Theo lời kể của những cụ cao niên trong làng thì “ngài đá” linh thiêng ấy có từ xa xưa, cũng không ai xác định rõ là năm nào. Khi hỏi chuyện thì ai nấy đều bảo rằng khi họ đến đây sinh sống thì phiến đá đã có từ trước rồi, tuy hồi đó phiến đá chưa được mọi người lập đền thờ như bây giờ nhưng người dân vẫn thường hay đến cầu nguyện. Mãi đến sau này khi có điều kiện và có chính quyền đứng ra thì phiến đá ấy mới được lập đền thờ.
Phiến đá thiêng được lập đền thờ
Phiến đá ấy được đặt trong một khu vườn ở làng Thanh Bình, xã Thiên Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh), bên ngoài có biển chỉ dẫn là “Di tích bàn thổ”. Theo quan sát của chúng tôi thì đó là một phiến đá lộ thiên có màu xanh rêu hình bầu dục, chiều dài của phiến đá khoảng 2m, chiều rộng và chiều cao khoảng gần 1m. Bao quanh đền thờ phiến đá là một khuôn viên được xây dựng rộng gần 1.000m2, khuôn viên có đầy đủ mái che, đèn thờ, lư hương và nến để cho mọi người tới thắp hương cầu nguyện.
|
Phiến đá thiêng được người dân lập đền thờ. |
Thoáng nhìn qua thì có thể thấy đó là một phiến đá rất bình thường, thế nhưng người dân nơi đây luôn coi phiến đá là một “vị thần”. Thấy tò mò, chúng tôi hỏi về việc tại sao cả làng lại lập đền thờ một phiến đá như vậy, vì như thế rất dễ gây sự hiếu kỳ cho mọi người. Khi tôi chưa dứt lời thì cô Thanh – người nhà bên đền thờ phiến đá bảo rằng phiến đá ấy giống như một thạch trụ để mang lại đức tin và may mắn cho cả làng: “Nó thiêng lắm chú ơi, thiêng cực kỳ, dân làng ở đây hễ ai mất vật nuôi như trâu bò, ngựa, hay là ai muốn cầu điều gì tốt lành thì đến trước hòn đá đưa lễ và cầu nguyện. Linh nghiệm lắm”!
Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, cụ bà Nguyễn Thị Kỳ (89 tuổi, người dân địa phương), cho hay rằng “ngài đá” rất thiêng và linh nghiệm. “Đứng trước đền thờ mà có ý gian tà hoặc mưu đồ xấu thì sẽ không bao giờ cầu nguyện được. Nếu chú (PV) cầu nguyện gì, thì phải có ít lễ vật để tỏ lòng thành kính với “ngài”. Trong lòng phải có ý hướng thiện, không được gian tà. Nếu như tâm không trong sáng, cầu và làm việc mờ ám thì sẽ không thu được kết quả tốt đâu” - bà giải thích.
“Ngài đá” linh thiêng tìm vật nuôi và mang lại may mắn?
Tiếp mạch câu chuyện, cụ bà Nguyễn Thị Kỳ cho biết rằng cụ sống ở đây cũng nhiều năm, cũng từng chứng kiến rất nhiều trường hợp gặp may mắn nhờ cầu nguyện phiến đá. Theo lời cụ Kỳ thì trong làng xã hễ ai mất vật nuôi đều đi tìm và không thấy, thế nhưng sau khi đến thắp hương cầu nguyện ở phiến đá thì ít lâu sau có người mách bảo và chỉ chỗ tìm vật nuôi cho.
|
Khuôn viên xung quanh đền thờ "ngài đá". |
Nói rồi cụ Kỳ nhớ lại thời điểm cách đây khoảng 5 năm, có anh Sơn ở trong làng Thanh Bình bị mất một con trâu 2 năm rồi. Anh Sơn đi tìm đâu cũng không thấy trâu, thế nhưng sau khi nghe lời mọi người và đến thắp hương cầu nguyện ở phiến đá thì ít lâu sau đó có người báo cho gia đình anh Sơn biết là có phát hiện một con trâu giống trâu của nhà anh ở một địa điểm khác, và khi anh Sơn đến thì đó chính xác là trâu của nhà anh. Đó là một trong rất nhiều trường hợp được cụ Kỳ kể lại.
