Theo chỉ dẫn của ông Hai Tuấn, tôi tìm đến ngôi mộ hậu chùa Tây An, dược chân núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Ngôi mộ được xây dựng khá khang trang. Đó là mộ của ông Đoàn Minh Huyên, một đạo sĩ lừng danh nhất vùng Thất Sơn, là tổ sư của môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương, được người dân vùng Thất Sơn huyền thoại coi là Phật Thầy Tây An.
Theo một số thông tin mà chúng tôi nắm được, ông Huyên từng là một cao thủ trong giới võ, biết được phép biến hình. Tuy nhiên, tài nghệ biến hình của ông như thế nào, thì ngay cả những người nghiên cứu về ông cũng không nắm được.
Là người đã từng có 80 năm tu luyện ở Thất Sơn, theo học rất nhiều đạo sĩ tài ba từ thế kỷ trước, nên đạo sĩ Ba Lưới hiểu khá cặn kẽ những môn phái, đạo phép kỳ bí.
Theo ông Ba Lưới, thế võ ấy biến ảo khôn lường đến nỗi, dù ông đã rèn luyện suốt 80 năm vẫn chưa hiểu hết được sự kỳ ảo của nó.
|
Đạo sĩ Ba Lưới. |
Khi đạo sĩ Trường Sơn tự dưng biến mất, ông Ba Lưới tiếp tục theo học nhiều môn võ khác. Trong số các môn võ, ông bỏ khá nhiều thời gian, công sức luyện môn võ siêu hình (hay còn gọi là võ thần).
Môn võ này do đạo sĩ Đoàn Minh Huyên sáng tạo, truyền dạy cho các đệ tử. Ông Ba Lưới cho biết, khi thuần thục môn võ này, đạo sĩ có thể biến hóa như thần, chớp mắt ở chỗ này, nhưng chớp mắt đã ở chỗ khác.
Đạo sĩ Đoàn Minh Huyên chết đi, môn võ bí ẩn này được truyền lại cho các đệ tử. Các đệ tử của ông luyện tập mỗi người một kiểu, sáng tạo môn võ theo những hướng khác nhau rất đa dạng.
Từ phép biến hình, nhân vật nổi danh vùng Thất Sơn thế kỷ trước là Đơn Hùng Tín, đã luyện thành thuật thiên linh, có khả năng biến hóa thân thể, độn thổ, lặn sông cả ngày không cần thở.
Đơn Hùng Tín đã lợi dụng phép biến hình, tổ chức cướp bóc, khiến cả vùng sông nước miền Tây kinh sợ. Thực dân Pháp đã phải dùng cả một đại đội, với súng ống hạng nặng để tiêu diệt tướng cướp này.
Người thứ hai, chính là đạo sĩ Hùng Đởm, còn gọi là Bảy Đởm. Vị đạo sĩ này không chỉ luyện được phép biến hình, mà còn biến xương thịt thành mình đồng da sắt.
Tuy nhiên, đạo sĩ này cũng đã lợi dụng khả năng phi phàm để gây nhiều tội ác và đã phải đền mạng bởi các chiến sĩ cách mạng.
Ông Ba Lưới bảo: “Phép biến hình là môn phái đặc biệt kỳ dị, nhưng nếu không có tâm sáng, thì nó sẽ khiến người luyện phép thành kẻ u mê, rồi làm việc thất đức. Đó là lý do tui không theo học môn võ này. Giờ thì môn phái biến hình đã thất truyền…”.
Người hiểu rõ về Bảy Đởm nhất vùng Thất Sơn huyền bí là ông Út Xanh, 80 tuổi, hiện sống ở xã Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang), cách núi Cấm Sơn chỉ hơn 10km theo đường chim bay.
Ông Út Xanh tướng mạo phương phi, nhưng đôi chân thoái hóa, đi lại rất khó khăn. Ông sống cùng vợ trong căn nhà nhỏ giữa vườn hoang rậm rạp cây cối.
Người dân trong vùng đồn rằng, ông Út Xanh rất giỏi bùa phép, đặc biệt là bùa Lỗ Ban và Thiên Linh, tức phép biến hình.
Tuy nhiên, khi hỏi chuyện bùa ngải, ông Út Xanh chối đây đẩy, nói rằng ông không biết gì. Sau một hồi trò chuyện, thì ông cũng thú nhận rằng, ba của ông chính là một thầy bùa nổi danh thiên hạ.
