Gian nan đường lên “hang vàng”
Tình cờ qua một người bạn, chúng tôi biết được sự tích về “hang vàng” ở xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Sự tích kể rằng, ngày trước có một cậu bé chăn trâu mải mê đuổi theo một đàn ong mật đến triền núi. Khi đến một hang động, cậu bé choáng ngợp khi phát hiện ra bên trong hang phát ra những ánh sáng lấp lánh như vàng. Cậu bé liền về kể với dân làng.
Câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng nhuốm màu huyền bí, thôi thúc chúng tôi lên đường để tìm hiểu về chiếc “hang vàng” này.
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi bắt xe từ Hà Nội về xã Nga Giáp với quãng đường hơn 100km. Giữa mùa hè, cái nắng miền Trung oi ả cũng là lúc người dân nơi đây đang vào mùa thu hoạch lúa. Những con đường làng trải đầy rơm, thơm mùi thóc lúa.
Sau khi liên hệ với UBND xã, chúng tôi được ông Vũ Văn Hiển – cán bộ văn hóa xã Nga Giáp dẫn đường đi lên chỗ “hang vàng”.
Theo chia sẻ của ông Hiển, “hang vàng” nằm ở núi Thung Nồi, nơi tiếp giáp với dãy núi Bạch Tượng. Quanh đây là những núi đá tai mèo cao chót vót, sắc nhọn nên hầu như không có người dân sinh sống.
Khi đến chân núi Bạch Tượng, chúng tôi phải dừng xe lại vì nơi đây không có đường đi vào. Sau khi gửi xe tại ngôi chùa Bạch Tượng, chúng tôi bắt đầu đi bộ băng qua một thung lũng trồng đầy bạch đàn.
Quãng đường đi bộ chừng hơn 1km, chúng tôi đã đến được với chân núi Thung Nồi. Ngọn núi cao với những phiến đá tai mèo dựng đứng. “Hang vàng” mà người ta đồn thổi nằm ở gần mỏm đá to trên đỉnh núi.
|
Vị trí của “hang vàng” trên gần đỉnh của núi Thung Nồi. |
“Năm 2009, có một người dân trong làng, lúc trời tối trèo lên núi để xem hang vàng không may bị trượt chân ngã chết. Cũng từ đó, người dân ít bén mảng đến đây hơn”, ông Hiển nói.
Do lâu ngày không có người đi lại, các cây gai, cây bụi mọc um tùm. Quãng thời gian 15 giờ chiều, đá tai mèo sắc nhọn nóng bỏng tay, tuy nhiên nếu đợi trời mát thì sẽ tối nên chúng tôi vẫn quyết định leo lên để một lần chiêm ngưỡng “hang vàng”.
Men theo những tảng đá to lớn, chúng tôi tìm đường lên đỉnh núi. Núi đá nên không có đường đi cố định, có khi đang từ tảng đá này, chúng tôi phải leo sang tảng đá khác, đi theo chiều ngang để tìm đường lên đỉnh núi.
Sau khoảng 1 giờ đồng hồ vừa đi vừa nghỉ dưới cái nắng gay gắt miền Trung, chúng tôi cũng tìm lên đến gần đỉnh núi, nơi có phiến đá to mà ông Hiển chỉ là “hang vàng”.
Theo lời chỉ dẫn của vị cán bộ văn hóa xã Nga Giáp, quanh phiến đá to có 2 cửa hang, mỗi cửa rất bé chỉ vừa đủ một người nhỏ chui vào. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm rất kỹ quanh phiến đá, chỉ thấy một cửa hang nhỏ nhưng không đủ diện tích để chui vào. Soi đèn pin vào bên trong chỉ thấy một màu tối om.
“Có lẽ nhiều năm qua không có ai lên đây, cửa hang có thể bị những phiến đá từ trên núi lăn xuống lấp mất. Chúng tôi đã từng vào xem, ở trong đó chỉ có thạch nhũ lâu năm ngả màu vàng, khi soi đèn pin vào thì nó ánh lên chứ không có vàng thật”, ông Hiển cho hay.
Thất vọng trở về nhưng chúng tôi cũng đã chứng minh được một điều, đó là “hang vàng” không có vàng thật như người ta đồn thổi.
Quãng đường lên núi gian nan bao nhiêu thì xuống núi càng khó hơn. Vách đá tai mèo dựng đứng, chỉ một cú trượt chân, chúng tôi có thể đánh đổi bằng tính mạng. Chúng tôi tiếp tục men theo những tảng đá, băng qua những lùm cây bụi để xuống núi.
Những câu chuyện kì lạ xung quanh “hang vàng”
Trở về UBND xã Nga Giáp, chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Thận – Chủ tịch UBND xã kể lại, hồi 2009, khi “hang vàng” mới được phát hiện và người dân cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm là hang có vàng thật nên người dân từ khắp nơi tứ xứ đổ về.
“Hồi đó, tôi chưa làm Chủ tịch xã cũng tò mò trèo lên tận nơi để chiêm ngưỡng “hang vàng”. Nhưng chỉ khi chứng kiến tận mắt, người ta mới biết đó chỉ là sự đồn thổi”, ông Thận nói.
|
Trải qua nhiều năm, cửa “hang vàng” đã bị đá chắn gần hết lối vào nên rất khó khăn để vào trong. |
Những lời đồn đại trên núi có vàng đã gây ra một làn sóng tìm vàng rầm rộ. Điều này đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn. Đó là năm 2009, anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Nội 1 đã leo lên hang để lấy nhũ đá, khi ra khỏi hang thì trời đã tối, anh Bình bị trượt chân rơi xuống cửa hang và tử vong. Ngay sau đó, người dân lại thổi phồng lên là có thần thánh… thành thử không còn ai dám vào “hang vàng”.
Một vài người khác cũng cưa mang nhũ đá về nhà, tuy nhiên, sau đó lợn, gà trong nhà cứ lần lượt chết đi. Sợ quá, họ phải mang nhũ đá lên tận hang trả lại.
“Tôi nghĩ chẳng có thần linh nào cả. Họ lấy nhũ đá về những tháng Giêng, tháng 2 Âm lịch, mưa ẩm nhiều khiến lợn, gà mắc bệnh chết chứ không có thần linh trừng phạt. Nhiều nhà không lấy nhũ đá, lợn, gà vẫn chết”, vị Chủ tịch xã Nga Giáp cho hay.
Trả lời câu hỏi của PV, tại sao không tận dụng tiếng tăm của “hang vàng” để phát triển du lịch cho địa phương, ông Thận nói: “Đường đi lại khó khăn, vách đá tai mèo dựng đứng nguy hiểm; cửa hang quá chật chội; hang nhỏ và tối nên phát triển du lịch là rất khó”.
Thế là câu chuyện về “hang vàng” trong trí tò mò của chúng tôi đã sáng tỏ. Gần 10 năm nay, cũng rất ít người dám lên đây.
Với người dân xã Nga Giáp, câu chuyện về “hang vàng” không còn cuốn hút họ nữa vì họ biết rằng, ở đó không có vàng thật. Giờ đây, những người nông dân chất phác chỉ biết chăm chỉ làm ăn, ổn định cuộc sống dưới chân núi Bạch Tượng.
Theo Triệu Quang/Dân Việt