Nhiều người tin rằng, những đứa trẻ do Hoàng đế sinh ra đều rất hạnh phúc, có cuộc sống đầy đủ trong nhung lụa, không phải lo lắng nhiều về cơm ăn áo mặc, không cần phấn đấu cũng có thể được phong Vương, thậm chí là còn có cơ hội trở thành Hoàng đế tiếp theo. Nhưng đây chỉ là một mặt tích cực nhất của những đứa trẻ sinh ra trong Hoàng tộc.
Như chúng ta đều biết, hậu cung của Hoàng đế có hàng nghìn mỹ nữ và họ sẽ có thể hạ sinh rất nhiều đứa con mang dòng máu cao quý. Hoàng đế có nhiều con nhưng chỉ có 1 người duy nhất được thừa kế ngôi báu. Đối mặt với tình cảnh này, các cuộc đấu tranh của phi tần hậu cung và những màn tranh giành quyền lực của các Hoàng tử đã nổ ra.
Thế nhưng không phải vị Hoàng tử nào cũng chủ động tham gia cuộc chiến giành ngôi báu. Xuyên suốt lịch sử Trung Hoa có rất nhiều vị Hoàng tử như vậy, không muốn tranh giành ngai vàng nhưng cuối cùng lại trở thành Hoàng đế. Trong số đó có Lý Thầm, tức Đường Tuyên Tông.
Lý Thầm vốn mang tên là Lý Di, là Hoàng tử thứ 12 của Đường Hiến Tông Lý Thuần, thời nhà Đường. Mẹ của Lý Thầm là thị nữ Trinh thị trong cung của Quách Quý phi. Sau đó bà được Đường Hiến Tông sủng hạnh rồi hạ sinh Lý Di.
Thuở còn bé, ai ai cũng nghĩ Lý Di không quá thông minh. Mẹ ruột của ông có thân phận rất thấp bé, chính vì vậy địa vị của Lý Di cũng không quá nổi bật. Từ nhỏ ông đã tự ý thức mình hoàn toàn không phải là đối thủ của các Hoàng tử khác, cho nên chưa từng nghĩ đến chuyện tranh giành Hoàng vị.
Vì thân phận hèn mọn của mẹ ruột, Lý Di thường bị các Hoàng tử khác trêu ghẹo và chế giễu. Ban đầu ông còn muốn phản kháng nhưng dần dà cảm thấy chống cự không những không có tác dụng mà còn ảnh hưởng đến mẹ, nên ông đã buông xuôi. Theo thời gian, Lý Di hình thành nên tính cách trầm tĩnh, không đánh trả hay hồi đáp những lời trêu ghẹo từ người xung quanh.
Có lẽ từ lúc đó, trong mắt mọi người, Lý Di chỉ là một kẻ ngốc nghếch. Lâu dần, đến cả Đường Hiến Tông cũng tin người con này thật sự không phát triển trí tuệ.
Sau khi Đường Hiến Tông băng hà, nhà Đường trải qua 4 đời Hoàng đế khác là Đường Mục Tông Lý Hằng, Đường Kính Tông Lý Đam, Đường Văn Tông Lý Ngang và Đường Vũ Tông Lý Viêm. Sau khi Đường Vũ Tông qua đời, Lý Di mới lên ngôi Hoàng đế, tính đến thời điểm đó ông đã "giả điên giả khùng" được 36 năm và không bị một ai phát hiện.
Năm 846, khi Đường Vũ Tông lâm trọng bệnh, các hoạn quan đang khuynh đảo triều chính và muốn lập Hoàng đế mới có tâm trí ngu dốt để dễ dàng thao túng. Lý Di đã trở thành lựa chọn tốt nhất của chúng. Lúc đó, Lý Di đổi tên thành Lý Thầm, vài ngày sau liền tức vị, sử gọi là Đường Tuyên Tông.
Vừa lên ngôi, Đường Tuyên Tông như trở thành con người khác, thể hiện sự thông minh, nhanh trí hơn người. Các hoạn quan đã nghĩ nếu chọn một kẻ ngốc làm Hoàng đế thì toàn bộ thực quyền đều rơi vào tay chúng. Nhưng chúng đã tính sai một điều, Lý Thầm không hề ngu ngốc.
Dưới sự cai trị của Đường Tuyên Tông, chỉ trong vòng 1 năm, các hoạn quan kiêu ngạo và độc đoán đã bị loại bỏ. Đồng thời còn xử tử tể tướng chuyên quyền Lý Đức Dụ, kẻ từng có hiềm khích với ông. Không chỉ vậy, ông còn thương dân như con, xem trọng việc tuyển chọn nhân tài và đặt ra những yêu cầu khắt khe với bản thân và con cái.
Tuy nhiên, những năm cuối đời, Đường Tuyên Tông cũng không khác một số vị Hoàng đế tiền nhiệm, tin vào chuyện ma quỷ và mơ về trường sinh bất tử. Năm 859, vì lạm dụng đan dược của đạo sĩ nên ông đã thay đổi tính tình, nóng nảy thất thường và mắc bệnh nặng rồi băng hà.
Thời kỳ Đường Tuyên Tông trị vì có thể xem là khoảng thời gian thái bình sau cùng của triều đại nhà Đường. Đến khi nhà Đường thật sự diệt vong thì khắp thiên hạ vẫn còn nhiều người tưởng nhớ đến tài đức của ông.
Theo Pháp luật và Bạn đọc