Sau 8 năm nghiên cứu và phát triển, Liên Xô đã chế tạo thành công tàu ngầm quân sự lặn sâu nhất thế giới. Đó là tàu ngầm Komsomolets ký hiệu K-278 chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Được thiết kế, sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất, tàu ngầm Komsomolets ký hiệu K-278 nặng 8.000 tấn, lớp vỏ thiết kế bằng titan có khả năng chịu lực cao và có thể lặn ở độ sâu gần 1.000m mà chưa một chiếc tàu ngầm nào tính đến đầu thế kỷ 21 có thể đạt được.
Với chiều dài 122m, rộng 11,5m, thuộc lớp 685 Plavnik-class, trang bị 22 tên lửa hành trình và 2 ống phóng ngư lôi, tàu ngầm Komsomolets có sức chứa khoảng gần 100 thủy thủ. Vào thời điểm xuất hiện, tàu đời Komsomolets trở thành niềm tự hào của Liên Xô với sức mạnh quân sự đáng nể.
|
Tàu ngầm Komsomolets ký hiệu K-278 của Liên Xô. |
Tuy nhiên, đến ngày 7/4/1989,
tàu ngầm Komsomolets gặp thảm kịch kinh hoàng, gây chấn động Liên Xô cũng như cả thế giới. Đây là thảm kịch tàu ngầm kinh hoàng nhất trong lịch sử Liên Xô. Cụ thể, vào ngày hôm đó, tàu ngầm Komsomolets đang tuần tra tại vùng biển Barents thì gặp sự cố kỹ thuật khủng khiếp. Thảm kịch này bắt đầu từ việc một vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu ngầm Komsomolets đã kéo theo một loạt sự cố mang tính dây chuyền. Hậu quả là cuối cùng tàu ngầm quân sự lặn sâu nhất thế giới của Liên Xô chìm xuống đáy biển.
Khi tàu ngầm Komsomolets gặp nạn, toàn bộ thủy thủ trên tàu đã cố gắng xử lý các sự cố để cứu con tàu nhưng thất bại. Theo đó, 42 trong số 69 thủy thủ trên tàu ngầm Komsomolets tử vong trong thảm kịch chìm tàu ngầm lặn sâu nhất thế giới. Trong số các nạn nhân thiệt mạng, 4 người đã tử vong ngay tại chỗ do bị bỏng nặng. Sau khi xảy ra vụ việc, giới chuyên gia nhận định nếu Liên Xô cử đội cứu hộ đến sớm hơn thì số lượng người thương vong sẽ không cao như vậy.
Thảm kịch chìm tàu ngầm Komsomolets còn kéo theo hệ lụy nguy hiểm đó là lò phản ứng hạt nhân và 2 đầu đạn hạt nhân được trang bị trên tàu cũng chìm xuống đáy biển Barents. Theo đó, nguy cơ rò rỉ phóng xạ có khả năng xảy ra khi tàu ngầm Komsomolets chìm ở độ sâu gần 1.700m bị nước biển ăn mòn.
Tâm Anh (theo Nationalinterest, FAS)