Trong thời gian trị vì ngắn ngủi (1505-1509), Lê Uy Mục đã gây ra nhiều tội ác làm người đời oán hận, sử sách còn ghi. Trong đó có cả những vụ thanh trừ dã man từ những bậc trung thần đến cả người thân thích.
Giết cả "bà nội" vì nói xấu Mẫu hậu
Hoàng đế Lê Uy Mục húy là Tấn, Hoàng tử thứ hai của vua Lê Hiến Tông. Lê Hiến Tông có tất cả sáu hoàng tử. Tháng 12 năm Kỉ Mùi (1499), nhân có các quan là Lê Vĩnh và Lê Năng Nhượng tâu xin lập ngôi Thái tử, vua Lê Hiến Tông đã nhận xét khái quát về đức độ của con mình. Lời nhận xét ấy được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 24, tờ 42) ghi lại như sau:
|
(Ảnh minh họa) |
"Trẫm xem trong các Hoàng tử, thì con trưởng là Tuân, thích mặc áo đàn bà, lại cả gan dám đầu độc cả mẹ; con thứ hai là Tấn thì không có đức, sợ không đương nổi ngôi báu; chỉ có con thứ ba là Thuần (tức sau này là vua Lê Túc Tông - ND) là rất ham đọc Thi Thư lại dốc lòng hiếu kính, trẫm thân lo vỗ về, dạy bảo, nay cũng đã trưởng thành, vậy lấy công minh mà quyết, trẫm lập Thuần làm ngôi Hoàng trừ (tức Thái tử hay ngôi vua dự bị)".
Tháng 5 năm 1504, vua Lê Hiến Tông mất, triều thần lập con thứ là Thái tử Thuần lên ngôi, đó là vua Lê Túc Tông. Tiếc thay, vua Lê Túc Tông chỉ ở ngôi được sáu tháng thì qua đời. Hoàng tử thứ hai nhờ đó mà được lên ngôi, đó là vua Lê Uy Mục. Thân mẫu của Lê Uy Mục có một lí lịch xuất thân khá độc đáo. Cũng sách trên (tờ 18 quyển 25) viết rằng:
"Hoàng thái hậu người họ Nguyễn, quán xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh). Thuở bé, bà mồ côi và nghèo đói, phải tự bán mình cho một gia đình ở phủ Phụng Thiên (Hà Nội ngày nay). Sau, vì gia đình ấy phạm tội, bà cũng bị đẩy vào làm nô tì trong cung, nhân đó, được vào hầu Hoàng thái hậu ở cung Trường Lạc. Lúc Hiến Tông làm Thái tử, vào chầu Hoàng thái hậu, trông thấy bà thì lấy làm ưa, mới lấy làm thiếp".
Việc Lê Uy Mục lên ngôi khiến cho bà Thái hoàng thái hậu (thân mẫu của Lê Hiến Tông) không bằng lòng, vì bà cho rằng mẹ của Uy Mục là người thấp hèn thì sinh và nuôi dạy con làm sao tử tế được. Chuyện không dè đến tai Lê Uy Mục, cho nên, Lê Uy Mục lấy đó làm mối thâm thù. Lại cũng sách trên (quyển 25, tờ 19) viết tiếp:
“Đến nay (tháng 3 năm Ất Sửu, 1505), Nhà vua bèn sai người bí mật giết Thái hoàng thái hậu, rồi hạ lệnh nghỉ thiết triều bảy ngày".
Tháng 4 năm 1505, Lê Uy Mục cho truy phong bà là Gia Tĩnh Mục Ôn Cung Nhu Thuận Thái hoàng thái hậu, đồng thời, sai đựng điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên huyện Quảng Đức để thờ tổ tiên của bà.
Chép xong đoạn sử này, các tác giả của bộ sử cũ nói trên đã có lời phê như sau:
"Giấu giếm thế nào được tội ác ? Bọn gian xảo lừa dối đều như vậy cả. Đáng chê thay !"
