Giảng viên chế tạo “lá chắn” lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Google News

Góp sức vào công tác phòng chống dịch COVID-19, cán bộ, giảng viên Khoa Công nghệ (Trường ÐH Cần Thơ) chế tạo thành công Buồng lấy mẫu xét nghiệm di động.

Sáng tạo này giúp nhân viên y tế và người dân tránh lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu ngoài cộng đồng.
“Lá chắn” bảo vệ nhân viên y tế và người dân
Đợt dịch COVID-19 diễn ra tại TP Cần Thơ trên địa bàn rộng, xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng. Để góp sức phòng chống dịch, tập thể Khoa Công nghệ (Trường ÐH Cần Thơ) cùng góp công, góp sức chế tạo Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Giang vien che tao “la chan” lay mau xet nghiem COVID-19
 Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của Khoa Công nghệ (Trường ĐH Cần Thơ).
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng gia tăng nên việc hoàn thiện sản phẩm càng cấp bách hơn. Với các vật liệu như khung thép, nhôm, kính, hệ thống thông gió có diệt khuẩn… được chế tạo, lắp ráp khẩn trương.
Ưu điểm của sản phẩm là gọn nhẹ, dễ di chuyển, đảm bảo an toàn, tránh việc lây nhiễm giữa nhân viên lấy mẫu và người được lấy mẫu.
Nhóm nghiên cứu gồm 10 cán bộ, giảng viên Khoa Công nghệ với sự cố vấn của PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, đã nhanh chóng sáng chế thành công Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Theo TS Nguyễn Văn Cương, Trưởng khoa Công nghệ: Tại các khu vực lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, việc bố trí phù hợp, tránh lây nhiễm chéo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch.
Từ thực tế đó, ý tưởng về một sản phẩm có công năng vừa lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, vừa bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế và người được lấy mẫu được hình thành.
Từ lúc hình thành ý tưởng, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp cải tiến các sản phẩm đã có trên thị trường, chỉ mất khoảng 2 tuần để trình làng sản phẩm. Sau khi sản phẩm được hoàn thiện, giờ chỉ cần khoảng 2 ngày, nhóm sản xuất được 1 buồng.
Về mặt học thuật, kỹ thuật, nhóm không gặp khó khi triển khai; nhưng lại gặp khó trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 dài 2m, rộng 1,1m và cao 2,2m; được thiết kế bằng các vật liệu dễ tìm mua trên thị trường như tol, polycacbonat (một loại polymer nhựa nhiệt dẻo, trong suốt), gỗ công nghiệp, một số thiết bị điện, điện tử…
Theo TS Nguyễn Văn Cương, buồng có 3 bộ phận chính: Buồng kín cách ly bên ngoài; hệ thống cấp không khí sạch và bộ phận khử trùng găng tay. Khi hoạt động, không khí được đưa vào buồng thông qua bộ cấp khí.
Bộ cấp khí có nguyên lý kết hợp giữa màng lọc HEPA và diệt khuẩn bằng tia UV (đèn UV lắp đặt bên phía trong, trên nóc buồng) được bố trí để không gây hại cho nhân viên làm việc bên trong.
Bộ cấp khí này có vai trò quan trọng trong hạn chế việc lây nhiễm chéo giữa nhân viên y tế với nhau, giữa người được lấy mẫu với nhân viên y tế. Bộ phận khử khuẩn găng tay góp phần hạn chế lây nhiễm từ người được lấy mẫu trước với người được lấy mẫu sau.
Góp sức chống dịch cùng cộng đồng
Chia sẻ về buồng lấy mẫu xét nghiệm, Thạc sĩ Phan Thanh Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ, Khoa Công nghệ (Trường ÐH Cần Thơ), thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: Màng lọc HEPA có thể ngăn chặn tất cả các giọt bắn và bụi có kích thước lớn hơn 0,3 micromet. Khi các giọt bắn bị chặn trên màng lọc HEPA, vi khuẩn và virus (nếu có) sẽ bị vô hiệu hóa bởi tia UV ở tầng sơ cấp.
Không khí sau khi lọc, được đưa vào tầng UV thứ cấp một lần nữa, trước khi được quạt hút đưa vào trong buồng từ trên nóc xuống. Lưu lượng của quạt lớn vừa cấp dưỡng khí, vừa tạo luồng khí thông thoáng bên trong. Dưới chân buồng có 1 quạt hút công suất thấp, để hút khí ra ngoài. “Không khí trong buồng luôn có áp lực dương nên không bị rò rỉ, đảm bảo khí sạch.
Khoảng cách trong buồng đảm bảo an toàn cho 2 nhân viên y tế ở hai đầu thao tác lấy mẫu xét nghiệm, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Sau khi lấy mẫu xong, nhân viên y tế điều khiển bộ phận khử trùng bằng cồn (nút công tắc ấn bằng chân) phun ra làm sạch găng tay”, Thạc sĩ Lương giải thích.
Nhóm nghiên cứu cho biết đã tính toán cường độ tia UV và thời gian không khí tiếp xúc với tia UV đủ để diệt vi khuẩn. Tia UV hoạt động liên tục sẽ không tốt đối với người tiếp xúc thường xuyên, nên nhóm đã lắp đèn UV trong hộp kín, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.
Trước khi thực hiện Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, nhóm tìm hiểu, nghiên cứu các sản phẩm trong và ngoài nước, thông tin trên phương tiện truyền thông, để kế thừa, sáng chế, cải tiến sản phẩm phù hợp...
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, nhóm nghiên cứu đã cải tiến để có thể sát khuẩn liên tục và tính toán thời gian vừa đảm bảo cường độ chiếu sáng tia cực tím; vừa đảm bảo thời gian luồng không khí đi ngang qua buồng đó đủ lâu, để phát huy khả năng diệt vi khuẩn của tia UV.
Về độ bền, buồng khử khuẩn có thể được sử dụng lâu dài vì được chế tạo bằng khung thép chắc chắn, hoặc có thể bằng nhôm cao cấp. Trong quá trình vận hành, người sử dụng có thể thay găng tay và vệ sinh bộ lọc không khí, đảm bảo lượng không khí đầy đủ, sạch cho các y, bác sĩ làm nhiệm vụ.
Hiện, giá mỗi buồng lấy mẫu xét nghiệm khoảng 60 triệu đồng. Nhóm nghiên cứu đã tặng 1 buồng cho UBND TP Cần Thơ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Nhóm sẵn sàng sản xuất thêm nhiều buồng để phục vụ cho các tỉnh, thành Ðồng bằng sông Cửu Long.
“Bên cạnh bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ y tế, sản phẩm của nhóm mong muốn tạo sự an tâm cho người dân khi tham gia xét nghiệm. Góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn”, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn cho biết.
Ðợt bùng phát dịch COVID-19 năm 2020, nhóm nghiên cứu Khoa Công nghệ (Trường ÐH Cần Thơ) đã sáng tạo một số sản phẩm phòng, chống dịch bệnh trong trường như: Robot sát khuẩn phòng thí nghiệm bằng tia cực tím; Robot xịt cồn cho sinh viên rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt từ xa…
Theo Quốc Ngữ/Giáo dục & Thời đại