Thế nhưng, giỏi nhất về phép biến hình thì phải kể đến ông Mười Chi và ông Bảy Đởm. Hai cao thủ này cùng tuổi với ba ông Út Xanh, quen biết nhau và thường xuyên qua lại nhà nhau, nên ông Út Xanh cũng biết nhiều chuyện về họ.
Hai nhân vật cực kỳ hấp dẫn này đều đã xanh cỏ từ mấy chục năm nay, nhưng danh tiếng của họ thì đến nay vẫn còn nức tiếng Nam kỳ lục tỉnh.
Ông Mười Chi tuy biết phép Thiên Linh biến hình, nhưng ông ít sử dụng môn đó. Ông thường dùng bùa Lỗ Ban và bùa Thủy Hỏa để làm việc tốt. Thi thoảng ông chỉ dùng bùa để trêu chọc người đời cho vui, hoặc hại những kẻ ác, kẻ xấu cho bõ ghét. Những chuyện kỳ lạ, khả năng thượng thừa của ông Mười Chi thì kể cả ngày cũng chẳng hết.
Còn Bảy Đởm là nhân vật khét tiếng, một cao thủ luyện phép biến hình, đã đạt được tới cảnh giới mình đồng da sắt. Tuy nhiên, Bảy Đởm sử dụng tài năng của mình làm nhiều điều ác, nên không có hậu.
Cho đến nay, vẫn chưa có những ghi chép chính xác về thân thế Bảy Đởm, mà đạo sĩ Ba Lưới gọi là Hùng Đởm.
|
Ông Út Xanh. |
Một số ghi chép cho rằng Bảy Đởm có xuất thân không rõ ràng, hồi nhỏ chăn bò thuê cho một gia đình ở Núi Sam. Bảy Đởm được một đạo sĩ tu trong núi dạy võ nghệ, truyền cho phép biến hình. Thành cao thủ, Bảy Đởm không chịu ẩn tu, mà xuống núi thành tướng cướp khét tiếng.
Là người từng gặp Bảy Đởm nhiều lần và cũng đã trò chuyện với Bảy Đởm, nên ông Út Xanh biết khá rõ về thân thế nhân vật khá đặc biệt này.
Theo ông Út Xanh, Bảy Đởm quê ở huyện An Phú (An Giang), là người Chà chính cống. Người Chà ở đây thực ra là người Chăm, có nguồn gốc từ Campuchia, gọi là người Chà Và.
Họ là những nhân công từng đào kênh Vĩnh Tế, rồi được Thoại Ngọc Hầu chia đất vùng Châu Giang, rồi định cư đến ngày nay. Người Chà vùng Châu Giang (An Phú), giáp thành phố Châu Đốc vốn nổi tiếng cả vùng về khả năng làm bùa, luyện Thiên Linh, nên Bảy Đởm có nhiều bùa phép cũng không có gì lạ.
Theo mô tả của ông Út Xanh, Bảy Đởm có thân hình nhỏ bé, đen nhẻm. Hình dáng không có gì đặc biệt, nhưng đôi mắt thì sắc lạnh, toàn lòng trắng, thể hiện con người tàn ác, không có hậu.
Ông Út Xanh cũng khẳng định rằng, những người luyện phép biến hình tiếp xúc với oan hồn nhiều, tà khí vây quanh mình, nên đôi mắt thầy bùa chỉ toàn lòng trắng, nhìn rất hãi.
Để luyện phép biến hình, có hai cách. Cách thứ nhất là dùng sọ của những thiếu nữ đồng trinh, cách thứ 2 là dùng các thai nhi sắp đến ngày sinh đẻ.
Để luyện bùa, thầy bùa phải trực tiếp hoặc gián tiếp sát hại những sinh linh này, chiếm đoạt oan hồn của họ, rồi sai khiến những oan hồn đó làm theo ý mình.
Cả hai phương pháp luyện bùa này đều từng rất phổ biến ở núi Tà Lơn bên Campuchia. Tuy nhiên, phương pháp luyện phép biến hình từ những thai nhi phổ biến hơn, được thầy bùa sử dụng nhiều hơn.
Với mong muốn trở thành cao thủ đệ nhất vùng Thất Sơn, Bảy Đởm đã sang Campuchia, Thái Lan, thậm chí đến tận Myanmar để tầm sư học đạo, luyện phép biến hình.
Còn tiếp…