Tiếp lời cụ Kỳ, cô Hồng – nhà bên cạnh cụ Kỳ cũng kể về một trường hợp, chuyện là hôm đó cô đi chợ huyện mua đồ đạc thì gặp một người đàn ông đang đi tìm ngựa do bị thất lạc. Khi hỏi chuyện thì người kia bảo rằng đã bị mất ngựa hơn 3 ngày rồi, thấy vậy cô Hồng liền bảo người kia rằng: “Anh không phải đi tìm ở đâu nữa đâu, cứ mua một ít lễ vật với nén hương, đi về cùng tôi rồi tôi chỉ cho”. Nghe cô Hồng nói vậy thì người đàn ông kia nửa tin nửa ngờ và làm theo lời cô Hồng đến thắp hương cầu nguyện phiến đá, khi người đàn ông đó cầu nguyện xong và vừa đặt chân về đến nhà thì ngựa đã được một người khác tìm được và tới giao cho gia đình, sau đó thì người kia đã mua lễ vật để cảm tạ lại “ngài đá” – vẫn lời cô Hồng.
Thấy mọi người luôn kể về việc tìm vật nuôi, tôi đã tò mò hỏi về việc phiến đá giúp mọi người cầu may mắn, khi tôi hỏi thì cụ Kỳ đã lý giải rằng về việc cầu may mắn thì cụ cũng không rõ là mọi người cầu gì và kết quả ra sao, bởi vì nếu cầu vật nuôi thì khi vật nuôi trở về cụ mới biết. Cụ chỉ biết một trường hợp là có một người họ hàng của ông Thành trong làng có người con trai đã lấy vợ nhiều năm mà không có con. Khi nghe chuyện thì người đó cũng về làm thử và “xin” trước “ngài đá”, sau đó ít lâu thì nghe dân làng bảo rằng người vợ của người con trai đó đã có tin vui, nói đến đó cụ bảo tiếp: “Nói chung là có sự may mắn, người dân trong làng có con cái thi đi thi cử đều đến cầu nguyện, và đa phần thì ai cũng đạt được kết quả như mong muốn”.
Người dân ở nơi đây cũng cho biết thêm rằng danh tiếng của “ngài đá” ngày càng một vang xa, trước đó thì chỉ bó hẹp trong khuôn viên làng xã còn bây giờ thì hàng ngày có rất nhiều người tới thắp hương và cầu nguyện trước đền của “ngài”. Cô Hồng cho biết cứ vào ngày mồng 1 và ngày 14 âm lịch, lượng người tới thắp hương ở đền “ngài đá” đông nghịt, có nhiều người ở những tỉnh xa như Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình cũng tới. Biết sự linh thiêng của “ngài đá” nên mọi người đến thường cầu phúc, an lành, mong cho gia đình yên ổn, con cái thi cử đỗ đạt…
Cũng chính vì sự linh thiêng ấy, mà người dân ở trong làng cứ đến mùa là làm lễ “nếp mới” để dâng lên “ngài đá” nhằm cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, làm ăn bội thu. Sự linh thiêng của “ngài đá” còn thể hiện ở các cây cối xung quanh khuôn viên không bao giờ bị đổ gãy, cho dù mưa to gió lớn đến thế nào.
Vén màn bí ẩn
Để hiểu rõ hơn về những gì mà người dân trong làng kể về phiến đá, tôi đã tìm đến nhà ông Lê Đình Luyện – một cán bộ về hưu trong làng, ông Luyện là người thường xuyên dẫn các đoàn người từ xa tới thắp hương ở phiến đá và cũng là người hiểu rõ chuyện nhất về những chuyện đồn đại ly kỳ xung quanh phiến đá. Tiếp tôi, ông Luyện cho biết đó là một ngôi đền thờ thổ thần, tức là tổ thần của người dân bản xứ, của làng xã. Hiệu của ngôi đền ấy là “bản thổ phúc thần, càn long chi tử”, ông giải thích rằng “phúc” là mang lại sự may mắn nên phiến đá ấy được người dân tôn là vị thần có phúc, hay thường gọi là “thần đá”.
