Khám phá 4 cổ vật triều Nguyễn vừa trở thành Bảo vật quốc gia

Google News

Việc công nhận các hiện vật này là Bảo vật quốc gia góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đồng thời thu hút sự quan tâm của công chúng và du khách dành cho Cố đô Huế.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định công nhận 33 Bảo vật quốc gia, trong đó có 4 Bảo vật quốc gia là cổ vật cung đình triều Nguyễn đang lưu giữ ở Huế.
4 Bảo vật quốc gia này bao gồm: Chuông Ngọ Môn, Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng, Cặp tượng rồng thời Thiệu Trị và Ngai hoàng đế Duy Tân.
Việc công nhận các hiện vật này là Bảo vật quốc gia không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của triều Nguyễn mà còn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, thu hút sự quan tâm của công chúng và du khách dành cho Cố đô Huế.
Chuông Ngọ Môn
Chuông Ngọ Môn là một cổ vật có giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, gắn liền với triều đại nhà Nguyễn (1802–1945). Chuông được treo trong lầu Ngọ Môn – cổng chính của Hoàng thành Huế, nơi từng là trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của đất nước trong suốt thời kỳ nhà Nguyễn.
Ngược dòng thời gian, quả chuông này được đúc vào năm Minh Mạng thứ ba (1822). Hiện vật cao gần 4 thước (1,8m), nặng 1.359 cân (815kg), là một trong những quả chuông có kích thước và trọng lượng lớn nhất trong thời Nguyễn. Chuông này được sử dụng vào các hoạt động mang tính chất lễ nghi, được coi là biểu tượng của Vương triều.
Kham pha 4 co vat trieu Nguyen vua tro thanh Bao vat quoc gia
Chuông Ngọ Môn. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.
Dáng chuông có hình trụ ngắn, bên trên nhỏ, bên dưới hơi phình. Quai chuông là tượng hai con rồng (còn gọi là bồ lao) đấu lưng vào nhau. Trên thân chuông có chạm khắc nhiều họa tiết, hoa văn mang đậm phong cách triều Nguyễn, bao gồm các biểu tượng linh thiêng như rồng, mây và các bài minh thư mang ý nghĩa cầu mong thái bình, thịnh vượng.
Có thể nói, chuông Ngọ Môn không chỉ kể câu chuyện về một thời kỳ lịch sử huy hoàng, mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo và tay nghề điêu luyện của những người thợ đúc đồng Việt Nam thời nhà Nguyễn.
Phù điêu bằng đá thời vua Minh Mạng
Phù điêu bằng đá thời vua Minh Mạng là một cổ vật độc đáo, mang giá trị nghệ thuật và lịch sử cao, gắn với thời kỳ trị vì của vua Minh Mạng (1820–1841), một trong những vị vua nổi bật của triều Nguyễn.
Hiện vật gồm tấm đá cẩm thạch tròn, đường kính 53 cm, ngoài niềng khung gỗ, dưới có giá gỗ mun chạm trổ công phu, trông như tấm gương lớn thường được đặt để chắn tà khí trong chốn hoàng cung, phủ đệ phương Đông.
Kham pha 4 co vat trieu Nguyen vua tro thanh Bao vat quoc gia-Hinh-2
 Phù điêu bằng đá thời vua Minh Mạng. Ảnh: Quốc Lê.
Bức phù điêu được coi là một tuyệt phẩm về nghệ thuật chạm trổ đá quý, thu hút mọi ánh nhìn với những mảng chạm lồi lõm, chi li, tỷ mẩn, cách bố cục không gian đầy sáng tạo. Bằng tài năng đỉnh cao của mình, nghệ nhân xưa đã tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp với các công trình đình tạ, lầu các, cầu cống và các con thuyền, hòa quyện với các yếu tố thiên nhiên như núi non, cổ thụ, mây trời, mặt nước, chim muông… Phần đế bằng gỗ của bức phù điêu cũng được tạo tác hết sức tinh xảo, thể hiện hình tượng rồng vờn mây, giỡn sóng.
