Không nên so sánh tỳ hưu và đất thóp hậu

Google News

(Kiến Thức) - Theo nguyên tắc về khí trong phong thủy, ở nhà sau rộng, trước hẹp (nở hậu), khí sẽ tích tụ lại ở sau nhiều hơn.

"Ở miền Nam, tôi thấy người ta quan niệm đất hóp hậu sẽ tốt vì tương tự như con tỳ hưu vào nhiều ra ít. Điều này nên lý giải thế nào?" - Nguyễn Văn Diễn (Cầu Diễn, Hà Nội).
 Ảnh minh họa.
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương, Công ty Cổ phần Nhà Xuân cho rằng: Trước hết phải khẳng định ngay việc quan niệm như vậy là không khoa học. 
Đất thóp hậu là những mảnh đất có kích thước phía sau nhỏ hơn kích thước mặt tiền. Theo nguyên tắc về khí trong phong thủy, ở nhà sau rộng, trước hẹp (nở hậu), khí sẽ tích tụ lại ở sau nhiều hơn. Còn nhà phía trước rộng, sau hẹp thì nội khí bên trong dễ phát tán ra ngoài, không tụ hội được. Nếu càng đi vào càng bị thu hẹp sẽ thấy tù túng, sắp đặt nội thất trở nên khó khăn. Vì vậy mà cả miền Bắc hay miền Nam mọi người đều kiêng chọn nhà thóp hậu.
Con tỳ hưu xuất phát từ văn hóa Trung Hoa. Với đặc điểm là không có hậu môn nên tỳ hưu được coi là thần giữ của, tiền bạc chỉ có vào mà không có ra. Tuy nhiên, việc đặt tỳ hưu tác dụng thế nào vẫn chưa được kiểm chứng. Hơn nữa, việc "có vào mà không có ra" của tỳ hưu chưa hẳn đã tốt, thậm chí gây hiện tượng "bế khí". 
Chẳng hạn như dòng sông, con suối nước chảy liên tục thì sẽ trong lành, còn ao tù nước đọng có vào không có ra thường sẽ không sạch sẽ. Vì vậy, nếu lấy hình ảnh con tỳ hưu để liên hệ với đất thóp hậu là hoàn toàn không có cơ sở.
Vân Đài