lại là một tác phẩm quan trọng định hình chiến lược của nước Thục Hán sau khi Tôn Quyền xưng đế, đặc biệt trong thời kỳ sau khi Lưu Bị qua đời.
Trong mắt của người đời sau, khi Gia Cát Lượng đồng ý về bên Lưu Bị làm quân sư, hai người thân thiết và quan hệ gắn bó như cá với nước. Lưu Bị và Gia Cát Lượng trở thành hình mẫu chuẩn trong quan hệ quân – thần.
 Gia Cát Lượng và Lưu Bị. Ảnh minh họa.
Nhưng thực tế, theo chính sử, quá trình lấy “Long Trung đối sách” làm “Quốc sách” của Lưu Bị lại che giấu một sự thực khác: Rằng mối quan hệ, sự tín nhiệm trọng dụng lúc sinh thời của Lưu Bị đối với Gia Cát Lượng đã được người đời sau cường điệu hóa quá mức.
Nếu nhìn lại một số sự kiện trong thực tế lịch sử Trung Quốc, có thể thấy rằng vị thế trung tâm của Gia Cát Lượng ở Thục Hán thực sự chỉ được khẳng định từ khi Lưu Bị qua đời đồng thời Liên minh Thục – Ngô được củng cố. Điều này cũng đồng nghĩa là, khi Lưu Bị áp dụng “Long Trung đối sách”, Gia Cát Lượng không có nhiều đất dụng võ và không được tín nhiệm.
Nhắc đến các thành tựu của Gia Cát Lượng, những người đã đọc tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung có thể dễ dàng kể ra như: về đối ngoại, chủ chương hòa hảo với Đông Ngô, cứng rắn với Tào Ngụy, về đối nội: pháp luật nghiêm minh, chặt chẽ, xã hội ổn định, về quân sự: bảy lần tha Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn Bắc phạt Tào Ngụy,… Có thể thấy rằng, những thành tựu này đều đạt được chỉ sau khi Lưu Bị chết. Còn khi Lưu Bị sinh thời, hai thành tựu được coi là lớn nhất của Gia Cát Lượng là: một, đưa ra chiến lược “Long Trung đối sách” nhằm giúp Lưu Bị mưu cầu nghiệp lớn, thứ hai, thành lập Liên minh Tôn – Lưu chống lại quân Tào phương Bắc. Tuy nhiên, cả hai thành tựu này đều thất bại nửa chừng bởi việc Quan Vũ để mất Kinh Châu và Lưu Bị đánh Ngô sau đó.
Sau ba lần đến lều tranh thỉnh cầu, Lưu Bị nhờ vả Gia Cát Lượng không ít nhưng thực tế thì Gia Cát Lượng cũng không được trọng dụng. Bản thân Lưu Bị chinh chiến cả nửa đời, mà một Gia Cát Lượng là một nho sinh còn non nớt, thiếu kinh nghiệm quân sự, chỉ dựa vào bản gọi là “ Long Trung đối sách” thì rất khó để giúp ông gây dựng sự nghiệp.
Ngoài ra, khi Lưu Bị có quan hệ thân thiết với Gia Cát Lượng, đã làm cho Quan Vũ, Trương Phi không vui, mâu thuẫn ba người cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Sau đó trong trận Xích Bích lịch sử, Gia Cát Lượng không trực tiếp tham gia, mà công lao lớn nhất của ông chính là thuyết phục Tôn Quyền thành lập nên Liên Minh Tôn Lưu. Đây là sự khởi đầu uy danh của Gia Cát Lượng, nhưng cũng chính nó làm tăng thêm lòng đố kị của Quan Vũ.
Sau trận Xích Bích, Lưu Bị giành được bốn quận của Kinh Châu, song nhiệm vụ của Gia Cát Lượng vẫn chỉ là giám sát Linh Lăng, Quế Dương, Ba Quận, Trường Sa, điều chỉnh sưu thuế,.. tất cả đều là công việc liên quan tới đối nội. Có thể nói đây chính là những kết quả ban đầu của tầm nhìn chiến lược và nghệ thuật ngoại giao mà Gia Cát Lượng đã thể hiện trong “Long Trung đối sách” và xây dựng Liên minh Tôn – Lưu. Nhưng ngay sau đó, thái độ của Lưu Bị đối với việc sử dụng Bàng Thống và Pháp Chính cũng làm chúng ta phải suy xét thêm.
 Bản đồ thời Tam Quốc.
Trên hành trình dẹp yên Ích Châu, Lưu Bị dùng Bàng Thống và Pháp Chính làm những người trợ thủ chính. Mãi về sau, cho tới khi Bàng Thống tử nạn tại gò Lạc Phượng, Lưu Bị mới điều Gia Cát Lượng dẫn quân vào Xuyên. Trong cuộc chiến giành lấy Hán Trung, trợ thủ chính cho Lưu Bị vẫn là Pháp Chính, còn Gia Cát Lượng chỉ ở phía sau làm công tác hậu cần. Trong chiến dịch này, Gia Cát Lượng không phát huy tác dụng ở vai trò tham mưu. Đến khi Lưu Bị chính thức quản lý Hán Trung, vị trí của Gia Cát Lượng vẫn xếp sau Pháp Chính.