Đặc biệt, cổ vật này mang dấu ấn của vua Minh Mạng, thể hiện qua bài thơ "Ngự chế" và bài "Minh" do chính vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn chấp bút.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, phù điêu bằng đá thời vua Minh Mạng là một kiệt tác tiêu biểu, độc đáo, phản ánh sự thịnh vượng của văn hóa cung đình cũng như tài năng điêu khắc - trên cả hai chất liệu đá và gỗ - của nghệ nhân Việt Nam thời bấy giờ.
Ngai hoàng đế Duy Tân
Ngai vàng của hoàng đế Duy Tân là một cổ vật quý giá, phản ánh một giai đoạn trong cuộc đời của một trong những vị vua trẻ tuổi và đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.
Hơn một thế kỷ trước, khi vừa lên ngôi năm 1907, Duy Tân là hoàng đế thứ 11 của triều Nguyễn. Thời điểm lên ngôi, ông chỉ mới 7 tuổi. Để phù hợp với vóc dáng của hoàng đế, triều đình đã cho đặc chế chiếc ngai với kích thước nhỏ dùng trong lễ đăng quang của nhà vua.
Kham pha 4 co vat trieu Nguyen vua tro thanh Bao vat quoc gia-Hinh-3
Ngai hoàng đế Duy Tân. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Chiếc ngai vàng này cao 95 cm, mặt bệ ngồi rộng 58 cm, dài 50 cm, làm bằng gỗ sơn thếp vàng, có thiết kế khá cầu kỳ. Hiện vật được tạo hình với tựa lưng cao, hai tay vịn được chạm khắc hình rồng uốn lượn – biểu tượng của quyền lực tối thượng. Họa tiết trang trí trên ngai bao gồm rồng chầu mặt trời, mây cuộn và nhiều mô típ hoa văn cung đình khác, biểu thị ước muốn rường tồn và thịnh vượng của triều đại.
Hiện vật đặc biệt này không chỉ là biểu tượng của quyền lực hoàng gia mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa về vua Duy Tân (1900–1945), người lên ngôi khi còn là một đứa trẻ và khi trưởng thành được lịch sử khắc ghi nhờ tinh thần yêu nước kiên trung.
Cặp tượng rồng thời Thiệu Trị
Cặp tượng rồng thời Thiệu Trị là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đại diện cho đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và biểu tượng quyền uy của triều Nguyễn dưới thời vua Thiệu Trị (1841–1847). Đây là một trong những cổ vật quý giá, mang giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng đặc biệt.
Được chế tác vào năm 1842, cặp tượng rồng này là đỉnh cao của sự tích hợp, mô phỏng hình dáng của những chiếc "kim ấn bảo tỉ" được đúc dưới các triều từ Minh Mạng đến Thiệu Trị với kiểu thức "hình con rồng cuốn". Hình tượng rồng ở hiện vật được thể hiện trong tư thế uyển chuyển, mạnh mẽ, với thân hình uốn lượn, đầu ngẩng cao và miệng há. Phần vảy rồng, móng vuốt và bờm được chạm khắc tỉ mỉ, sống động.
Kham pha 4 co vat trieu Nguyen vua tro thanh Bao vat quoc gia-Hinh-4
Một bức tượng trong cặp tượng rồng thời Thiệu Trị. Ảnh: Báo Văn Hóa.
Cặp tượng rồng này nguyên được đặt trước hiên điện Càn Thành, là không gian sinh hoạt và làm việc hằng ngày của nhà vua.
Cũng như nhiều cổ vật cung đình triều Nguyễn mang hình tượng rồng khác, cặp tượng rồng thời Thiệu Trị mang ý nghĩa biểu trưng cho vai trò "thiên tử" của vua, thể hiện quyền lực vững mạnh của vương quyền cùng khát vọng đất nước thái hòa, thịnh trị, nhân dân thái bình, ấm no…

Mời quý độc giả xem thêm video: Chuyên gia hoang mang phát hiện cổ vật khổng lồ 300.000 năm


Thanh Bình