Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật 990 m2 thuộc khu vực Chính điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long. Hố khai quật nằm giữa vị trí nhà Cục tác chiến và Đoan Môn, xung quanh là các vị trí từng được khai quật trước đó. Kết quả khai quật tiếp tục làm phát lộ dấu tích kiến trúc của các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng…
Các nhà khảo cổ tìm thấy hàng nghìn hiện vật khảo cổ gồm các loại gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá… Tiêu biểu nhất là mảnh mô hình tháp đất nung thời Trần. Các di vật là các loại vật liệu xây dựng Hoàng cung Thăng Long, đồ dùng sinh hoạt Hoàng cung thời kỳ Thăng Long và một số ít thuộc thời tiền Thăng Long.
PGS.TS Tống Trung Tín chủ trì cuộc hội thảo đầu bờ được tổ chức tại hố khai quật sáng 22/11. Ảnh: Phạm Sỹ.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín - phụ trách công trường khai quật - địa tầng Thời Lê sơ và Lê trung hưng tiếp tục phát lộ dấu tích sân Đan Trì, đường Ngự Đạo. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất lộ Ngự Đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh Ngự Đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng.
Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của Đoan Môn, hố thám sát ở giữa lòng nhà xuất lộ hàng gạch bó 2 lớp chạy theo chiều Đông - Tây có khả năng là hàng gạch bó nền ngăn sân Đại Triều làm 2 cấp khác nhau. PGS.TS Tống Trung Tín đưa ra giả thiết nêu trên, tuy nhiên để làm rõ vấn đề này ông cho rằng vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm.
Cuộc khai quật này cũng làm xuất hiện móng Ngự đạo và vật liệu đá có thể được dùng để lát mặt Ngự đạo. Dấu vết Ngự đạo bị phá huỷ nghiêm trọng bởi các công trình giai đoạn sau.
Hướng đến khôi phục Chính điện Kính Thiên
Các nhà khoa học, nhà khảo cổ học nhất trí cao khi cho rằng cuộc khai quật năm 2022 đã thu được kết quả quan trọng, tiếp tục mở ra những nhận thức mới về các giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long.
Các mảnh mô hình tháp đất nung thời Trần được tìm thấy trong đợt khai quật năm 2022. Ảnh: Gia Linh.
Cuộc khai quật khẳng định dưới lòng đất khu vực Trung tâm Cấm thành còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã trong thời gian tới: cấu trúc chi tiết và tổng thể của Đan Trì như thế nào, các cấp nền Đan Trì cao thấp và quy mô phân cấp đến đâu, các làn đường nhỏ trên sân Đan Trì đã phát hiện, dấu tích có còn ở hướng Bắc và hướng Nam không?
Rõ ràng, cấu trúc Ngự Đạo, Đan Trì phức tạp hơn nhận thức trước đây rất nhiều và như thế, cấu trúc tổng thể của Đan Trì và cấu trúc tổng thể của không gian rộng 35.000 m2 hẳn còn nhiều điều thú vị hơn nữa mà ta chưa thể biết ngay được.
Hố khai quật nằm giữa vị trí nhà Cục tác chiến và Đoan Môn, xung quanh là các vị trí đã từng được khai quật trước đó. Ảnh: Phạm Sỹ.
“Hầu hết quy mô và cấu trúc của kiến trúc Lý đều chưa được làm rõ. Mặt bằng và các di tích thời Trần càng rắc rối và khó hiểu nếu không nói là khó hiểu nhất ở khu vực này cũng như trong tổng thể di sản bởi nhiều lý do khách quan. Tuy nhiên, câu chuyện về các di tích khảo cổ học xưa nay luôn là như vậy, vẫn luôn luôn cần nghiên cứu từng bước”, PGS.TS Tống Trung Tín nói.
Cuộc khai quật khảo cổ học năm 2022 tiếp tục phát hiện nhiều tư liệu rất mới góp phần để làm rõ hơn các di tích khảo cổ ở khu vực Trung tâm qua hàng nghìn năm lịch sử. Kết quả góp phần cho giới nghiên cứu hiểu sâu sắc thêm nhiều giá trị của Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, nhất là có thêm nhiều tư liệu mang tính xác thực cao nhằm khôi phục không gian chính điện Kính Thiên.
Các nhà khoa học, nhà khảo cổ học cho rằng cần xác định hướng đi và xây dựng hồ sơ nộp cho UNESCO. Ông Phạm Vinh Quang, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO đề xuất áp dụng khoa học công nghệ đối với những hoạt động khảo cổ để đạt kết quả tốt nhất, tăng cường giá trị nổi bật toàn cầu của di tích Hoàng thành Thăng Long, xác định mục tiêu cuối cùng là khôi phục chính điện Kính Thiên.
"Chúng ta phải khôi phục lại không gian điện Kính Thiên. Muốn khôi phục lại điện Kính Thiên chúng ta phải xác định được cần khôi phục cái gì vào thời đại nào và như thế nào. Có một cách tiếp cận khác là chúng ta không khôi phục nguyên bản điện Kính Thiên mà khôi phục không gian điện. Trong không gian đó chúng thể hiện nhiều thời kỳ khác nhau. Điện Kính Thiên sau khi được khôi phục sẽ là không gian để thực hành giá trị di sản văn hóa phi vật thể", ông Phạm Vinh Quang nêu.
Dấu vết "bồn hoa" thời Trần
Cùng với hai phát hiện đặc biệt quan trọng là dấu tích Đan Trì và Ngự đạo, cuộc khai quật năm 2022 cũng cho thấy một mô hình kiến trúc mới thời Trần là dấu vết “bồn hoa” dạng chữ nhật/gần vuông, được xây bằng gạch bìa đỏ, xếp thành các hàng.
Các “bồn hoa” thường bị phá hủy mất 2 hoặc 3 cạnh thậm chí có những bồn hoa chỉ còn lại 1- 2 viên gạch bó. Kỹ thuật xây dựng của các bồn hoa tương đối đồng nhất, dùng gạch bó thành 2 lớp: một hàng gạch xếp nghiêng bên trong và một hàng bó chèn phía ngoài, hai hàng gạch này được gia cố chắc chắn, phần lớn gạch đều bị vỡ đôi, hoặc vỡ phần lớn.
Về vị trí phân bố, các bồn hoa tập trung tại hai nửa phía Đông và phía Tây của hố khai quật, trong đó tập trung chủ yếu tại nửa hố phía Đông – vị trí tiếp giáp hố khai quật 2015- phát hiện 7 dấu vết bồn hoa.
Liên hệ với 3 dấu vết bồn hoa đã xuất lộ trước đó trong cuộc khai quật 2015, các nhà khoa học phát hiện tổng cộng 10 bồn hoa, tạo thành 3 hàng liền kề nhau, các ô bồn hoa được thiết kế cân xứng nhau, ô ở giữa to và các ô bồn hoa ở hai đầu nhỏ hơn. Về niên đại, dựa vào địa tầng cũng như vật liệu xây dựng, có thể xác định nhóm “bồn hoa” có niên đại vào khoảng thế kỷ XIV, cuối thời Trần.
Theo Gia Linh/Tiền phong