Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, có thể dễ dàng nhận thấy có không ít Hoàng đế bị đánh giá là háo sắc, hoang dâm. Dù vậy, những bậc đế vương được xem như si tình, chung thủy tuy chỉ là thiểu số nhưng cũng không phải không hề có.
Tuy nhiên người si tình tới mức làm ra những hành động biến thái, hoang đường chấn động lịch sử thì có lẽ chỉ có duy nhất một trường hợp. Đó chính là Hoàng đế cuối cùng của nước Hậu Yên - Mộ Dung Hi.
Con đường tới ngai vàng "danh bất chính, ngôn bất thuận" của Hoàng đế 17 tuổi
Mộ Dung Hi (385 – 407), tên tự Đạo Văn, thụy hiệu là (Hậu) Yên Chiêu Văn Đế. Ông là một trong những Hoàng đế của nước Hậu Yên trong lịch sử Trung Hoa.
Sinh thời, Mộ Dung Hi vốn là người con trai út của Vũ Thành Đế Mộ Dung Thùy. Năm 393, ông được vua cha lập làm Hà Gian vương và cũng là một trong số ít những người con trai được phụ thân yêu quý.
Thế nhưng trong chế độ phong kiến vốn duy trì quy tắc "lập trưởng không lập thứ", ông vốn được xem là người có ít cơ hội kế thừa ngai vàng nhất trong hoàng tộc của dòng họ Mộ Dung.
Tuy nhiên sau cái chết của người cháu trai Chiêu Vũ Đế Mộ Dung Thịnh, Mộ Dung Hi nhờ vào mối quan hệ tình ái với người chị dâu là Đinh Thái hậu nên đã có thể hiên ngang bước lên vũ đài chính trị với tư cách của một Hoàng đế khi chỉ mới 17 tuổi.
Sau khi lên ngôi, Mộ Dung Hi đang ở độ tuổi tráng niên đã bắt đầu tuyển không ít mỹ nữ tiến cung. Trong số đó, vị Hoàng đế này đặc biệt sủng ái một cặp "hoa tỷ muội". Đó chính là Phù Nhung Nga và Phù Huấn Anh – con gái của vị quan tên Phù Mô.
Năm 402, Mộ Dung Hi phong Phù Nhung Nga làm Chiêu nghi, sử cũ thường gọi là Phù Chiêu Nghi. Người em Phù Huấn Anh cũng được sắc phong làm Quý tần.
|
Vốn không nằm trong danh sách những người kế vị, Mộ Dung Hi đã tư thông với người chị dâu làm Thái hậu của mình để có thể bước lên ngai vàng. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu). |
Sự sủng ái đặc biệt mà nhà vua dành cho hai chị em Phù thị đã khiến người tình từng giúp ông lên ngôi là Đinh Thái hậu sinh lòng ghen tức. Bấy giờ, Đinh thị cùng người cháu Đinh Tín từng lập mưu hòng phế bỏ Mộ Dung Hi.
Nào ngờ sự việc chưa thành thì âm mưu này đã truyền đến tai nhà vua. Mộ Dung Hi tức giận tới nỗi ép Đinh thị phải tự vẫn và giết chết Đinh Tín.
Muôn vàn giai thoại bất chấp thiên lý chỉ để chiều lòng mỹ nhân
Kể từ khi trừ khử được người tình họ Đinh, vị Hoàng đế này càng thêm tự tung tự tác, sa vào hưởng lạc và tìm đủ mọi cách lấy lòng chị em Phù thị.
Mặc dù sủng ái người em gái là Phù Huấn Anh hơn, nhưng Mộ Dung Hi vẫn dành cho người chị Phù Chiêu nghi một tình cảm rất đặc biệt.
Năm xưa, Phù Chiêu nghi từng có một lần lâm bệnh nặng, nhà vua đã vô cùng lo lắng, tìm kiếm lương y khắp nơi về cung chạy chữa. Khi đó, có một người tên Vương Ôn ở Long Thành, tự xưng là có thể trị hết bệnh cho vị Chiêu nghi họ Phù ấy.
Nào ngờ chỉ vài ngày sau khi dùng thuốc của kẻ này, Phù Chiêu nghi lại đột ngột qua đời. Mộ Dung Hi trong lúc phẫn nộ đã khép Vương Ôn vào tội dối gạt Hoàng đế và cho người phanh thây, thiêu xác.
Kể từ sau cái chết của người chị, Mộ Dung Hi càng dành hết sự sủng ái của mình cho người em Phù Huấn Anh. Ông thậm chí còn lập mỹ nhân này làm Hoàng hậu, đưa bà từ một phi tần bình thường trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ.
Để chiều lòng Phù Hoàng hậu, vị Hoàng đế này dường như có thể làm ra bất cứ việc nào mà không màng tới luân thường đạo lý hay giang sơn xã tắc.
Tương truyền rằng Phù Hoàng hậu lúc sinh thời thường rất thích đi săn bắn và du ngoạn. Mộ Dung Hi vì chiều lòng bà mà từng tổ chức một đợt săn bắn dài ngày vào năm 404. Trong hành trình đi săn vất vả ấy, có trên 5000 binh sĩ hộ tống đã chết vì bị thú dữ tấn công hoặc do thời tiết lạnh giá.
Chưa dừng lại ở đó, vị Hoàng đế ấy còn từng vì Phù Hoàng hậu mà xây dựng một tòa "Thừa Hoa điện" vô cùng nguy nga tráng lệ nhưng cũng rất tốn kém.
