Theo Science Alert, đó là một nghĩa trang thời Trung Cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8 sau Công Nguyên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm bộ hài cốt người, ngoài ra còn có một con ngựa không đầu, một số con chó săn lông xám. Hài cốt người đàn ông nói trên gây chú ý hơn cả.
Người đàn ông có tay trái là một con dao - Ảnh: Đại học Sapienza
Phân tích bởi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Ileana Micarelli từ Đại học Sapienza ở Rome (Ý) cho thấy bàn tay của người đàn ông đã bị cắt bỏ do một chấn thương, được tạo ra bởi một vật cùn.
"Có khả năng chi bị cắt cụt vì lý do y tế hoặc cẳng tay bị gãy do vô tình ngã, dẫn đến gãy xương không thể chữa lành. Tuy nhiên với văn hóa chiến binh của người Longobard cổ đại, tổn thất do chiến đấu cũng có thể xảy ra" bài công bố trên Journal of Anthropological Sciences cho hay.
Kiểm tra kỹ hơn, đầu xương cho thấy bằng chứng của một dạng áp lực cơ sinh học, góp phần tạo thành dạng mô sẹo đặc trưng, phù hợp với đầu chi của những người được gắn chi giả thời hiện đại.
Người ta còn tìm thấy vết mòn rõ ràng trên răng của người đàn ông, rất có thể do việc anh ta thường xuyên dùng răng để thắt chặt dây đai của một vật gắn trên tay cụt.
Trong mộ cổ, các nhà khoa học tìm thấy một vật kỳ lạ: một lưỡi dao, một chiếc khóa hình chữ D và một vật liệu hữu cơ đã phân hủy nằm ngay tay cụt của người đàn ông.
Điều này gợi ý về một con dao được gắn trên một chiếc mũ da nhỏ chụp vào tay cụt của người đàn ông - một dạng tay giả dành cho một chiến binh.
Phân tích kỹ hơn hài cốt, các nhà khoa học nhận thấy người đàn ông đã sống rất lâu sau khi bị mất tay, điều hiếm gặp ở thời Trung Cổ vì trong thời kỳ tiền kháng sinh, sống khỏe mạnh với một phần cơ thể quan trọng bị mất là rất khó khăn. Rõ ràng anh ta đã được chăm sóc và hỗ trợ rất chu đáo bởi gia đình và cộng đồng.
Theo Người lao động