Giải mã việc Khổng Minh tiếp tay để Quan Vũ tha mạng Tào Tháo

Google News

Có ý kiến cho rằng việc gián tiếp để Quan Vũ tha chết cho Tào Tháo ở đường Hoa Dung là một trong những nước cờ thất sách hiếm hoi trong cuộc đời của Gia Cát Lượng.

Đối với các độc giả "Tam Quốc diễn nghĩa", tên tuổi của Gia Cát Khổng Minh từ lâu đã trở nên quen thuộc. Năm xưa Ngọa Long tiên sinh vì cảm động trước thành ý của Tiên chủ Lưu Bị nên đã quyết định rời núi để phò tá cho cơ nghiệp Thục Hán.
Cũng theo tình tiết của diễn nghĩa, thông qua chiến thắng lẫy lừng trong trận Xích Bích, Gia Cát Lượng đã khẳng định được tài năng và tên tuổi của mình trong thời đại bấy giờ, sau đó lại giúp quân chủ chiếm được Kinh Châu, Ích Châu và tạo dựng cơ sở thành lập Thục quốc.
Giai ma viec Khong Minh tiep tay de Quan Vu tha mang Tao Thao
Quan Vũ tha chết cho Tào Tháo. 
Sau khi Lưu Bị qua đời, ông vẫn tiếp tục trung thành phò tá Hậu chủ Lưu Thiện, đồng thời nhiều lần đem quân tiến hành Bắc phạt. Chỉ tiếc rằng đại nghiệp chưa thành thì vị Thừa tướng ấy đã qua đời vì lao lực ở gò Ngũ Trượng vào năm 234.
Về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật này trong "Tam Quốc diễn nghĩa" nói riêng, có không ít ý kiến cho rằng việc Gia Cát Lượng tới lúc chết vẫn không thể hoàn thành đại nghiệp vốn có liên quan tới một nước cờ sai lầm trong quá khứ.
Đó chính là việc ông đã vô tình để cho Quan Vũ có cơ hội tha chết cho Tào Tháo ở đường Hoa Dung sau trận đại chiến Xích Bích.
Thế nhưng đây có thực sự là sai lầm để đời của Khổng Minh hay không? Nếu Tào Tháo quả thực vong mạng trong lần đó, liệu rằng Thục Hán dưới sự phò tá của Gia Cát Lượng có thực sự đủ khả năng hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ trong bối cảnh phức tạp lúc bấy giờ?
Vô tình tiếp tay để Quan Vũ tha chết cho Tào Tháo: Liệu có phải sai lầm để đời của Khổng Minh?
Giai ma viec Khong Minh tiep tay de Quan Vu tha mang Tao Thao-Hinh-2
Ảnh minh họa: Nguồn Internet. 
Về tình tiết Tào Tháo được tha chết và chạy thoát ở đường Hoa Dung, "Tam Quốc diễn nghĩa" từng xây dựng tương đối chi tiết.
Theo đó, sau khi thảm bại trong trận Xích Bích, quân đội của Tào Tháo bị tổn thương nguyên khí nặng nề tới mức không thể gượng dậy. Vị quân chủ này khi ấy cũng phải dẫn theo tàn binh mà hoảng hốt tháo chạy.
Tới lúc bị dồn tới bước đường cùng, nhóm người của Tào Tháo buộc phải đi theo hướng về đường Hoa Dung để tìm cách tẩu thoát. Gia Cát Lượng từ sớm đã tiên liệu tới khả năng này, liền phái Quan Vũ mai phục quân Tào tại đây.
Thế nhưng sự việc diễn ra sau đó cũng khiến cho bản thân của những người trong cuộc không khỏi bất ngờ. Quan Vân Trường mặc dù đã thành công chặn đường lui của Tào Tháo, thế nhưng lại vì tình xưa nghĩa cũ mà chấp nhận phạm vào quân lệnh, lưu lại cho Tào Tháo một con đường sống.
