Ngày 23 tháng Chạp hàng năm theo phong tục cổ truyền của người Việt là ngày cúng ông Công, công Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là ba cỗ đầu rau hay chiếc kiềng ba chân ở nhà bếp. Họ là vị thần bảo vệ gia đình và thường được thờ ở nhà bếp nên được gọi là vua Bếp.
Vào ngày này, người ta thường làm lễ tiễn đưa bày tỏ sự tri ân đối với các vị thần đã lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc quan tâm, thu vén gia đình.
|
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm theo phong tục của người Việt là ngày cúng ông Công, công Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. |
Theo quan niệm sau khi tiễn Táo quân, trong nhà vắng bóng thần linh, các gia đình có thể lau dọn bàn thờ trước ngày 30 Tết và có thể tỉa bớt chân hương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc rằng sau ngày 23 tháng Chạp, có nên thắp hương thờ cúng hay không để tránh việc “vong linh cô hồn” vào nhà.
Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa, TS. Nguyễn Văn Vịnh, từ ngày 23 tháng Chạp trở ra gọi là "trạng thái chống quyền lực" của các thần bởi các vị thần như Táo quân, thần Ngũ Phương, Ngũ Hổ lên thiên đình. Mọi người vẫn có thể thắp hương được sau đó nhưng việc cầu mong của gia chủ sẽ không được.
Nếu gia đình có giỗ, vẫn có thể cúng tổ tiên bình thường. Quan niệm không nên thắp hương thờ cúng sau 23 tháng Chạp để tránh việc “vong linh cô hồn” vào nhà là không đúng.
“Quan niệm chung bắt đầu từ 23 tháng Chạp trở ra gọi là trạng thái chống quyền lực của các thánh thần vì vị thần đứng đầu các vị thần như Táo quân, thần Ngũ Phương, Ngũ Hổ lên thiên đình nên mọi người quan niệm đến 30 mới là Tết.
Những ngày sau 23 đến 30 Tết, mọi người vẫn thắp hương được nhưng không cần chọn giờ, chọn ngày, cứ tùy nghi mà làm bởi lúc đó được gọi là trạng thái về không. Nếu gia đình có giỗ chạp vẫn cúng tổ tiên bình thường, không có gì ảnh hưởng, nặng nề”, TS.Vịnh cho biết.
Còn theo ý kiến chuyên gia phong thủy, KTS Phạm Cương - Giám đốc công ty cổ phần Nhà Xuân, sau 23 tháng Chạp, mọi người vẫn thắp hương bình thường. Việc lau dọn ban thờ, tỉa bớt chân nhang có thể tiến hành ngay sau lễ cúng ông Công ông Táo.
"Ban thờ trong nhà thờ thần linh cai quản khu vực đó, sau 23 thì chỉ tiễn ông Táo về trời thôi còn thần linh vẫn cai quản ở đó, không thể nói là vắng bóng thần linh được", KTS Phạm Cương cho hay.
Đồng tình với quan điểm của TS. Vịnh và KTS Phạm Cương, anh Trần Văn Tưởng (Chuyên gia mỹ thuật phong thủy) chia sẻ thêm, thời điểm sau ngày 23, các vị thần linh không có nhà nhưng tổ tiên vẫn còn nên mọi thứ vẫn diễn ra bình thương.
Là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, chia sẻ thêm về cúng Táo quân, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho biết thêm, mọi phong tục có thể biến thể và mọi người có thể cúng ngày 23, 24, 25 đều không có vấn đề gì.
“Phong tục không bao giờ cố định, phong là gió, tục là thói quen, nghĩa là theo gió mà lan xa ra nên có biến thể. Nếu mọi người cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 sẽ không đúng với mẫu gốc nên nhiều người có thể cúng ngày 23, 24, 25 không sao cả. Đó là độ mềm của văn hóa nên rất linh hoạt. Chính bởi vậy việc thắp hương sau 23 tháng Chạp đều không có vấn đề gì”, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho biết.
Theo Hồng Nhung/Khám Phá