Theo lời ông Luyện từ năm ông 15 tuổi thì phiến đá ấy đã có, và các cây cối xung quanh trong khuôn viên cũng có từ ngày đó và không bao giờ đổ, khi hỏi chuyện về việc phiến đá mang lại may mắn cho dân làng và giúp tìm lại vật nuôi thì ông Luyện bảo: “Ở mỗi vùng quê thì người ta tường tôn lên những thứ gì linh thiêng để phù hộ cho mình. Cái này gọi là tâm linh và đức tin của con người nhằm an ủi gia sự, cổ vũ động viên tinh thần để cuộc sống tốt hơn. Ngày xưa thì người dân chỉ cầu xin tìm vật nuôi, vì xưa thì chỉ có trâu bò là tài sản quý, và thường hay bị mất nên người ta hay cầu, thấy cũng có kết quả. Từ đó trở đi thì người ta lại đi cầu nguyện làm ăn, đi xa, thi cử…”. Xong rồi ông Luyện giải thích rằng tất nhiên thì cũng có ít linh ứng, nhưng không phải là mê tín một cách mù quáng, tin nhất nhất nhất vào nhờ phiến đá mà sẽ được may mắn tức thì không đúng. Mất trâu bò thì vẫn phải đi tìm, sau đó thì có người mách hộ thôi, còn cầu nguyện may mắn thì cũng có, nhưng cũng xuất phát từ phía cái tâm của con người, sự cố gắng của bản thân là chính.
Ông Luyện luôn nhấn mạnh vào đức tin. Theo ông thì người dân ở đây lập đền thờ “ngài đá” cũng như việc thờ các vị thần thánh ở khắp các ngôi đền, ngôi miếu khác: “Cũng không hẳn là mê tín và tin vào tuyệt đối, nhưng mà có thờ có thiêng, phải không chú”! – ông Luyện chia sẻ.
Nói rồi ông Luyện dẫn tôi tới nhà anh Sơn – người mà theo lời kể của cụ bà Nguyễn Thị Kỳ là cách đây vài năm có mất một con trâu và sau đó cầu nguyện phiến đá thì tìm lại được trâu. Khi tôi hỏi chuyện, anh Sơn liền cười và bảo: “Đúng là hồi đó tôi cũng có mất trâu, tưởng là mất rồi nhưng sau đó thì tìm lại được”. Sau đó anh Sơn cũng giải thích rằng việc nhà anh tìm được trâu là do may mắn và do phúc lộc trời ban, còn việc nhờ phiến đá giúp tìm vật nuôi thì anh bảo rằng đó cũng là do sự trùng hợp, vì anh cũng không dám khẳng định là việc phiến đá giúp anh tìm được trâu, như thế sẽ gây ra sự mê tín cho mọi người. Việc thờ phiến đá thì anh là người ở trong làng, tất nhiên anh cũng có thờ, tuy nhiên anh đều thành tâm và xuất phát từ đức tin của phía bản thân, không hề có sự mê tín.
Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi về phiến đá lạ ở làng Thanh Bình được người dân thờ phụng, ông Lê Văn Nhiếu - chủ tịch UBND xã Thanh Lộc cũng khẳng định là không hề có sự mê tín dị đoan, mua thần bán thánh gì ở đây cả. Về việc người dân thờ cúng phiến đá thì ông cho rằng đó là đức tin của con người, nên vẫn để mọi người tín ngưỡng, vấn đề là không hề để sự mê tín lấn áp là được. Ông Nhiếu cũng cho biết là chính quyền xã cũng đã giao cho Hội người cao tuổi của xã đứng ra quản lý ngôi đền, nên sẽ không phát sinh và xảy ra bất cứ vấn đề gì.
Đức Hùng - Hà Kiều