Cũng nhờ sự kiện được tha chết ở đường Hoa Dung, Tào Tháo đã thành công trốn chạy về phương Bắc và tiếp tục gây dựng sự nghiệp chính trị của tập đoàn Tào Ngụy.
Về nước cờ thất bại nói trên, có không ít ý kiến cho rằng việc phái Quan Vũ đi bắt Tào Tháo vốn là một trong số những thất sách hiếm hoi trong cuộc đời Gia Cát Lượng.
Tuy nhiên theo nhận định của tờ báo QQ News (Trung Quốc), đây thực chất lại là một bước đi đã được tính toán vô cùng cẩn thận. Bởi lẽ, Gia Cát Lượng đã sớm biết để Quan Vũ đi bắt Tào Tháo sẽ không đem lại kết quả.
Thế nhưng điều đáng nói lại nằm ở chỗ, Ngọa Long tiên sinh nổi danh là tiên đoán như thần ấy vẫn cố ý thực hiện nước cờ này vì nguyên nhân sâu xa dưới đây.
Lưu lại cho Tào Tháo một mạng - nước cờ thâm sâu và thức thời của Ngọa Long tiên sinh
Nhìn vào thế cục của thiên hạ vào thời điểm bấy giờ, có thể thấy Tào Tháo đã đánh bại Viên Thiệu trong trận chiến ở Quan Độ, sau đó lại tiếp tục bày mưu để hậu duệ họ Viên nội đấu.
Dưới tình thế hai con trai của Viên Thiệu đấu đá tới lưỡng bại câu thương, vị quân chủ này đã nhân cơ hội đó để thanh toán thế lực hai Viên, từ đó thu về cả địa bàn Hà Bắc rộng lớn.
Tới lúc này, thế lực của Tào Tháo đã trở thành chư hầu sở hữu địa bàn rộng lớn nhất, đó là chưa kể tới việc họ Tào vẫn đang nắm quyền thao túng cả Thiên tử.
Cùng với đó, gia tộc họ Tôn từ lâu cũng đã chắc chân ở mảnh đất Giang Đông và được bách tính thần phục còn hơn cả Hoàng đế đương triều. Ngoài ra, cha con Lưu Chương ở Ích Châu với hơn hai thập kỷ thống trị từ sớm đã hùng cứ một phương, còn đất Tây Lương thì đã trở thành thiên hạ của Mã Đằng.
Từ đó không khó để nhận thấy, lãnh thổ của Trung Hoa đại lục trong giai đoạn lịch sử này đã rơi vào cảnh chia năm xẻ bảy bởi nhiều thế lực chư hầu với thực lực không thể coi thường.
Sau khi thu về lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc, Tào Tháo đã tiến hành kế hoạch nam chinh nhằm phục vụ cho mục tiêu thống nhất thiên hạ. Tuy nhiên kết cục thảm bại trong trận Xích Bích đã thiêu rụi cả đội quân tinh nhuệ cũng như khao khát đầy dã tâm của vị quân chủ này.
Ngay cả vào thời điểm tháo chạy, ông cũng bị Gia Cát Lượng an bài phục binh chặn đánh. Thế nhưng người được Khổng Minh phái đi lại là Quan Vũ – nhân vật nổi danh trọng tình nghĩa và từng được Tào Mạnh Đức hậu đãi khi xưa.
Sở dĩ một mưu sĩ thần cơ diệu toán như Ngọa Long tiên sinh lại chấp nhận đi nước cờ hạ sách này là bởi ông hiểu rõ hơn ai hết một sự thật: Tào Tháo nhất định không thể chết vào lúc này.
Một khi Tào Tháo vong mạng trong trận Xích Bích, địa bàn rộng lớn mà ông nắm giữ sẽ có kết cục giống như thế lực của Viên Thiệu. Tới lúc đó, Tào Phi và Tào Thực cũng sẽ vì địa vị mà tiến hành đấu đá khiến cho phương Bắc một lần nữa rơi vào loạn lạc.
