Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Lã Bố là một người kiêu dũng vô song tay cầm cây Phương Thiên Họa Kích, cưỡi ngựa Xích Thố, tung hoành giữa chốn ba quân như chỗ không người, khiến cho kẻ địch chỉ nghe tên mà khiếp vía.
Thế nhưng nhiều sử gia đánh giá Lã Bố chỉ là hạng "hữu dũng vô mưu", tham lợi bỏ nghĩa và háo sắc. Chỉ vì một con ngựa Xích Thố Lã Bố phản Đinh Nguyên theo Đổng Trác. Chỉ vì một nàng Điêu Thuyền, Lã Bố tiếp tục sát hại Đổng Trác theo về với Vương Doãn. Tới khi cơ nhỡ, lưu lạc, được Lưu Bị cho nương tựa, Lã Bố tiếp tục trở mặt, nhân lúc Lưu Bị sơ hở chiếm giữ thành Từ Châu.
Nhưng có ý kiến cho rằng Lã Bố ít nhiều vẫn là một người có nguyên tắc. Điều này thể hiện ở việc năm xưa khi đánh lén Từ Châu, Lữ Bố dù bắt được vợ con Lưu Bị nhưng cũng không có ý làm khó. Sau này, vị võ tướng ấy lại giúp Lưu Bị ngăn chặn âm mưu tấn công từ Viên Thuật.
Theo sử liệu, tháng 6/196, bộ tướng của Lã Bố là Hác Manh nghe lời xúi giục của Viên Thuật bèn phản lại ông, mang quân xông vào phủ Hạ Bì. Nửa đêm Lã Bố không kịp phân biệt người phe nào, chỉ kịp kéo vợ chạy từ nhà vệ sinh vào trại của bộ tướng Cao Thuận. Cao Thuận nghe giọng phản quân là giọng người quận Hà Nội , đoán ra Hác Manh, bèn chấn chỉnh quân sĩ chống trả, quân Hác Manh phải lui.
Sáng ra, thủ hạ của Hác Manh là Tào Tính phản lại Manh, hai bên đánh nhau cùng bị thương. Lã Bố sai Cao Thuận mang quân ra dẹp, giết chết Manh rồi cho Tào Tính lĩnh quân của Manh.
Không giết được Lã Bố, Viên Thuật lại trở mặt làm thân, xin kết thông gia với Lã Bố. Khi dẹp Hác Manh, Lã Bố đã tra ra việc Hác Manh nghe Viên Thuật xúi bẩy nhưng vì tình thế hiện tại chưa trở mặt đánh nhau được nên ông nhận lời.
Viên Thuật thấy Lã Bố ngả theo mình liền sai Kỷ Linh (có bản dịch là Kỳ Linh) mang 3 vạn quân tấn công Tiểu Bái để diệt Lưu Bị. Lúc này Lã Bố chỉ mang 1000 quân bộ và 200 quân kỵ đến nói chuyện giảng hòa với hai bên.
Theo phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, Lã Bố có một cách điều đình rất đặc biệt, ông hỏi tướng của Kỷ Linh và Lưu Bị có thể kéo được cung nặng bao nhiêu cân và bắn xa bao nhiêu.
Sau đó Lã Bố sai quân lính cắm kích cách xa 120 bước (điển tích lưu trong dân gian là 150 bước) vượt xa mức tưởng tượng của mọi người, giao hẹn trước rằng nếu mình có thể bắn tên trúng vào ngạnh kích thì Kỷ Linh và Lưu Bị phải giảng hòa. Sau đó, ông lùi lại, giương cung bắn mạnh, trúng ngay vào ngạnh kích như đã nói. Lưu Bị tạ ơn Lã Bố đã giải nguy còn Kỷ Linh thấy Lã Bố quá kiêu dũng nên cũng rút quân về, không dám trái ý.
Theo PV/Người Đưa Tin