Nói tới những giai thoại về Gia Cát Lượng, hậu thế vẫn không thể quên được cuộc hôn nhân của ông với Hoàng Nguyệt Anh – con gái danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn thời bấy giờ.
Chỉ có điều, người đời khi nhắc tới câu chuyện này vẫn không khỏi hoài nghi, bởi Khổng Minh vốn là người tài hoa, nhưng lại chấp nhận kết duyên với một cô gái nổi tiếng xấu xí.
Nhưng sự thực lịch sử đã chứng minh lựa chọn của Gia Cát tiên sinh là chính xác. Bởi Hoàng Nguyệt Anh dù nhan sắc có phần thua thiệt, nhưng lại là một tài nữ nổi danh.
Cuộc sống sau hôn nhân của Khổng Minh cũng được coi là hết sức viên mãn. Chính sử ghi lại, sau này ông có 2 người con trai ruột là Gia Cát Chiêm và Gia Cát Cẩn, ngoài ra còn nhận thêm con nuôi, đặt tên là Gia Cát Kiều.
Tuy nhiên nhiều tư liệu dã sử truyền lại rằng, hậu nhân của Gia Cát Lượng không chỉ có ba nhân vật ấy, mà còn 2 người không được chính sử ghi chép. Trong số đó có người con gái tên Gia Cát Quả - nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất của gia tộc nổi tiếng này.
Con gái Gia Cát Lượng và giai thoại "vũ hóa" thành thần tiên
|
Dù không được ghi lại trong chính sử, nhưng Gia Cát Quả rất nổi tiếng trong các giai thoại dân gian. (Hình minh họa). |
Tư liệu về Gia Cát Quả tuy không được chính sử ghi lại, nhưng có một số cuốn sách lại khẳng định sự tồn tại của nhân vật này.
Tiêu biểu là cuốn "Triều đại thần tiên thông giám" bên trong có đoạn miêu tả: "Khổng Minh cảm khái sâu sắc, gọi 3 người con trai và 1 người con gái ra vái lạy".
Cuốn "Gia Cát" còn viết về con đường "vũ hóa" thành thần tiên của nhân vật này: "Cô con gái này thường dạy mọi người cách cầu an, sau thành thần tiên, tên cổ viết là Gia Cát Quả".
Nhiều giai thoại dân gian cũng truyền lại rằng, con gái của Gia Cát Lượng tư chất thông minh, có cốt cách tiên nhân, mang khí chất của người tu đạo.
Điều này cũng có phần dễ hiểu, bởi Gia Cát Lượng năm xưa vốn sở hữu ngoại hình và thần thái xuất chúng: "Thân cao 8 thước, mặt đẹp như ngọc [...] người khoác áo lông hạc, ung dung thư thái tựa như thần tiên".
Những tranh cãi xung quanh sự tồn tại của Gia Cát Quả
Dù xuất hiện nhiều trong các giai thoại dân gian và dã sử, nhưng sự tồn tại của Gia Cát Quả vẫn là một điều gây nhiều tranh cãi đối với hậu thế.
Có ý kiến cho rằng, Gia Cát Quả không hề có thật. Bởi dù cho chế độ phong kiến có coi nhẹ phụ nữ ra sao, thì cũng không thể không ghi lại chút gì về một nhân vật có tiếng tăm như vậy, hơn nữa bà lại là con gái của Gia Cát Lượng.
Về việc nhân vật này xuất hiện trong một số tác phẩm thuộc các triều đại sau, không ít người cũng cho rằng, do Gia Cát Quả được giai thoại dân gian lưu truyền rộng rãi nên các bậc thức giả thời sau mới thêm vào tác phẩm của mình.
Điều này cũng tương tự như tác phẩm Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, tính chân thật của những câu chuyện trong đó chẳng ai có thể kiểm chứng, nhưng thành tựu nghệ thuật lại không thể coi nhẹ.
Hơn nữa, Gia Cát Lượng vốn nổi danh với tài bấm độn, cải mệnh, rất có thể việc xây dựng nên một nhân vật như Gia Cát Quả cũng chỉ nhằm mục đích thần thánh hóa Gia Cát Lượng mà thôi!
Thế nhưng cũng có ý kiến khẳng định, sự tồn tại của Gia Cát Quả là hoàn toàn có khả năng. Dẫu sao vào thời xưa, địa vị phụ nữ trong xã hội tương đối thấp, huống chi Gia cát Quả lại không làm chuyện động trời, chính sử vì lý do thận trọng, không đề cập tới bà cũng là chuyện hợp lý.
Tựu chung lại, dù cho Gia Cát Quả là nhân vật có thật hay hư cấu, thì bà vẫn luôn là một ẩn số nổi tiếng của gia tộc Gia Cát từ thời Tam Quốc.
Tự dựng cơ nghiệp, Lưu Bị để lại 3 kinh nghiệm xương máu, hậu thế nên học tập!
Theo Trần Quỳnh/Thời Đại