Mới đây, một blogger có tới hơn 13.000 theo dõi có tên Shishu Yadu trên trang Baijiahao (Trung Quốc) đã có bài so sánh giữa kim tự tháp Trung Quốc và kim tự tháp Ai Cập nhận về nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo blogger đình đám này, Ai Cập cổ đại ra đời năm 3500 trước Công nguyên, nền văn minh gắn với các kim tự tháp và xác ướp. Còn nền văn minh cổ đại Trung Quốc ra đời năm 2070 trước Công nguyên nổi tiếng với ngọc bích, lụa và đồ sứ.
Chính vì sự ra đời của nền văn minh cổ đại Ai Cập ra đời sớm hơn nên kim tự tháp dường như bí ẩn và nổi tiếng hơn ngọc bích, tơ lụa và đồ sứ của Trung Quốc. Mặc dù kim tự tháp được xây dựng tại Trung Quốc sớm hơn tại Ai Cập.
Văn hóa Hồng Sơn ghi nhận Kim tự tháp đầu tiên
Theo blogger có hơn 13.000 người theo dõi, nền văn hóa Hồng Sơn (ước chừng khoảng 5000 - 6000 năm trước) đã ghi nhận xuất hiện kim tự tháp Trung Quốc đầu tiên. Đây được xem là kho báu của nền văn minh cổ đại Trung Quốc thời kỳ đồ đá mới.
Theo như ghi chép, "kim tự tháp" này được tìm thấy ở phía tây tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Công trình này có dạng hình nón, trông giống như một ngọn núi tự nhiên, đường kính gần 40m, cao 16m, bao bọc xung quanh bởi hơn 30 gò đá với hình dạng giống nhau.
Đã có nhiều ý kiến tranh cãi nổ ra liên quan đến công dụng của kim tự tháp. Một số cho rằng đó là một đàn tế trời, có giả thuyết cho rằng đó là lăng mộ của nhà vua. Tuy nhiên ý kiến được nhiều người đồng tình nhất đó là công dụng của nó là dùng để luyện đồng, vì trên đỉnh núi có rất nhiều nồi luyện kim loại ở nhiệt độ cao. Sau này, người ta đã tìm thấy 1.500 chiếc nồi luyện kim loại được tìm thấy trong kim tự tháp này.
Sự bí ẩn của Kim tự tháp Thiểm Tây
Bên cạnh kim tự tháp đầu tiên được tìm thấy ở phía tây Liêu Ninh thuộc văn hóa Hồng Sơn còn có một nơi khác ở Trung Quốc mà người cổ đại đã xây dựng kim tự tháp, đó là Ngũ Lăng Nguyên ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Kim tự tháp ở đây được cho là lăng mộ của năm vị hoàng đế nhà Tây Hán nên được gọi là Ngũ Lăng Nguyên.
Được biết, những kim tự tháp của Ai Cập cổ đại thực chất chính là lăng mộ của các vị vua. Và toàn bộ chúng đều được xây dựng theo hình chữ "Kim" (金). Vậy liệu lăng mộ của các hoàng đế nhà Tây Hán ở Ngũ Lăng Nguyên có hình dạng giống như những kim tự tháp của Ai Cập?
Điều trùng hợp là trên thực tế, quần thể Ngũ Lăng Nguyên nhìn từ xa cũng giống như những chữ "Kim", càng lại gần càng thấy được kiến trúc uy nghiêm và bề thế, có thể sánh vai cùng với những kim tự tháp ở Ai Cập.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, theo blogger Shishuy Adu, hiện tại vẫn có nhiều quan điểm cho rằng, kim tự tháp ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây không phải là lăng mộ nhà Tây Hán ở Ngũ Lăng Nguyên, mà là "Kim tự tháp Duy Ngô Nhĩ" được xây dựng trên dãy núi Tần Lĩnh cách thành phố Tây An 100km về phía nam.
Các chuyên gia cho biết đã tìm ra được hơn 100 "kim tự tháp Duy Ngô Nhĩ" với các kích cỡ khác nhau. Không những vậy, họ còn tin rằng chính người Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng nên những kim tự tháp này vì tìm thấy các văn tự Thổ Nhĩ Kỳ trên các kim tự tháp.
Tuy nhiên, cho tới hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp, công tác khảo cổ tại khu vực này vẫn chưa có kết quả cuối cùng, nên chưa thể vén bức màn bí ẩn của nó.
