Hậu thế đau đầu về lời trăng trối đầy mâu thuẫn của Từ Hy Thái Hậu

Google News

Từ Hy Thái hậu, người phụ nữ quyền lực trong lịch sử phong kiến Trung Quốc trước lúc lâm chung đã dặn dò con cháu việc phụ nữ không được can dự chính sự. Đây là lời trăng trối đầy mâu thuẫn.

Từ Hy Thái hậu (1835-1908), nhân vật nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, là một người phụ nữ thông minh, cả cuộc đời nếm trải và lập nên nhiều thành tựu hơn người. Bà trải qua 5 đời Hoàng đế: Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống.
Vào cung từ năm 16 tuổi, 26 tuổi trở thành thái hậu, Từ Hy sống trong cung cấm gần 60 năm, cai trị Trung Quốc gần nửa thế kỷ 19 và qua đời ở tuổi 74.
Nhiều nhà sử học ở Trung Quốc và hải ngoại thường miêu tả Từ Hy Thái hậu như một bạo chúa, người phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của nhà Thanh, trong khi một số khác cho rằng các đối thủ của Thái hậu đã quá thành công trong việc quy tội bà về những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bà lúc đó.
Và thực tế bà không hề tàn nhẫn hơn hay kém những nhà lãnh đạo khác, nếu không muốn nói đã ít nhiều là một nhà cải cách có hiệu quả - dù miễn cưỡng - trong những năm cuối đời
Trước khi chết, Từ Hy Thái hậu, người phụ nữ buông rèm nhiếp chính, nắm thực quyền điều hành Trung Hoa trong suốt những năm cuối thời nhà Thanh, trăng trối một câu khá mâu thuẫn: "Từ nay về sau, phụ nữ không được phép can dự vào triều chính. Như vậy là trái với gia pháp của bản triều, cần nghiêm khắc ngăn chặn. Đặc biệt là cần đề phòng nghiêm ngặt, không để được các thái giám lạm quyền. Thời nhà Minh mạt vận là một bài học".
Thực sự khó có thể lý giải được lý do một người phụ nữ hét ra lửa, ngồi lên ngai vàng một cách thành công, một thái hậu cai trị nhà Mãn Thanh suốt hơn nửa thế kỷ lại để lại lời trăng trối như vậy về phụ nữ.
 Từ Hy Thái hậu, người phụ nữ quyền lực trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ảnh nguồn: Internet.
Phụ nữ tham vọng thực sự không đáng tin
Từ Hy là một người phụ nữ cá tính, việc bà muốn làm nhất định sẽ làm được, bà luôn đạt được những điều mình mong muốn. Tính cách lạnh lùng, trí tuệ, bình tĩnh và không gì lay chuyển được khiến chồng bà, Hoàng đế Hàm Phong vừa nể phục vừa khiếp sợ.
Trước khi qua đời, Hoàng đế Hàm Phong đã rất lo lắng cho vương triều nhà Thanh, cũng đầy lo lắng cho Hoàng hậu Từ An, người mà ông hết mực yêu quý. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Hàm Phong ra một mật chỉ cho hoàng hậu, đại ý viết rằng nếu Hoàng tử Tái Thuần kế vị ngai vàng thì Lan Nhi (tức Từ Hy), mẹ đẻ của Tái Thuần, nếu không thể an phận thủ thường thì hãy thủ tiêu Lan Nhi.
"Trẫm không tin tưởng người này, sau này nếu biết an phận thì thôi, còn nếu không thì theo chiếu chỉ này, lệnh cho quần thần diệt trừ người đó đi", Hàm Phong nói.
Hàm Phong là một hoàng đế phóng đãng, nhưng ông không dám sơ suất đối với giang sơn xã tắc mà tổ tiên để lại. Ông sắp xếp, dự tính cái kết xấu nhất cho Lan Nhi, người mà ông cũng yêu mến và luôn luôn kính sợ.
Lời trăng trối của Từ Hy Thái hậu cũng chứng minh cho suy nghĩ của Hàm Phong: Không thể tin tưởng phụ nữ, phụ nữ mất đi lý trí và cuồng vọng trên chính trường lại càng không thể tin. Người phụ nữ cai trị một đế quốc rộng lớn và làm cho đế quốc đó phát triển không ngừng, lại càng không đáng tin.
Theo H.T.H.T/Khoevadep