Căn phòng Hổ phách
Căn phòng Hổ phách (Amber Room) được đặt trong cung điện Catherine (cung điện được đặt tên theo tên của vợ Peter đại đế) ở Tsarskoe Selo, St. Petersburg, Nga. Được xây dựng vào thế kỷ 18, tường của Căn phòng Hổ phách được được dát toàn bộ bằng hổ phách, đồ trang trí bằng vàng, hổ phách, các loại đá quý và các tấm gương lớn.
Kho báu cổ xưa này là món quà Friedrich I - vua đầu tiên của nước Phổ tặng cho sa hoàng Nga Pier Đại đế năm 1716.
Căn phòng Hổ phách quý giá này bị Đức quốc xã cướp phá khoảng năm 1941 và được đưa về lâu đài Königsberg. kể từ đó, tung tích của Căn phòng Hổ phách biến mất bí ẩn. Nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải về số phận của căn phòng hổ phách. Tuy nhiên, cho đến nay, tung tích của kho báu cực giá trị này vẫn còn là một bí ẩn.
Hai bức tượng Phật Bamiyan
Hai bức tượng Phật Bamiyan cao 55m và 37m nằm ở thung lũng Bamiyan, Afghanistan. Có niên đại hơn 1.500 năm tuổi, 2 bức tượng này được tạc thẳng vào núi sa thạch từ thế kỷ thứ 6. Đây từng là những pho tượng Phật cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2001, 2 bức tượng Phật Bamiyan này bị phiến quân Hồi giáo cực đoan Taliban cho phát nổ và phá hủy khiến thế giới phẫn nộ.
Kho báu khảo cổ ở thành phố Nimrud
Thành phố Nimrud là một trong những
kho báu khảo cổ lớn nhất Iraq. Nimrud trở thành thủ đô của Đế quốc Assyria dưới thời trị vì của vua Ashurnasirpal II (trị vì từ năm 883 TCN - 859 TCN). Đế chế Assyria trải dài từ vịnh Ba Tư đến biển Địa Trung Hải.
Cung điện của vua Ashurnasirpal II được trang trí bằng ngà voi và những bức phù điêu tuyệt đẹp. Những bức phù điêu bên trong cung điện mô tả chi tiết cuộc sống trong cung điện cổ xưa - nhà vua ngồi trong những bữa yến tiệc, những cảnh săn sư tử hay cảnh chiến trường và nghi lễ tôn giáo. Thêm vào đó, các nhà khảo cổ còn phát hiện những bức tượng con bò đầu người và có cánh (gọi là lamassu) gác cổng cung điện. Các chuyên gia còn khai quật được nhiều cổ vật giá trị khác ở Nimrud.
Tuy nhiên, năm 2015, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã phá hủy các bức phù điêu quý và cho nổ tung một phần thành phố Nimrud. May mắn là phần lớn di vật khảo cổ quý ở Nimrud trước đó được chuyển tới các bảo tàng ở Mosul, Baghdad, Paris, London và những nơi khác. Tuy nhiên, nhiều di vật khảo cổ vẫn còn ở Nimrud bị IS phá hủy hay đem bán trên chợ đen, thu về nguồn lợi khổng lồ.
Tâm Anh (theo Livescience)