Tấn Thư ghi lại, Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung, vị hoàng đế thứ hai nhà Tây Tấn có hoàng hậu là Giả Nam Phong, không chỉ nhan sắc tầm thường, xấu xí mà còn tự tiện tham gia triều chính, ép hại thái tử, sinh hoạt bừa bãi, buông thả, đặc biệt thích gian dâm với thiếu niên.
Theo các ghi chép để lại, Giả Nam Phong là con gái của khai quốc công thần Giả Sung, người có công lớn giúp Tư Mã Chiêu - Tư Mã Viêm lập nên nhà Tây Tấn.
Hoàng hậu xấu người xấu tính
Khác với những nhân vật lịch sử nổi tiếng khác, Giả Nam Phong có nhan sắc tầm thường nếu không muốn nói là xấu xí, nàng được miêu tả là vừa thấp lại vừa đen, khuôn mặt không thể gọi là thanh tú.
Hơn nữa, Giả Nam Phong xấu người còn xấu cả nết, nàng có tính cách hung hãn, đố kị rất mạnh. Chính vì vậy, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm mới đầu không đồng ý cho nàng làm thái tử phi.
Chẳng qua là hoàng hậu Dương Diễm lúc đó lấy đại cục làm trọng, lại thêm quân sư Tuân Úc đề nghị, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm mới phê tấu chọn Giả Nam Phong làm thái tử phi, kết đôi với thái tử Tư Mã Trung.
Đáng nói, thái tử Tư Mã Trung vốn dĩ trí tuệ không được như người thường, chàng chậm chạp, khó đọc, khó viết. Đây cũng là lý do khiến Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm tìm cách thử người con trai này.
Tuy vậy, phép thử của Tấn Vũ Đế không đạt được hiệu quả thực sự vì thái tử phi Giả Nam Phong đã dùng chiêu thay mận đổi đào, nhờ người tài trí đáp thay cho thái tử, cuối cùng nhờ cẩn thận kín kẽ, Giả Nam Phong giúp chồng giữ được vị trí thái tử.
Sau, Giả Nam Phong vốn tính hay ghen ghét, khi làm thái tử phi lại càng kiêu căng, hống hách hơn. Khi thấy phi tần khác có thai, vị thái tử phi này có thể mặt không đổi sắc đánh họ sinh non, khiến thái tử Tư Mã Trung sợ hãi, không dám sủng hạnh các phi tần.
Tấn Vũ Đế biết chuyện giận đến tím mặt, định phế bỏ Giả Nam Phong, nhốt lại để răn đe nhưng cuối cùng nhờ hoàng hậu Dương Diễm cầu tình, Giả Nam Phong vẫn giữ được ví trị thái tử phi. Đợi khi thái tử Tư Mã Trung kế vị thành Tấn Huệ Đế, Giả Nam Phong chính thức được phong làm hoàng hậu.
Bước lên ngôi vị thiên hạ, vị hoàng hậu xấu người xấu nết này lại càng hung hãn hơn. Mượn đao giết người, thao túng triều chính, mưu hại trung thần, không chuyện ác nào không làm.
Hoàng hậu phóng đãng thích mỹ nam
Không chỉ vậy, vì Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung ngờ nghệch, hoàng hậu Giả Nam Phong cực kỳ phóng đãng. Không chỉ thông dâm cùng với thái y Trình Cư, ngày thường nàng còn phái người tới bên đường tìm kiếm những thiếu niên xinh đẹp.
Sau khi cưỡng ép những mỹ nam này dâm loạn cùng mình một đêm, Giả Nam Phong sai người đánh chết họ để che giấu hành tung, sự việc truyền ra ngoài khiến người người ghê rợn, phẫn nộ.
Song, kẻ ác làm nhiều điều trái luân thường đạo lý cũng gặp quả báo, vì Giả hoàng hậu quá hung tàn, ngạo ngược, Triệu vương Tư Mã Luân không thể chấp nhận nổi đã tương kế tựu mưu, khép hoàng hậu Giả Nam Phong vào tội làm giả chiếu thư, mưu hại thái tử.
Giả Nam Phong một đời phong quang cuối cùng bị phế, nhốt vào lãnh cung. Không lâu sau đó, một chén rượu độc được ban đến, Giả Nam Phong kết thúc cuộc đời một vị hoàng hậu đầy tai tiếng.
Theo Khoevadep