Lý giải nguyên nhân Kim tự tháp Trung Quốc ít nổi tiếng hơn nhiều so với kim tự tháp Ai Cập
Theo như ghi chép từ xa xưa cho tới thời điểm hiện tại, Kim tự tháp Giza của Pharaoh Khufu được xem là kim tự tháp lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Ai Cập. Được biết, vị vua này là vị vua thứ hai của vương triều thứ tư ở Ai Cập cổ đại. Pharaoh Khufu sống từ năm 2598 trước Công nguyên đến năm 2566 trước Công nguyên và kim tự tháp khổng lồ mà ông xây dựng đã có lịch sử hơn 4.700 năm.
Blogger Shishuy Adu nhận định, chính việc sở hữu "hàm lượng kỹ thuật không đâu sánh bằng" nên kim tự tháp Ai Cập được xem như là công trình vĩ đại của cả thế giới.
Bóc tách từ những số liệu nghiên cứu của những chuyên gia, những nhà khảo cổ học hàng đầu thế giới. Kim tự tháp Giza lớn nhất Ai Cập được xây dựng bằng 2,3 triệu tảng đá, mỗi tảng đá nặng trung bình 2,5 tấn.
Tuy nhiên, có một vấn đề được đặt ra là vào thời đại của Pharaoh Khufu thì lấy đâu ra những máy cắt hiện đại để cắt những tảng đá khổng lồ. Thậm chí, thời điểm này còn chưa ghi nhận bất kỳ một công cụ nào bằng sắt. Thế nhưng, đáng kinh ngạc, những tảng đá đó đã được người Ai Cập "cắt" cực kỳ phẳng, phẳng đến mức những tảng đá bên trên và bên dưới có thể dễ dàng xếp chồng lên nhau. Không những vậy, những chí lưỡi kiếm mỏng nhất cũng không thể đâm vào khoảng trống giữa các tảng đá.
Chưa dừng lại ở đó, những kiến thức về toán học, vật lý, và thiên văn học được áp dụng trong quá trình xây dựng cũng đi trước thời đại. Các cạnh của kim tự tháp Ai Cập là hình tam giác, và toàn bộ kim tự tháp là một hình nón tam giác. Những người thợ kỳ tài của công trình này đã đưa trọng lượng tập trung ở dưới đáy, càng lên cao trọng lượng càng giảm. Kết cấu hình tam giác này không chỉ ổn định mà còn giúp giảm áp lực lên các lối đi và không gian bên trong kim tự tháp.
Người Ai Cập cổ đại tiếp tục khiến những nhà khoa học hiện đại sau này phải ‘ngả mũ bái phục’ khi tính toán số pi cực kỳ chính xác. Được biết, số pi chính xác ẩn giấu trong hình dạng của kim tự tháp Giza bằng cách chia chu vi đáy của nó cho hai lần chiều cao và kết quả là 3,14159. Các sảnh bên trong kim tự tháp Giza cũng có hình tam giác và độ dài ba cạnh của sảnh hình tam giác là 3:4:5, đây thuộc vào trường hợp đặc biệt của định lý Pythagore.
Điều kinh ngạc cuối cùng của kim tự tháp mệnh danh kỳ quan thiên nhiên hàng đầu thế giới này chính là vị trí. Vị trí của kim tự tháp Giza rất hoàn hảo, nằm ở 29 độ 58 phút 51 giây vĩ độ Bắc, vị trí này khiến nó chịu ảnh hưởng ít nhất từ hoạt động quay của Trái đất, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nó đứng vững hơn 4.700 năm.
Như vậy, từ những thông tin này, theo blogger Shishu Yadu, công nghệ xây dựng kim tự tháp Ai Cập cổ đại cực cao, vượt lên sự hiểu biết của con người hiện đại ngày nay. Chính những điều bí ẩn còn ẩn giấu bên trong khiến kim tự tháp vào thời Ai Cập cổ đại trở thành kỳ tích, càng khiến cho con người ta mong muốn say mê, khám phá.
Ngược lại, tại Trung Quốc, các kim tự tháp được phát hiện như kim tự tháp ở Liêu Tây và Thiểm Tây đều được xây dựng một cách cực kỳ đơn giản, chúng đều được làm bằng hỗn hợp đất và đá, không có nhiều hàm lượng kỹ thuật.
Mặc dù, theo những kết luận của các nhà nghiên cứu, những kim tự tháp trong nền văn hóa Hồng Sơn đã được sử dụng để luyện đồng. Điều này cũng phần nào thể hiện sự phát triển của nền văn minh thời điểm đó. Tuy nhiên, nếu để so sánh với hàm lượng kỹ thuật phong phú và tiên tiến trong các kim tự tháp Ai Cập cổ đại thì quá là khập khiễng và một trời một vực.
Theo SHTT&ST