Tử Cấm Thành (Cố Cung) là hệ thống cung điện tại Trung Hoa, nơi hoàng thất hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh sinh sống. Với diện tích 720.000m2, đến tận ngày nay, Cố Cung vẫn là cung điện gỗ lớn nhất còn sót lại trên thế giới.
Trong quần thể cung điện huyền bí và lộng lẫy, có một hoa viên với lối kiến trúc trang nhã mang tên cung Kiến Phúc. Không có nhiều sự kiện tiêu biểu được tổ chức tại cung Kiến Phúc song nơi này từng có một nhà kho lưu giữ vô số bảo vật của hoàng tộc nhà Thanh.
Năm 1923, một ngọn lửa bí ẩn đã bùng lên thiêu rụi cung điện này, vô số tranh thư pháp, tranh cổ, ngọc cổ, tượng Phật, đồ thủ công các loại... đã biến thành tro chỉ sau một đêm.
Cháy Tử Cấm Thành và sự bất lực của vị hoàng đế cuối cùng
Vụ cháy được phát hiện lúc 21:00 ngày 27/6/1923, khi này ngọn lửa đã thắp đỏ cả một góc Tử Cấm Thành, bốc lên cao hơn 30m. Lửa lan nhanh, cháy hơn 10 giờ đồng hồ. Dù rất nhiều xe cứu hỏa đã được huy động tới nhưng phải đến 7 giờ sáng hôm sau đám cháy mới thực sự bị dập tắt.
Ngọn lửa đi tới đâu để lại đống đổ nát tới đó. Theo Nội vụ phủ, ước tính có 2.665 tượng Phật bằng vàng đã bị đốt cháy, 435 đồ cổ, 1.157 bức thư pháp và tranh vẽ, cùng hàng chục nghìn cuốn sách cổ đã bị thiêu rụi trong đám cháy. Mất mát này thậm chí không thể tính toán bằng tiền.
Cung Kiến Phúc từng là nơi lưu giữ bộ sưu tập kho báu khổng lồ trước khi bị thiêu rụi. Ảnh: Sohu
Vậy vì sao Tử Cấm Thành bị cháy? Chưa có kết luận cho thấy nguyên nhân trực tiếp của vụ cháy nhưng gốc rễ vấn đề thì đã rõ từ lâu!
Trong những năm tháng phức tạp cuối triều đại nhà Thanh và cả giai đoạn sau đó, Phổ Nghi vẫn sinh sống trong Tử Cấm Thành nhưng không có quyền lực trong tay. Lúc này trong Cố Cung nổi lên vấn nạn trộm cắp vô cùng nhức nhối.
Chính Phổ Nghi đã phát hiện ra đồ đạc trong cung bị tuồn ra ngoài, từ thê thiếp tới cung nữ, thái giám, không ai là không trộm cắp.
Trong cuốn hồi ký "Nửa đời trước của tôi", Hoàng đế Phổ Nghi đau đáu kể lại: "Đế sư của tôi Reginald Johnston, nói rằng ở khu phố ông ấy sống, có rất nhiều tiệm đồ cổ mới mở. Nghe nói những tiệm này đều do thái giám hoặc người của Nội vụ phủ đứng ra mở, thì ra người trong cung đều đang lừa dối."
Trước vấn nạn trộm cắp, Phổ Nghi đã quyết tâm mở một cuộc kiểm kê các bảo vật trong cung, vạch mặt những kẻ trộm cắp. Nhưng người Trung Quốc có câu "sau khi có trộm ắt sẽ có lửa", chỉ ngay sau khi có lệnh kiểm tra cung Kiến Phúc, kẻ nào đó đã phóng hỏa đốt cung điện để che giấu tội lỗi của mình!
17.000 lượng vàng trong đống tro tàn
Sau vụ cháy lớn, người người lao vào cướp những bảo vật còn lại, từ quân lính, quan chức Nội vụ phủ, lính cứu hỏa tới những người ngoại quốc có địa vị đều cướp của, tạo ra một thời khắc chưa từng có trong lịch sử của một Tử Cấm Thành uy nghiêm!
Cảnh tượng hoang tàn tháng 6/1923, sau khi Tử Cấm Thành bị cháy. Ảnh: Sohu
Tới đầu tháng 8, Phổ Nghi và Nội vụ phủ đã dự định tuyển dụng hơn 100 người tới dọn dẹp đám cháy nhưng thấy chi phí quá cao nên quyết định nhượng quyền xử lý đống tro tàn cho một tiệm vàng lớn ở Bắc Kinh. Tiệm vàng này đã xin mua lại đống tro tàn của cung Kiến Phúc với mức giá 500.000 NDT (con số không hề nhỏ ở thời điểm đó).
Lúc ấy, người ta chỉ cười nhạo chủ cửa tiệm kia bỏ tiền mua thứ vô giá trị. Song thứ họ không nhận ra là đám cháy chỉ có thể thiêu rụi đồ gỗ, thư pháp giấy... còn những bảo vật làm bằng vàng thì chỉ bị nấu chảy mà thôi. Tiệm vàng này đã thu thập được tổng cộng 17.000 lượng vàng cốm từ đống tro tàn, giá trị cao vô cùng.
Phổ Nghi cho biết số vàng này đều bị nung chảy từ 2.665 bức tượng Phật vàng trong cung Kiến Phúc. Thật khó để ước tính được giá trị của những bức tượng này khi chúng còn nguyên vẹn!
Theo TamMy/Pháp luật & Bạn đọc