Chân dung một thương gia
Lý Tường Quan (1842-1896), tự Phước Trai. Cha ông vốn là người Hoa sang Việt Nam sinh sống, lấy vợ người Việt và sinh được 4 người con. Ông là con thứ 3 sinh ra tại đất Gia Định.
Ông là người có tài, rất thông minh và ham học. Ông tinh thông tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Pháp. Người Hoa tại Chợ lớn đã bầu ông là bang chủ Tiều Châu. Người Pháp nghe tiếng mời ông làm thông ngôn rồi kiêm luôn bang chủ của cả 7 bang người Hoa.
|
Khu nhà mồ bà hộ Xường tại hẽm 79/30 đường Phú Thọ Hòa. |
Nghề thông ngôn thời ấy không đơn giản là chỉ phiên dịch. Người làm thông ngôn có điều kiện biết nhiều thông tin cơ mật và khả năng tiến thân vào bộ máy chính quyền Pháp là điều dễ dàng.
|
Trước ngôi mộ có 2 tượng người bằng đá, hương án, lư hương và bia đều bằng đá. |
Lý Tường Quan hiểu rõ điều đó nhưng bản chất không muốn tiến thân bằng con đường quan lộ. Năm 30 tuổi ông xin nghỉ làm thông ngôn trở về đời sống dân thường làm nghề buôn bán.
Khởi nghiệp đi buôn, ông về miền lục tỉnh mua cá đem ra bán ở Chợ Lớn. Ông bán cả cá khô lẫn cá tươi và có cả một đội thuyền để vận chuyển.
Nhận thấy các ghe thuyền chỉ lưu thông một chiều rất lãng phí, ông nghĩ ngay đến việc chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết từ Chợ Lớn đua đến tận tay người nông dân. Nhờ vậy là chỉ trong thời gian ngắn việc buôn bán của ông phất lên như diều gặp gió.
|
Bia sau ghi tiểu sử và sự nghiệp ông Lý Tường Quan, trước bia có hình thờ. |
Không chỉ buôn bán trong nước, ông mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Các loại cá khô, mắm được ông chế biến bán qua các nước lân cận. Công việc làm ăn của ông thuận lợi nhờ vào sự hiểu biết và tinh thông nhiều ngôn ngữ giúp ông vượt qua được những trở ngại ban đầu.
Cái tên bá hộ Xường bắt đầu vang danh khi ông bước sang lĩnh vực bất động sản. Ông tìm mua những thửa đất giá rẻ ở những vị trí đẹp. Sau đó, ông xây nhà, xây biệt thự rồi cho thuê. Cứ thế ông phát triển và chỉ vài năm sau số nhà đất ông có trong tay con số khá lớn. Có thể nói, nhà đất của ông chiếm hết phân nửa vùng Chợ Lớn và lan rộng ra trong pham vi Gia Định.
Tiếng tăm của ông vang dội. Nhiều người đánh giá, nếu chú Hỏa với 30.000 căn nhà nhưng chỉ được xếp vào hàng thư 4 thì với bá hộ Xường đứng hàng thứ 3, số nhà phải hơn rất nhiều.
Trong khi nhứt Sỹ (huyện Sĩ), nhì Phương (tổng đốc Phương) làm giàu nhờ có các chức vụ trong chính quyền Pháp thì tam Xường (Lý Tường Quan) chỉ nhờ vào năng lực sẵn có của mình để tiến thân, khiến người đời cảm phục.
Mặc dù rất giàu nhưng ông và gia đình vẫn sống trong khuôn khổ và nề nếp, không ăn chơi, hưởng lạc. Ông mất năm 1896 khi chỉ mới 54 tuổi. Con cháu ông tiếp tục cai quản gia sản cho đến năm 1975 thì họ ra sinh sống ở nước ngoài.
Khu mộ bá hộ Xường
Ngôi mộ cổ của vợ chồng bá hộ Xường không to lớn nguy nga, nép mình trong con hẻm nhỏ, ngôi mộ mang đậm nét kiến trúc cổ Trung Hoa. Ngôi mộ nằm trong nhà mồ ngay chính giữa có cửa vòm, hai bên cửa là cặp liễn chữ Hán.
Mộ bằng đá xanh hình chữ nhật 3,4x2,2m, dày 0,3m, nhô cao 0,8m. Đứng trước mộ là 2 tượng người bằng đá, một nam một nữ, mang tên là Lương Phước Thắng và Kiều Thoại Hương.
Hương án được đặt ở giữa bên trên có lư hương. Tất cả đều bằng đá được chạm khắc công phu. Bia trước cũng bằng đá dựng sát ngôi mộ. Trên bia có ba hàng chữ Hán ghi lại phần mộ của ông Lý Tường Quan kèm theo danh tánh các con cùng lập mộ.
Phía sau mộ là một tấm bia lớn được dựng rất trang trọng. Hai bên là liễn đối. Trên bia có khắc hơn 300 chữ Hán với nội dung ghi lại tiểu sử và sự nghiệp của ông Lý Tường Quan. Trước bia còn có tấm hình thờ.
Mộ bà Nguyễn Thị Lâu - vợ ông Lý Tường quan - được xây dựng ngoài trời bên cạnh nhà mồ. Mộ có tường bao quanh, có bia trước bia sau. Tất cả đều bằng đá kiên cố và rất mỹ thuật.
Quần thể nhà mồ và mộ của ông bà Lý Tường Quan đều là di sản quý giá về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và chạm khắc trang trí của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Ngoài ngôi cổ mộ, trên đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 14, quận 5) còn có ngôi từ đường của dòng họ Lý. Sinh thời, căn nhà này là nơi ông bà Lý Tường Quan và các con sinh sống. Hiện cả ngôi mộ và nhà từ đường đều được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Mặc dù đã được công nhận là di tích nhưng mặt tiền và trong sân nhà từ đường dòng họ Lý đã bị nhiều người buôn bán chiếm dụng. Khi chúng tôi có mặt, còn trong giờ làm việc nhưng cửa từ đường đóng chặt. Phải khó khăn lắm những người bên trong mới mở cửa cho chúng tôi vào bên trong ghi hình.
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet