Ngày 3/9/1735, Càn Long đăng cơ trở thành vị hoàng đế thứ 6 của triều đại nhà Thanh. Nửa năm sau đăng cơ, Hoàng đế Càn Long bắt đầu cải tạo nơi ở trong hoàng cung.
Năm Ung Chính thứ mười một (1733), Tứ Hoàng tử Hoằng Lịch (Hoàng đế Càn Long) được phong làm Bảo Thân vương, chỗ ở được ban tên Nhạc Thiện đường, về sau khi Càn Long đăng cơ thì chiếu theo lệ phải nâng cấp Tiềm Để (tên gọi chung nơi ở của hoàng tử trước khi lên làm hoàng đế) thành "Cung" và lấy tên là Trọng Hoa cung.
Trước thời nhà Thanh, không gian sinh hoạt của Hoàng đế không quá rộng rãi, ít tu bổ những công trình kiến trúc, cùng lắm là chỉ bổ sung thêm những nơi phục vụ mục đích nhỏ lẻ và hoàn toàn không xây thêm những tòa kiến trúc mới.
Hoàng đế Càn Long khi vừa lên ngôi đã thay đổi tất cả hiện trạng này. Ông không muốn sống như cha mình là vua Ung Chính, suốt ngày chỉ biết ngồi phê tấu chương mệt mỏi trong Dưỡng Tâm điện. Cuộc sống như vậy khiến Càn Long không thể chịu đựng được nên ông quyết định mở rộng không gian sống cho riêng mình.
Đầu tiên, ông khai thông Càn Tây đầu sở và nhị sở, dựng thêm một sân khấu diễn kịch ở khu vực chính giữa nội viện lấy tên là Trọng Thiềm đài. Ngoài Thái hậu và Vương công đại thần có thể xem kịch, còn có những quan đứng đầu của Hồi bộ và Phiên bộ đôi khi cũng được mời đến tham dự.
Năm 1739, Càn Tây tứ sở và ngũ sở bị dỡ bỏ, sau đó được cải tạo thành Kiến Phúc cung và hoa viên. Vì cách xa nơi ở của Thái hậu và Phi tần nên hoa viên Kiến Phúc cung cũng coi như là thuộc về cá nhân của hoàng đế.
Tám năm sau, quá trình cải tạo Trọng Hoa cung hoàn thành.
Trọng Hoa cung là nơi tổ chức các lễ nghi và cũng là nơi thư giãn vui chơi, là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều công năng và tương đối độc lập. Sự xuất hiện của Trọng Hoa cung đã phá vỡ nguyên tắc và mở rộng không gian sống của Hoàng đế. Đương nhiên là mục đích sâu xa của việc cải tạo Trọng Hoa cung của Càn Long không chỉ dừng ở đó.
Ngày thứ hai sau lập xuân năm 1745, Càn Long cho triệu tập các đại học sĩ và Viện Hàn lâm lần đầu tiên đến Trọng Hoa cung ban yến tiệc và tổ chức liên cú (hình thức làm thơ cổ do mỗi người đề một câu nối tiếp nhau), về sau thì tổ chức định kì vào dịp năm mới mỗi năm.
Trọng Hoa cung tọa lạc ở sâu trong Nội Đình của Tử Cấm Thành, nghiêm cấm các quan ngoại thần tiến vào. Đến thời Hoàng đế Càn Long thì nguyên tắc này đã bị phá vỡ nhưng tất nhiên vẫn phải được sự ban chỉ của Càn Long.
Vậy nên, có thể được hoàng đế đề bút ban phúc, tham dự tiệc trà và liên cú, đôi khi chỉ được ngồi xem kịch cũng đều là thể hiện sự tín nhiệm và ân sủng của hoàng đế.
Theo PV / Pháp luật và Bạn đọc