Hiểu đúng về nhân quả

Google News

HỎI: Tôi đọc kinh Nhân quả ba đời, thấy nhiều điều không mấy khách quan, không biết có đúng là do Đức Phật nói hay không? Ví dụ như: “Đời này làm quan do nhân gì? Kiếp trước vàng ròng đắp tượng Phật”. Trong lần nghe giảng: Có người hỏi Đức Phật do nhân gì đời này được làm quan, Đức Phật dạy do nhiều đời làm vừa lòng mọi người, thấy đúng với thực tế hơn!

Rồi “Do nhân duyên gì mặc áo gấm. Đời trước thí áo giúp Tăng Ni”, chẳng lẽ chỉ giúp Tăng Ni mới được gấm vóc thôi sao? Hoặc “Nuôi con không được do nhân gì? Xưa sinh con gái dìm cho chết”; “Đời này không con do nhân gì? Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa”. Nhất là, “Đời này nhiều bệnh do nhân gì? Xưa kia rượu thịt bày cúng Phật”. Tôi nghĩ điều này Phật đã nói là do sát sanh hại vật. Rồi “Đời này lùn bé do nhân gì? Kiếp trước xem kinh để dưới đất”, chẳng lẽ cao to như người phương Tây thì đọc kinh để trên bàn hết sao? Ngày xưa, quê tôi chùa chiền đổ nát, tuổi nhỏ đến chùa đọc kinh, làm gì có kệ để kinh như bây giờ nên để dưới đất mà đọc. Vậy là đời sau chúng tôi bị lùn bé sao? Còn nhiều điều nữa tôi thấy không thỏa mãn, kính nhờ quý Báo bàn rõ thêm về bản kinh này.
(NGUYỄN ĐỒNG, ngdong68@yahoo.com)
Hieu dung ve nhan qua
 Ảnh minh họa. 
ĐÁP:
Bạn Nguyễn Đồng thân mến!
Kinh Nhân quả ba đời (Tam thế nhân quả kinh) là kinh điển Hán truyền, có nhiều bản Việt dịch, hiện được lưu hành rộng rãi trong và ngoài nước. Trong Hán tạng, kinh này có nhiều dị bản, đơn cử như bản đời Đường, Sa-môn Già-phạm-đạt-ma (dịch từ Phạn sang Hán); bản đời Minh của Lâm Thục Quyên.
Hiện có nghi vấn kinh Nhân quả ba đời không phải do Phật Thích Ca thuyết giảng mà được kết tập rất muộn về sau. Trong danh mục 129 ngụy kinh do chùa Đông Lâm (Lô Sơn, Trung Quốc) công bố có kinh này, xếp thứ 125 (http://www.fodizi.net/qt/qita/12009.html). Xác định kinh này là do Phật nói hay không, là chơn kinh hay ngụy kinh là thẩm quyền của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu một số cấu trúc và tương quan nhân quả mà bản kinh này đề cập.
Kinh Nhân quả ba đời có cấu trúc nhân quả đơn tuyến. Nghĩa là do đời trước tạo nhân gì, đời này nhận quả gì. Về căn bản, cấu trúc nhân quả này không sai nhưng xét kỹ về tương quan nhân quả thì không hoàn toàn đúng. Ngay trong Kinh tạng Pali, một số kinh cũng có cấu trúc nhân quả dạng này. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt (Trung bộ kinh, số 135), Đức Phật cũng nói đến một số nhân và quả dạng đơn tuyến, đơn cử như đời trước sát sinh thì đời này đoản mạng, nếu không sát sinh được trường thọ v.v… Thiết nghĩ, thuyết minh cấu trúc nhân quả đơn tuyến là một cách khái quát về nhân quả, mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, giúp cho người nghe dễ hiểu và tin về nhân quả hơn.
Thực chất thì nhân quả có cấu trúc đa tuyến, nói đúng là nhân-duyên-quả. Nhân quá khứ thì cố định, duyên quá khứ hoặc hiện tại thì linh động, vì thế quả hiện tại cũng biến động theo, lệch hướng so với nhân. Mặt khác, nhân-duyên-quả của tiến trình này lại làm nhân-duyên-quả của các tiến trình khác. Chúng tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau vô cùng vô tận trong quá trình vận hành để trổ quả trong hiện tại. Thành ra nói “nhân như thế nào thì quả như thế nấy” không hoàn toàn đúng với vận hành nhân-duyên-quả.
Thế nên, cần nhận thức nhân quả bằng tuệ giác duyên sinh, thấy rõ tính “trùng trùng duyên khởi” của vận hành nhân quả. Nhờ hiểu nhân quả với tuệ giác duyên sinh nên chúng ta mới có thể sám hối và chuyển nghiệp được. Bản chất của nhân quả là vô ngã. Nếu không tu tập thì đúng nhân nào quả nấy. Còn nếu có tu tập chuyển hóa tốt thì các nhân xấu trước đây bị lệch hướng, thậm chí bị triệt tiêu, được hóa giải hoàn toàn. Đây chính là cơ sở để người tu thành tựu đạo quả ngay trong đời này.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)
Theo Giác Ngộ