Giải mật chiêu gian lận trong lịch sử bầu cử Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Cử tri bị bắt cóc, đánh đập, ép uống rượu hoặc thuốc... để bỏ phiếu cho người được chỉ định là những chiêu trò gian lận trong bầu cử Mỹ những năm 1880.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đang đến gần. Kết quả cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo. Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump gần đây quan ngại kết quả bầu cử có thể bị thay đổi do xảy ra tình trạng gian lận. Mặc dù khả năng xảy ra gian lận trong bầu cử Tổng thống Mỹ là rất thấp nhưng không phải là không thể xảy ra. Vào những năm 1880, vấn nạn gian lận trong bầu cử Mỹ từng xảy ra.
Cụ thể, vào thế kỷ 19, các đảng phái chính trị ở Mỹ đã sử dụng những thủ thuật mà chỉ những tên cướp biển và các băng đảng buôn người mới sử dụng. Trước khi Mỹ sử dụng máy tính và mạng Internet để kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu, vào thời đó, các băng nhóm bạo lực huy động cử tri bằng cách bắt cóc họ, cho họ uống rượu hoặc thuốc, rồi buộc họ bỏ phiếu nhiều lần và mỗi lần thay một bộ quần áo khác nhau để tránh bị phát hiện. Mánh khóe gian lận trong bầu cử này được gọi là “úp sọt” (cooping) nhằm đảm bảo một chiến thắng trong ngày bầu cử.
Giai mat chieu gian lan trong lich su bau cu My
Tranh minh họa các chính trị gia cố gắng "mua" phiếu bầu cử tri xuất hiện trên tờ Harper's Weekly năm 1857. Ảnh: Thư viện Quốc hội.
Vào những năm 1800, bầu cử ở Mỹ xảy ra vấn nạn gian lận một cách tràn lan. Các đảng phái giống các câu lạc bộ tư nhân hơn là các đảng chính trị như ngày nay. Do đó, “úp sọt” rất phù hợp trong chính giới ở Mỹ thời kỳ này. Một cuốn sách từng tiết lộ mánh khóe gian lận trên khá phổ biến trong ngày bầu cử ở Mỹ.
Mặc dù công chúng Mỹ biết về tình trạng gian lận “úp sọt” trong bầu cử và phản đối nhưng tình trạng này ăn sâu vào nền chính trị Mỹ thời đó và chỉ chấm dứt vào cuối thế kỷ 19.
Năm 1842, tờ Weekly Globe ở Washington đăng tải bài viết với nội dung: "Đảng Liên bang ở Mỹ trong mùa bầu cử Tổng thống vừa qua đã thực hiện mọi thủ đoạn kiểu này, gồm đút lót, bắt nạt, bắt cóc, chuốc rượu cử tri đến say khướt".
Một bài báo cùng thời điểm đó được xuất bản với nội dung tiết lộ việc 300 cử tri bị đưa tới các nước khác nhau để ngăn họ bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu địa phương.
Nhiều nạn nhân “úp sọt” là người nhập cư. Vào giữa những năm 1800, nhiều người nhập cư châu Âu được nhập tịch nên các công dân mới này đủ điều kiện để bỏ phiếu để đi bỏ phiếu như nam giới da trắng. Vào thời kỳ này, toàn bộ phụ nữ và đàn ông da màu không được bỏ phiếu.
Người Mỹ sinh ra ở Mỹ coi lá phiếu của người nhập cư là một mối đe dọa và sẽ “úp sọt” cử tri nhập cư, đưa tới một địa điểm bí mật để ngăn cản việc họ đi bỏ phiếu. Các băng nhóm cũng buộc nhóm cử tri này bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà họ ủng hộ.
Giai mat chieu gian lan trong lich su bau cu My-Hinh-2
 Khung cảnh hỗn loạn trong cuộc bầu cử năm 1857. Ảnh: Thư viện Quốc hội.
Nạn nhân “úp sọt” J. Justus Ritzmin đang tìm mua một xe ngựa thì bị các nhà vận động bầu cử dụ dỗ trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Baltimore, Maryland năm 1859. Về sau, nhóm vận động bầu cử này bị kiểm tra trong một phiên điều trần trước quốc hội về hành vi gian lận trong bầu cử. Một thành viên của băng nhóm đường phố Pug Ugly đã đề nghị cho Ritzman và một người đàn ông khác một công việc sau đó đưa họ đến một quán rượu. Khi đã say khướt, họ bị dẫn tới một nhà kho. Tại đó, họ xuất hiện trước một đám đông gồm 5 - 6 người đàn ông mang theo chày, súng cùng nhiều loại vũ khí khác. Theo lời khai của Ritzman trước tòa năm 1860, bản thân và người đàn ông kia bị cướp và bị bỏ lại trong một tầng hầm tối om. Họ được đưa cho phiếu để bầu cho ứng viên đảng Dân chủ. Riêng trong ngày hôm đó, Ritzman và những người khác bỏ phiếu tới 16 lần.
Vào những năm 1880, phiếu bầu dễ dàng bị các băng đảng thao túng. Danh sách cử tri và danh sách đăng ký trước khó có thể bị theo dõi. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, cử tri sẽ lấy các phiếu bầu có dán nhãn bầu cho một ứng viên nào rồi xếp hàng để đưa phiếu cho nhân viên ở phòng bỏ phiếu. Do vậy không ai có thể biết người nào đã bỏ phiếu lúc nào và ở đâu. Một số ứng cử viên đã thuê các thành viên băng đảng làm giám sát bỏ phiếu để theo dõi quá trình bầu cử. Hiện tượng này phổ biến đến mức một số nhà viết tiểu sử về ông Edgar Allan Poe đã cho rằng nhà văn này chết trong một sự cố “úp sọt” trong cuộc bầu cử ở Baltimore. Tuy nhiên, điều này cho đến nay vẫn chưa được xác nhận.
Về sau, tình trạng gian lận trong bầu cử ở Mỹ dần được xóa bỏ. Những luật bầu cử mới được ban hành và áp dụng. Các phòng bỏ phiếu bí mật được dựng lên để cử tri có thể một mình vào điểm bỏ phiếu, tự chọn ứng viên mà không ai có thể can thiệp và không ai có thể đe dọa đến việc lựa chọn ứng viên. Thỉnh thoảng, cảnh sát cũng được triển khai để giám sát bầu cử để đảm bảo không xảy ra tình trạng một người bỏ phiếu nhiều lần.
Tâm Anh (theo Atlasobscura)