Dân gian ta có câu “chó mái chim mồi” để nói về những người được coi là tay sai, chỉ đâu đánh đó nhằm đem lại lợi ích cho chủ. Có lẽ ai cũng biết “chim mồi” là loài chim người ta nuôi nhằm dụ con chim đồng loại đến để bắt, nhưng “chó mái” là chó gì thì chưa ai truy ra, còn giới nghiên cứu thì loay hoay tranh cãi về chuyện này xuyên qua 2 thế kỷ.
Các nhà nghiên cứu đau đầu vì “chó mái”
Nghĩa của thành ngữ “chó mái chim mồi” có lẽ quý độc giả đã minh tường cả, chúng tôi xin không nhắc lại mà đi sâu phân tích những điều còn ẩn khuất trong câu thành ngữ này khiến các nhà nghiên cứu văn hóa qua trăm năm mà vẫn chưa giải mã được. Đó chính là từ “chó mái”.
Theo cố GS.TS Hoàng Văn Hành, thuộc Viện Ngôn ngữ học Việt Nam trong cuốn “thành ngữ so sánh” thì “chó mái” là hiện tượng “lạ” đồng thời ông đưa ra một số diễn giải sau đây: “Trong dạng nhận thức “chó mái chim mồi” thì có “chim mồi” là đã rõ nghĩa và dễ hiểu. Đó là loại chim người ta nuôi làm mồi để dử, bắt con chim đồng loại. Nhưng chó mái là gì, quả thật khó hiểu. Xem ra, trong tiếng Việt chỉ có từ mái dùng để chỉ giống cái, nhưng tiếc thay, từ này không được dùng để chỉ giống cái đối với loài chó, mà chỉ dùng cho loài gà, vịt, ngan, ngỗng, tức là loài chim nói chung mà thôi. Có lẽ, do dạng thức “chó mái chim mồi” có lí do không ổn như đã thấy mà nhiều người đã chuyển sang sử dụng dạng thức “chó má chim mồi”.
|
PGS.TS Phạm Văn Hảo cho rằng, từ “mái” trong “chó mái” có thể là từ vay mượn. |
Ví dụ, “Ngoài những bọn “chó má chim mồi” bán nước, bán dân cam tâm làm nô lệ ra, giặc Pháp còn dùng cả những bọn hèn nhát đầu hàng, bọn bất mãn với chế độ ta, bọn mất địa vị quyền lợi sau ngày tổng khởi nghĩa ra làm cho chúng”, (Hồng Chương – Chiến trường Bình Trị Thiên)”.
GS.TS Hoàng Văn Hành cho rằng: Dạng thức “chó má chim mồi” cũng chưa ổn. Bởi nó chẳng những không khắc phục được cái sai lệch của dạng “chó mái chim mồi” mà còn sa vào một bất lợp lý khác. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong khi “chim mồi” là một tổ hợp từ chuyên biệt về nghĩa thì “chó má” lại là một từ có nghĩa tổng hợp, chỉ loài chó nói chung. Đây là lý do cơ bản làm cho “chó má” không tương hợp được với chim mồi. Do đó, dạng thức “chó má chim mồi” không chỉnh trong sự đối ứng theo cặp giữa các thành tố tạo nên thành ngữ.
Ngoài dạng thức này ra, trong tiếng Việt còn sử dụng một biến thể khác là “chó máy chim mồi”. Thoạt tiên, nghe đến chó máy cũng lơi lạ và khó hiểu. Nhưng thực ra, máy trong “chó máy” lại là một động từ thường dùng để chỉ hành động ra hiệu cho kẻ khác biết điều gì đó như trong câu “máy nhau đi về, máy cho người khác biết để tránh xa”. Do đó, suy ra “cho máy” là loại chó chuyên đi đánh hơi, ra hiệu cho chủ biết điều cần phát hiện, tìm kiếm. Với nghĩa này, “chó máy” là cách nói khác của “chó săn” mà thôi và hoàn toàn tương hợp với từ “chim mồi” về từ loại cũng như ý nghĩa. Như vậy, phải chăng “chó máy chim mồi” là dạng đúng, dạng chính xác? Tuy nhiên, do chỗ từ “máy” khó hiểu, hay gây nhầm lẫn mà người Việt có xu hướng ít dùng và thay vào đó, người ta dùng dạng thức “chó săn chim mồi” để chỉ lũ can tâm làm tay sai cho kẻ thù.
|
Ngoài những cuốn sách mang tính chất giới thiệu thành ngữ tục ngữ ra, hiện chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về từng câu thành ngữ, tục ngữ tại Việt Nam. |
Có thể là từ vay mượn
Trước những lập luận trên của cố GS.TS Hoàng Văn Hành, một số chuyên gia văn hóa cho rằng, ý kiến của cố GS.TS Hoàng Văn có vẻ hơi chủ quan. Bởi nếu nói “chó máy” thì phải làm rõ từ “máy” trong bối cảnh xã hội làm nảy sinh thành ngữ. Chắc chắn từ “máy” ra đời sau và muộn hơn rất nhiều so với từ “má”. Cái nữa là xét ở bối cảnh kinh tế xã hội chưa phát triển, người ta chưa biết đên cái “máy” là cái gì thì lấy đâu ra cơ sở đối sánh cho người dân ví con chó với cái máy, cỗ máy? Cho nên cách hiểu này cần xem xét lại.
Theo PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thì thành ngữ “chó mái chim mồi” có cấu trúc chẻ đôi, đan xen nhau. Cụ thể, “chó – chim” là một cặp tương đương, “mái – mồi” là cặp tương đương thứ hai. Cũng giống như luật câu đối, danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ. Ở đây, từ “mồi” hiểu theo nghĩa là mồi chài, lôi kéo kẻ khác theo mình và nếu theo thì đối tượng đó mắc bẫy. Do vậy từ “mái” cũng phải là từ có nghĩa lôi kéo, mồi chài, thu hút kẻ khác theo mình... giống từ “mồi”. Nhưng tại sao lại gắn “chó” với “mái”? Rất đau đầu để giải quyết chuyện này. Bởi thứ nhất, đây là từ thuần Việt, nên việc khảo cứu phải theo vốn văn hóa cổ, văn hóa thuần Việt. Thứ hai, giả sử thành ngữ này là kết quả của một điển tích nào đó mà giới nghiên cứu chưa phát hiện...
Từ những băn khoăn trên, PGS.TS Phạm Văn Hảo cho rằng, từ “mái” trong “chó mái” có thể là từ đồng nghĩa với từ “mồi” được vay mượn ở đâu đó. Giống như trong cộng đồng người Mường ở Thanh Hóa có dùng từ “lu mái” để nói về vật...
Trước những nghi vấn về câu từ, phóng viên Báo KH&ĐS đã khảo sát cách dùng từ của một số dân tộc như Tày, Thái, Mường và tình cờ phát hiện, từ “mái” được dùng rất nhiều trong cộng đồng người Mường ở Hòa Bình và Thanh Hóa. Đặc biệt, cộng đồng người Mường hiện vẫn dùng từ “mái” rất phổ biến với nghĩa thu hút, mồi chài, hấp dẫn nhưng không bao hàm ý lừa lọc. Chẳng hạn người con gái mới lớn, trông dễ thương, quyến rũ, khêu gợi... thì gọi là “bặt mái” “sốt mái”. Việc sử dụng từ “mái” ở đây là “lạ”. Bởi người ta chỉ dùng từ “mái” để nói đến loài gia cầm như “gà mái” “chim mái”, “vịt mái” “ngan mái”... chứ không ai dùng từ này để gọi “chó mái, lợn mái, trâu mái và thậm chí là... người mái”. Như vậy, cách dùng từ tưởng như phi lí này đang tồn tại và từ “mái” trong câu thành ngữ “chó mái, chim mồi” là từ vay mượn cả về âm, ý nghĩa của tiếng Mường là điều có thể.
PGS.TS Phạm Văn Hảo tỏ ra đặc biệt chú ý đến phát hiện này của Báo và cho rằng, cần phải khảo sát ngay từ này trong cộng đồng người Mường. Nếu đúng từ “mái” tồn tại trong cộng đồng này và cách dùng từ tưởng chừng phí lý như gọi người là “mái” thì đây sẽ là căn cứ quan trọng để giải mã từ “chó mái” và chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài 2 thế kỷ.
“Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu của giới ngôn ngữ học về thành ngữ, tục ngữ. Việc giải mã những thành ngữ kiểu như “chó mái” và truy tận gốc, thỏa đáng những thành ngữ này là khó, cần phải có chuyên đề, trong đó nghiên cứu sâu về chuyện này”.
PGS.TS Phạm Văn Hảo (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam)
Huyền Vũ