Theo quan niệm xưa: Nếu vong chết vào ngày, giờ xấu sẽ không siêu thoát được mà đi lung tung, quỷ sứ bắt được sẽ tra tấn khiến “vong” khai ra tên họ người nhà để tới “bắt đi”. Người xưa gọi là bị trùng tang. Nếu nặng, thần trùng có thể “bắt” 1 người, 3 người, có thể đến 9 người chết theo trong vòng 3 năm. Để tránh cái đại họa kinh khủng này, người ta thường đưa “vong” lên chùa nhằm trấn áp. Ngôi chùa nổi tiếng và được cho là “nhốt” nhiều vong nhất miền Bắc là chùa Hàm Long, nơi những đàn đom đóm lập lòe tượng trưng cho linh hồn người chết vẫn dập dìu bay lượn kín đặc bầu trời trong buổi chiều chạng vạng.
Lá bùa hình người để “trấn vong”
Khách đến chùa Hàm Long (Bắc Ninh) với mục đích “trấn trùng” thường được nhà chùa phát cho hai loại bùa. Một là tấm bùa hình mặt Phật, phía sau có chữ Nho. Loại thứ 2 làm bằng giấy nhiều màu, quấn thành hình người, mỗi chiều khoảng 3cm. Nhà chùa nói rằng, loại bùa này đã được cao tăng trì chú nên có tác dụng rất mạnh trong việc ngăn chặn các linh hồn lang thang quay về ám hại gia đình, ngoài ra đeo bùa bên người còn tác dụng mang lại bình an, sức khỏe. Đặc biệt, những người mang “vong” đến chùa Hàm Long để “trấn trùng” được yêu cầu đeo lá bùa trong 3 năm liên tục, đến khi cải táng mới được bỏ lá bùa ra.
|
Chùa Hàm Long, nơi “trấn trùng” nổi tiếng |
Cứ nhìn lượng khách đông đảo tại chùa Hàm Long mỗi ngày (hầu hết đều tìm đến đây với mục đích gửi “vong” của người thân mới qua đời nhằm giờ đại kỵ) thì số lượng bùa mà nhà chùa phát ra có lẽ không biết bao nhiêu mà kể. Sở dĩ như vậy là nhờ danh tiếng hàng trăm năm của ngôi chùa này. Theo các tài liệu lưu tại chùa, chùa Hàm Long được đặt tại hàm con rồng của ngọn núi Long Lĩnh. Chùa được bao bọc bởi các ngọn núi Phượng Hoàng, Kỳ Lân, núi Rùa. Những nhà phong thủy xưa đều cho rằng, chùa Hàm Long tọa lạc trên đất Long, Ly, Quy, Phụng.
Sở dĩ chùa Hàm Long được dân gian cho là nơi có khả năng “nhốt trùng” vì ngôi chùa là nơi tu tập của Hòa thượng Trịnh Thập, pháp danh là Như Trừng Lân Giác – người đã phát tâm viết kinh “Thập nguyện cứu sinh” để tụng trì. Sau khi sư tổ viên tịch để lại 2 ngọn tháp: Tháp xây gạch chứa xá lợi của ngài, còn tháp bằng đá gọi là tháp tổ Như Trừng Lân Giác (Cứu Sinh) chứa công phu tu tập cả đời của ngài.
|
Ngọn tháp Cứu Sinh – được cho là chứa công phu tu tập về “trấn trùng” của Sư Tổ Như Trừng Lân Giác |
Sinh thời, sư tổ thấy chúng sinh quá lo sợ vì những cái chết liên tục trong gia đình, dòng họ – mà nay ta gọi là “trùng tang”, ngài đã tạo ra kinh “Thập nguyện cứu sinh” và bộ ván in khắc phù giải, giúp cho những vong hồn được siêu linh. Ngôi chùa này cũng là nơi tu tập của các cao tăng như ngài Dương Không Lộ có pháp theo vạn pháp quy tông của phái Bắc Tông chuyên trị các loại trùng hiệu quả.
Đàn đom đóm và nồi cháo trắng
Trùng tang có lẽ là nỗi lo lắng, khiếp sợ nhất của gia đình có người chết. Vì vậy gia đình nào có người mất mà xem thầy phán là trùng tang thì dòng họ ăn không ngon, ngủ không yên, không biết rồi đây tai họa sẽ rơi vào ai. Một bà cụ bán hàng sát cổng chùa Hàm Long dường như đã “thuộc lòng” những chuyện trùng tang. Cụ cho biết, trùng tang thì có ba loại là trùng nhật, trùng niên và trùng tam sa.
