Hồ Đốn ở huyện Hân Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đã gây xôn xao dư luận khi đột ngột biến mất rồi lại tái xuất một cách khó hiểu.
Sự biến mất đột ngột của hồ nước bí ẩn
Theo bài đăng trên The Paper vào năm 2021, tại thôn Lộng Xuân, xã Toại Ý, huyện Hân Thành, tỉnh Quảng Tây, có một hồ nước tuyệt đẹp nằm giữa bốn bề núi non, được người dân địa phương gọi là "hồ Đốn" (trong ngôn ngữ của địa phương "Đốn" có nghĩa là vùng trũng giữa các đỉnh núi bị nước nhấn chìm). Vào đầu tháng 3 năm 2007, nước hồ Đốn bất ngờ cạn khô. Điều kỳ lạ là đến giữa tháng 6 cùng năm, sau trận mưa lớn, nước hồ lại dâng lên cao.
Để tìm hiểu rõ thực hư về hồ Đốn bí ẩn này, phóng viên của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã ba lần đến tận nơi ghi hình và đưa tin trên các chương trình như Thời sự, Khám phá Thế giới, Khám phá Khoa học… thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia học giả trên khắp cả nước.
Theo ghi nhận của CCTV, vào đêm khuya ngày 9 tháng 3 năm 2007, một sự việc kỳ lạ đã xảy ra tại thôn Lộng Xuân. Những người dân làng đang say giấc bỗng nghe thấy tiếng ầm ầm phát ra từ hướng hồ Đốn – một hồ nước nằm giữa thung lũng phía sau làng. Tiếp đó là một tiếng ù ù kỳ lạ kéo dài liên tục. Giữa và phía góc tây nam của hồ Đốn, xuất hiện những xoáy nước khổng lồ đang quay cuồng hút nước xuống. Mực nước hồ bắt đầu giảm dần.
Sáng hôm sau, dân làng chạy ra hồ thì thấy nước đã rút xuống hơn 1 mét. Ở giữa hồ và bờ tây nam, những xoáy nước khổng lồ như những "chiếc miệng háu đói" đang nuốt chửng nước xuống lòng đất. Tiếng ù ù kỳ lạ kia chính là âm thanh phát ra từ những "miệng" này. Mực nước hồ giảm từ hai đến ba mét mỗi ngày. Đến chiều ngày 14, khoảng 85% nước đã biến mất, đáy hồ đã lộ ra. Hồ sắp cạn khô!
Trong ký ức của người dân, hồ Đốn trước đây không phải là hồ mà là một thung lũng trồng trọt. Có lẽ do có dòng sông ngầm chảy qua, nên mỗi khi mưa lớn vào tháng 5, tháng 6, nước từ nhiều mạch nước ngầm trong thung lũng sẽ trào lên, nhấn chìm đất đai và cây trồng. Cá từ sông ngầm cũng theo dòng nước trồi lên tranh nhau ăn lúa non và cỏ dại. Khi mưa tạnh, nước lũ trong thung lũng nhanh chóng rút đi, chỉ còn lại một ít cá tôm không kịp "rút lui" nhảy loi choi trên đồng ruộng, trở thành món ngon trên bàn ăn của người dân địa phương.
Tuy nhiên, mùa hè năm 1999, một trận mưa lớn bất thường đã xảy ra. Nước sông ngầm trong thung lũng dâng cao hơn 20 mét và không rút xuống, tạo nên cảnh tượng hùng vĩ là non cao và hồ nước bằng phẳng. Dòng nước ngầm tuôn chảy không ngừng khiến thung lũng trở nên xanh mát, cá tôm đầy ắp, diện tích mặt nước ổn định trên 400 mẫu, trở thành một "hồ trên núi" thực sự.
Sau sự ngỡ ngàng ban đầu, người dân địa phương đã mất một phần đất canh tác nhưng họ đã thích nghi bằng cách đóng bè, đan lưới, ngày ngày làm ruộng và đánh cá. Thế nhưng, khi người dân đang quen với cuộc sống của vùng đất cá tôm, thì tạo hóa lại trêu ngươi mang nước hồ Đốn đi mất.
Giải thích của chuyên gia: Hồ Đốn là hồ Karst
Nguyên nhân nào khiến hồ Đốn bỗng dưng cạn khô? Chuyên gia Chu Đức Hạo (Viện Nghiên cứu Địa chất Địa hình Karst, Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc) cho biết hồ Đốn thuộc loại hồ Karst. Hồ Karst, còn gọi là "hồ đá vôi", phân bố rộng rãi ở các vùng đá vôi. Hồ Karst là một dạng hồ xói mòn, có thể được hình thành do nước có tính ăn mòn hòa tan đá vôi tạo thành vùng trũng tích nước, hoặc do nước ngầm hòa tan muối trong đất gây sụt lún tạo thành hồ sụt.
Chuyên gia Chu Đức Hạo cho biết thêm, các hồ Karst ở Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các tỉnh Quý Châu, Quảng Tây và Vân Nam, nơi địa hình Karst phát triển, chủ yếu do sự đứt gãy và sụt lún của địa tầng. "Lượng mưa ở miền Nam khá lớn, nước bề mặt thường chảy qua các hố nước. Nhưng khi các hố nước bị cành cây, đá, bùn cát từ thượng nguồn trôi xuống bịt kín, nước không thể thoát đi, tích tụ lại thành hồ."
Hồ Đốn tái hiện diện mạo xưa
"Hồ Đốn lại có nước rồi!". Ba tháng sau khi đột ngột cạn khô, hồ Đốn bất ngờ tái xuất hiện. Sự thay đổi của hồ Đốn trong năm 2007 khiến người dân địa phương cảm thấy như một câu chuyện thần thoại. Trưởng thôn Lộng Xuân - ông Lam Thường Đạt, cho biết nước bắt đầu dâng lên vào ngày 24 tháng 5.
Đêm hôm trước ngày 24, khu vực này có mưa lớn. Sáng sớm hôm sau, một số người dân đã mang dụng cụ đánh cá ra hồ. Ông Lam Thường Đạt kể lại, cảnh tượng lúc đó vô cùng hùng vĩ. Hàng trăm hang đá đều phun nước ầm ầm. Những hang lớn có đường kính hơn hai mét, hang nhỏ cũng ba bốn mươi cm. Nước phun ra trong vắt và mát lạnh. Nhiều người dân còn ra ven cửa hang để nghịch nước.
Hơn 10 ngày sau, nước hồ dần dâng lên dần. Ngày 15 tháng 6, khi ông quay lại hồ đã thấy diện tích mặt nước đã rộng khoảng 200 mẫu, tương đương hơn một nửa so với trước khi cạn. Ông Lam Thường Đạt cho biết thêm, những ngày sau đó, họ thường xuyên ra hồ đo đạc và thấy mực nước vẫn dâng lên với tốc độ khoảng 10 cm mỗi ngày. Ngày 7 tháng 2 năm 2009, khi phóng viên của CCTV đến thôn Lộng Xuân lần thứ ba, nước hồ Đốn đã dâng lên gần bằng ba phần tư so với trước khi cạn.
Theo Nguyệt Phạm/Người đưa tin