Sau khi Quan Vũ thất thủ ở Kinh Châu, Lưu Bị điều binh đánh Ngô, nhưng cũng không cho Gia Cát Lượng tham gia, thậm chí không hề quan tâm tới ý kiến của Lượng. Quân Thục sau đó rơi vào vòng vây của lửa và thất bại thảm hại, Gia Cát Lượng mới than rằng: "Nếu Pháp Chính ở đây tất khuyên được Chủ công không tiến quân sang phía đông, giờ tiến quân sang đông, tất rơi vào hiểm nguy." Câu nói cho thấy, trong mắt Lưu Bị, vị trí số một thuộc về Pháp Chính chứ không phải Gia Cát Lượng.
Để xây dựng thế lực cho mình, Lưu Bị đã áp dụng “Long Trung đối sách” nhưng thực sự vẫn chưa hề trọng dụng Gia Cát Lượng. Lưu Bị là người theo chủ nghĩa cơ hội, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, không có cái nhìn chiến lược lâu dài. Ông chỉ muốn chiếm cứ một phương, làm vương ở một nước, hợp với ý của Quan Vũ nên không coi trọng chủ trương liên kết với Đông Ngô của Gia Cát Lượng. Vì thế Lưu Bị không tin Gia Cát Lượng bằng Quan Vũ, trong bất cứ công việc đối nội hay đối ngoại, Lượng đều bị Quan Vũ gây khó dễ ít nhiều.
Khi Lưu Bị lâm chung, Quan Vũ, Trương Phi và các nguyên lão Thục Hán đều đã không còn, Bàng Thống và Pháp Chính đều chết yểu, ba mưu sĩ của Lưu Bị nay chỉ còn lại Gia Cát Lượng. Hành động ủy thác con cái và đất nước cho Gia Cát Lượng của Lưu Bị tại Thành Bạch Đế về mặt khách quan thì đó là sự chọn lựa duy nhất.
Sau cái chết của Lưu Bị chính là bước đầu nắm quyền của Gia Cát Lượng. Lúc này, Kinh Châu đã thất thủ, thế lực đất nước bị giảm sút, lại nhận tin Tôn Quyền xưng đế, Gia Cát Lượng trên cơ sở “Long Trung đối sách” để tạo nên “Trung phân thiên hạ” bắt đầu cho thời đại nắm quyền của mình. Thực tế, nhận sự ủy thác của Lưu Bị không chỉ có một mình Gia Cát Lượng, mà còn có các cựu thần Lưu Chương, Lí Nghiêm. Tuy vậy, trong nước Thục Hán hay trong mắt của Tôn Quyền, Gia Cát Lượng đã là một ông vua không mũ miện.
Khi Đặng Chi đi sứ thuyết phục Tôn Ngô, Tôn Quyền lo rằng: “Thục chủ non trẻ, nước nhỏ dễ ép”. Nhưng câu trả lời của Đặng Chi không hề nhắc đến vua nước Thục –Lưu Thiện, mà đáp: “Bốn châu hai nước Thục Ngô, Đại Vương là đương kim minh chủ, thừa tướng chúng tôi cũng kiệt xuất đương thời. Thục có núi non hiểm trở, Ngô có tam giang vững bền, hợp lại như răng với môi, tiến thì nối liền thiên hạ, lùi thành thế chân vạc vững bền. Đây cũng là tạo hóa của tự nhiên. Nếu Đại Vương vì chút lợi nhỏ mà Tào Ngụy ban cho, tuân lệnh đánh Thục, đến khi Thục mất, thử hỏi Đông Ngô của Đại Vương há còn?
Đặng Chi đã đặt song song tương ứng “kiệt xuất đương thời” – Gia Cát Lượng với “đương kim minh chủ” – Tôn Quyền, điều này cho thấy vai trò và vị thế của Gia Cát Lượng lúc này ở đất Thục Hán. Sau những lời thuyết phục của Đặng Chi, liên minh Thục – Ngô được củng cố, từ đó “Trung phân thiên hạ” trở thành phương án chiến lược chung của hai nước Ngô - Thục, mãi cho đến đêm trước khi Thục Hán diệt vong.
Gia Cát Lượng thành danh bởi “Long Trung đối sách”, nhưng điều tạo nên thành công của ông trên thực tế phải là “Trung phân thiên hạ”. “Long Trung đối sách” chứng kiến Gia Cát Lượng ra làm quan, nhưng “Trung phân thiên hạ” mới là minh chứng để Gia Cát Lượng là danh tướng nghìn đời. Điều này có thể được xem như một sự hài hước trong lịch sử, trái ngược với những điều tưởng như rõ ràng mà bấy lâu nay mọi người vẫn biết tới.
Theo Trần Vũ/Dân Việt