Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Antiquity cho biết kiến trúc lạ lùng nói trên xây bằng hài cốt hóa thạch của hơn 60 con ma mút, mọc lên giữa một miền đất hoang vu và lạnh đến mức không thể hiểu vì sao những người xây nó có thể sống nổi giữa kỷ băng hà.
|
Hiện trường khảo cổ, nơi kiến trúc bí ẩn xây bằng xương "quái thú" kỷ băng hà đang được khai quật. Ảnh: Alex Pryor |
Tổng cộng 51 xương hàm dưới và 64 hộp sọ, cùng một số phần xương khác đã được dùng để dựng nên những bức tường kinh dị của ngôi nhà chỉ khoảng 9m x 9m. Ngoài hài cốt ma mút, các nhà khoa học còn tìm thấy hài cốt tuần lộc, ngựa, gấu, soi, cáo đỏ và cáo Bắc Cực, cũng bị đem làm vật liệu xây dựng hoặc nằm rải rác bên trong nhà.
Đây không phải lần đầu tiên một ngôi nhà bằng xương các "quái thú" kỷ băng hà được phát hiện, nhưng đây là cái vĩ đại nhất và cổ xưa nhất, ước tính tận 20.000 năm tuổi. Khoảng 70 cấu trúc nhỏ hơn và mới hơn từng được tìm thấy trước đó ở Ukraine và đồng bằng phía Tây nước Nga.
Tác giả chính, nhà khảo cổ chuyên về thời kỳ đồ đá cũ – tiến sĩ Alex Pryor từ Đại học Exeter (Anh), cho biết: "Nó cho chúng ta thấy nhiều hơn về cách tổ tiên chúng ta sống sót trong môi trường lạnh lẽo và thù địch một cách tuyệt vọng này, ở đỉnh điểm của kỷ băng hà cuối cùng. Hầu hết các khu định cư khác ở vĩ độ tương tự ở châu Âu đã bị bỏ hoang vào thời điểm đó, nhưng các nhóm người ở đây đã xoay sở để thích nghi và tìm được nguồn thức ăn, nơi ở và nước.
Các kiến trúc bằng xương "quái thú" trước đây được cho là dùng để ở, nhưng với kiến trúc vĩ đại mới – được đặt tên Kosstenki 11 – các nhà khoa học tin rằng nó ít ra phải mang tầm một căn cứ hay là tâm điểm của một trang trại lớn. Người ở đó đã cư trú dài hạn. Nhiều mẩu gỗ, xương, các thứ được người cổ đại dùng làm thuốc, vải, vật trang sức… cũng đã được tìm thấy.
Theo A. Thư/Người Lao Động