Nếu tình thế quả thực diễn ra theo chiều hướng này thì một Đông Ngô vừa mới thu về thắng lợi to lớn trong trận Xích Bích nhất định sẽ không bỏ qua cơ hội đem quân ra Bắc. Tào Ngụy với nội bộ lục đục do chia năm xẻ bảy ắt sẽ không phải là đối thủ của thế lực nói trên.
Một khi có thể giành chiến thắng trong trận chiến với Tào thị, Đông Ngô sẽ trở thành tập đoàn chính trị vô cùng cường đại. Đó cũng là một trong những mối đe dọa đối với tương lai của Lưu Bị và Thục Hán.
Bên cạnh đó, Mã Đằng ở Tây Lương một khi biết Tào Tháo vong mạng trong chiến loạn cũng sẽ chỉ huy đại quân cướp lấy những vị trí trọng yếu như Trường An và Lạc Dương.
Quân đoàn Tây Lương khi ấy rất có khả năng sẽ trở thành một Đổng Trác thứ hai. Hơn nữa "tấm gương" của Đổng Trác vẫn còn đó, Mã Đằng sẽ không dại dột mà đi vào con đường hoang dâm vô độ. Thế lực này cũng vì vậy mà càng vững vàng cắm rễ ở hai thành trì trọng yếu.
Đến lúc đó, thiết kỵ Tây Lương sẽ trực tiếp áp sát mạn phía trên của đất Kinh Châu, thậm chí có thể bất ngờ tấn công Lưu Bị bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, "Long Trung đối" mà Gia Cát Lượng vạch ra luôn coi việc chiếm được Kinh Châu, Ích Châu làm trọng điểm.
Nếu phía Bắc của Kinh Châu bị quân Tây Lương gây áp lực, kế hoạch chiếm Ích Châu sẽ buộc phải kéo dài. Đây chính là viễn cảnh mà Ngọa Long tiên sinh không muốn thấy nhất.
Vì vậy, việc lưu lại cho Tào Tháo một con đường sống sau chiến bại ở Xích Bích thực chất đã là cân nhắc sau cùng và cũng là quyết định bất đắc dĩ nhưng không thể không thực hiện.
Bởi lẽ Tào Tháo toàn mạng trở về phương Bắc cũng đồng nghĩa với việc hai thế lực là Đông Ngô và Tây Lương không thể khuếch trương địa bàn. Lưu Bị sau khi có được Kinh Châu và không chịu áp lực từ phương Bắc cũng có thể dốc toàn lực để chiếm cứ Ích Châu.
Và thực tế lịch sử cũng đã cho thấy lựa chọn của Gia Cát Lượng là hoàn toàn chính xác. Kể từ sau khi thảm bại trong trận Xích Bích, Tào Tháo đã không còn tiến hành nam chinh thêm một lần nào nữa.
Đông Ngô của Tôn gia và Mã Đằng ở Tây Lương đều bị hạn chế về phạm vi thế lực. Lưu Bị dựa vào sự giàu có, sung túc ở đất Kinh Châu liền rất nhanh có được Ích Châu, từ đó trở thành nhân vật giành về nhiều lợi ích nhất sau trận đại chiến Xích Bích.
Chỉ tiếc rằng sự biến mất Kinh Châu cùng thất bại nặng nề trong cuộc chiến với Đông Ngô đã khiến cục diện tốt đẹp của Thục Hán không thể kéo dài.
Sau cái chết đột ngột của quân chủ Lưu Bị, Gia Cát Lượng dù một lòng cúc cung tận tụy nhưng cũng không thể hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ.
Và rồi sau khi nhân vật trụ cột này qua đời, con thuyền Thục Hán dưới sự lèo lái của một quân chủ vô năng như Lưu Thiện cũng chỉ trụ lại thêm được vài thập niên rồi nhanh chóng bị đẩy vào vòng xoáy diệt vong...
Theo Trần Quỳnh/Helino