Lời bàn: Lúc đầu, xét lời của bà Thái hoàng thái hậu có chút gì đó, nửa như vu vơ mơ hồ, nửa như cũng có lí. Song, xem hành.trạng của Lê Uy Mục sau này thì quả lời của Thái hoàng thái hậu chẳng ngoa.
Thời mà kẻ cương trực bị đày dọa là thời loạn. Thời mà cả đến lời thẳng thắn của Thái hoàng thái hậu cũng bị Nhà vua oán giận và thâm thù là thời đại loạn. Không rõ là sinh thời, Uy Mục có hay là uy đã mục rồi chăng?
Năm 1507, sứ giả nhà Minh sang nước ta đã phải kinh ngạc mà thốt lên rằng: "Chẳng hay con tạo trớ trêu làm gì để sinh ra tên vua quỷ sứ thế này!”. Trăm họ thời ấy bèn nhân đó mà gọi Lê Uy Mục là vua Quỷ.
Đúng lắm thay !
Bức tử trung thần vô tội vì...không chịu nhận hối lộ
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 25, tờ 21) chép rằng:
"Khi Hiến Tông đau nặng, bà Kính Phi (người họ Nguyễn, quán xã Hoa Lăng, huyện Thủy Đường. Thân mẫu của Uy Mục mất sớm, bà nhận Uy Mục làm con nuôi) có ý muốn lập vua, nhưng sợ quan đại thần không theo, bèn đem vàng bạc đút lót cho Đàm Văn Lễ (là một trong hai cận thần của vua Lê Hiến Tông) nhưng Lễ không chịu nhận. Kịp khi Hiến Tông lâm bệnh quá nguy kịch, Văn Lễ cùng với Quang Bật nhận di chiếu lập Thái tử lên ngôi. Lúc ấy, các vị Hoàng tử tranh nhau để được làm vua, Văn Lễ sợ biến loạn có thể xảy ra cấp kì, bèn vào nhà tẩm điện lấy ấn truyền quốc đem về nhà mình cất, rồi cùng các đại thần lập vua Túc Tông. Nhà vua (chỉ Lê Uy Mục) rất oán giận.
Đến đây (tháng 4 năm 1505) Nhà vua dùng mưu kế của bọn Khương Trùng và Nguyễn Nhữ Vi, vờ truất chức Văn Lễ và Quang Bật, cho họ đi làm chức Thừa chính sứ ở đạo Quảng Nam, rồi nhân khi cả hai đang trên đường đi nhận chức, Nhà vua sai người đuổi theo, đến bờ sông Chân Phúc thì kịp, bắt cả hai phải uống thuốc độc mà chết.
Bầy tôi trong triều cho rằng, hai người ấy vô tội mà chết nên dâng lời can ngăn. Vua đổ lỗi cho Nhữ Vi, giết luôn cả Nhữ Vi nữa".
Lời bàn: Dã tâm của Uy Mục ra sao, khỏi nói thêm cũng đã quá rõ. Khương Trùng là thân thích của Nhà vua, muốn vì Vua mà ám hại Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật, nên xảo trá mượn lời dâng kế của Nguyễn Nhữ Vi. Nhữ Vi ngây thơ, tưởng đâu hại người thì mình sẽ được vinh hoa phú quý, chẳng dè cũng bị giết thảm thương. Hỡi Nhữ Vi, chả lẽ bao sách vở không đủ cho người thấy được rằng, xưa nay, kẻ tàn bạo có bao giờ chỉ tàn bạo một lần đâu! Lê Uy Mục đâu có phải là một ngoại lệ.
Ôi chết thảm mà chẳng ai thương là đấy chăng ? Còn bà Kính Phi, bà húy là gì, sử không chép rõ nhưng điều hậu thế rất rõ lại là mưu hối lộ nhơ bẩn của bà. Nhục thay!
>>> Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo VnTinnhanh