Bấy giờ, trong triều có Điển quân Đỗ Tĩnh thấy Hoàng đế sa đà vào nữ sắc, liền đem quan tài vào triều, nguyền lấy cái chết để can gián quân vương. Mộ Dung Hi vô cùng căm giận, lập tức "tác thành" cho vị đại thần này, cho người chém chết Đỗ Tĩnh.
Việc làm biến thái chấn động lịch sử của Hoàng đế si tình hoang đường nhất Trung Hoa
Nếu chỉ dừng lại ở những việc làm trên, Mộ Dung Hi có lẽ sẽ bị coi là một Hoàng đế thích hưởng thụ, sa ngã vì tửu sắc chứ chẳng có lấy nửa điểm chung tình. Thế nhưng sự thực là vị vua này không những mụ mị vì tửu sắc mà còn sẵn sàng làm ra những việc hoang đường vì Hoàng hậu của mình.
Vào mùa hè năm 407, Phù Hoàng hậu không may lâm bệnh qua đời. Theo ghi chép của sử sách, cái chết của bà đã khiến Mộ Dung Hi "đau buồn như mất cha, mất mẹ".
Bấy giờ, Hoàng đế liên tục "điên cuồng khóc lóc", ôm thi thể của vợ mình vào ngực mà lẩm bẩm: "Thi thể đã lạnh, sinh mạng cũng không còn…".
Chỉ đến khi không thể gắng gượng nổi, Mộ Dung Hi đã ngất đi trong nỗi bi thương tột độ. Thời điểm ông tỉnh dậy cũng là lúc thi thể Hoàng hậu đã được đưa đi khâm liệm, nhập quan.
Thế nhưng chính vào thời điểm này, vị Hoàng đế si tình ấy đã làm ra một việc hoang đường, biến thái tới mức chấn động lịch sử Trung Hoa.
Ngay lúc đó, Mộ Dung Hi đã tự tay cậy nắp quan tài, bò vào bên trong để ân ái với thi thể của Phù Huấn Anh trước mắt tất cả bá quan văn võ. Thậm chí hành vi đồi bại này chỉ kết thúc khi di thể của Hoàng hậu đã bốc mùi phân hủy.
Ông còn ép tất cả triều thần đều phải "than khóc" cho Phù Hoàng hậu theo đúng nghĩa đen. Phàm là những ai không rơi nước mắt đều sẽ bị nhà vua trừng phạt bằng cách nhét ớt vào miệng tới khi khóc được mới thôi.
Không những vậy, vào ngày đưa tang ái thê của mình, Mộ Dung Hi còn xuất hiện trong bộ dạng chẳng hề có dáng vẻ, khí phách của bậc quân vương: Tóc tai bù xù, y phục lôi thôi, chân còn chẳng hề mang giày.
Vào ngày đưa tang Phù Hoàng hậu, ông đã đi bộ cùng xe tang trên suốt quãng đường đưa vợ mình về nơi an nghỉ. Nơi chôn cất Phù Huấn Anh cũng được nhà vua xây dựng với chu vi lên tới vài dặm.
Chưa dừng lại ở đó, trên con đường tiễn đưa ngày hôm ấy, xe tang của Hoàng hậu vì quá lớn nên không thể đi qua cổng thành. Mộ Dung Hi thậm chí còn sai người phá dỡ cổng Bắc Môn để đoàn xe có thể đi qua.
Chứng kiến hàng loạt hành động hoang đường của vị Hoàng đế si tình ấy, bách tính Hậu Yên thời bấy giờ chỉ còn biết lắc đầu và truyền tai nhau câu nói: "Mộ Dung thị tự hủy cổng thành, vận mệnh ắt chẳng thể kéo dài".
Quả đúng như lời tiên tri của bách tính, tháng 7 năm ấy, Trung Vệ tướng Phùng Bạt, Tả vệ tướng Trương Hưng vì bất mãn với chính sách tàn bạo của triều đình nên đã liên thủ với những người khác, tôn một nhân vật trong hoàng tộc là Mộ Dung Vân làm Thiên vương và dấy binh tạo phản.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, Mộ Dung Vân vốn không phải là con cháu ruột thịt của gia tộc Mộ Dung. Tên thật của ông là Cao Vân, người gốc Triều Tiên, vốn là dòng dõi quý tộc của Cao Câu Ly và được Mộ Dung Bảo nhận nuôi dưỡng.
Trước cuộc binh biến này, vị Hoàng đế mụ mị vì si tình như Mộ Dung Hi chẳng thể ngăn cản đám loạn binh, chỉ đành thay quần áo dân thường để chạy trốn nhưng vẫn bị bắt được.
Bấy giờ, Mộ Dung Vân đã sai người hạ sát Mộ Dung Hi. Năm ấy, vị Hoàng đế này còn chưa tròn 23 tuổi.
Giờ đây, mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Mộ Dung Hi, hậu thế chẳng thế nhớ nổi bất kỳ thành tựu nào mà chỉ nhắc tới giai thoại về sự si tình tới mức cuồng dại của ông với thái độ đầy chê trách và châm biếm.
Có lẽ, chính sự mụ mị trong tình yêu của vị Hoàng đế trẻ tuổi ấy đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến cơ ngơi ngắn ngủi của gia tộc Mộ Dung buộc phải biến mất trong lịch sử Trung Hoa.
Theo TH (Trí Thức Trẻ)