Hậu quả nhẹ thì gia đình, con cháu làm ăn trắc trở, nặng thì thần trùng sẽ về bắt con cháu đi theo. Có gia đình bị bắt 1 người, nhưng có gia đình bị bắt đến 9 người trong vòng có 3 năm. Vì vậy, khi gia đình có người qua đời thì thường đi xem thầy xem người chết có “sạch giờ” không, nếu chết đúng vào giờ trùng, rơi vào kiếp sát (Dần, Thân, Tỵ, Hợi) thì phải đi cắt trùng hoặc gửi vong.
|
Hòa thượng Thích Thanh Dũng |
Chuyện “trùng tang” ghê gớm mà người ta còn nhắc đến là sự việc xảy ra vài năm trước khi một gia đình ở Yên Dũng (Bắc Giang) trong 1 ngày có đến 2 cái chết của bố chồng và con dâu. Bố chồng là ông Nguyễn Đức M. mất chưa đầy 2 tiếng thì người con dâu là Nguyễn Thị D. cũng ra đi. Trước đó vài tháng, cháu ruột của ông M. cũng vì bệnh hiểm nghèo mà mất.
Những cái chết của gia đình ông Nguyễn Văn M. làm người dân quanh làng và những người còn sống trong gia đình ông hoang mang tột độ, cho rằng “thần trùng” về bắt. Hay một gia đình khác ở Tây Hồ (Hà Nội) cũng rơi vào cảnh tương tự khi bố chồng mất khoảng 5 tiếng thì người con dâu đang khỏe mạnh cũng ngã ra chết… Tất cả những cái chết đó vì không thể có sự lý giải rõ ràng nào nên người ta đều cho rằng gia đình bị trùng tang.
Thông thường, gia đình có người chết trùng phải lập tức gửi người đó lên chùa, tuy nhiên không phải chùa nào cũng giữ được vong chết trùng. Nó phụ thuộc vào sự linh thiêng của chùa và mức độ cao tay của vị sư trụ trì. Nếu trùng nhẹ thì có thể gửi lên một ngôi chùa nào đó gần nhà, các nhà sư sẽ hàng ngày đọc kinh niệm Phật cho vong hồn siêu thoát. Song, đối với những trường hợp nặng, người ta lập tức nghĩ đến chùa Hàm Long. Theo suy nghĩ của nhiều người, hàng trăm năm qua, đã có vô vàn vong linh người quá cố tụ tập về ngôi chùa ở miệng rồng này nên phát sinh nhiều câu chuyện ma mị, ghê gớm.
Người dân kể rằng, khoảng 17h-19h chiều, đom đóm từ trong chùa bay ra tứ tán. Con nào cũng to bằng đầu ngón tay, sáng rực. Đấy là nhà chùa thả cho vong đi chơi. Vong bay lượn vào trong làng để bớt nhớ dương gian. Đến ngoài 19h, tự nhiên đom đóm biến mất cả. Người dân đồ là nhà chùa bắt vong về nhốt lại để tránh chuyện vong tìm về nhà hoặc làm hại người dân.
|
Lá bùa hình người được phát cho người dân đến “trấn trùng” tại chùa Hàm Long |
Hàng ngày, các tăng trong chùa nấu cháo cúng chúng sinh hai bận, sáng và trưa. Người ta tin rằng những nồi cháo ấy là để cúng cho vong linh khỏi bị đói. Chẳng may, ngày nào đó mà các tăng không cúng cháo, tất sẽ xảy ra chuyện đối với người dân xung quanh chùa. Trâu bò, gà lợn chết hàng loạt mà không rõ nguyên do. Người ta đồn là vong bị đói nên bắt gia súc.
Chuyện về ngọn tháp Cứu Sinh
Hòa thượng Thích Thanh Dũng (trụ trì chùa Hàm Long) chia sẻ, nhà chùa không khuyến khích mê tín dị đoan. Song, vì lý do tín ngưỡng của chúng sinh, nhà chùa nhận làm để an ủi tâm linh, giúp chúng sinh an tâm về tâm lý. Về lời đồn đại trong dân gian liên quan đến công năng đặc biệt của chùa Hàm Long là “trấn trùng”, hòa thượng Thích Thanh Dũng cho biết: “Sư Tổ Như Trừng Lân Giác về tu đạo ở chùa Hàm Long.
Người thấy chúng sinh bi ai vì nhiều cái chết xảy ra liên tiếp trong gia đình hay dòng họ. Người nguyện đem hết sức để cứu độ chúng sinh thoát khỏi họa “trùng tang”. Cuối cùng, Người đã sáng tạo ra bộ kinh “Thập nguyện” để cầu cho vong hồn người đã khuất được siêu sinh. Sư Tổ cũng tạo ra một bùa chú bằng đá để “trấn trùng”.
Vì công đức đó nên Sư Tổ được tôn là hòa thượng Cứu Sinh. Đó cũng là lý do tại sao tháp đá mang tên Cứu Sinh. Sư Tổ tu tập công phu hóa giải trùng tang và truyền lại cho đời sau. Tuy nhiên, không có gì chứng minh về mặt khoa học rằng lá bùa mà Sư Tổ để lại có tác dụng “trấn trùng”. Nhà chùa cũng hoàn toàn không có ý định tuyên truyền mê tín dị đoan. Người tứ xứ đến chùa ký gửi vong, nhà chùa – vì đức từ bi – đã nhận giữ hộ. Nhà chùa hàng ngày tụng niệm kinh Phật để vong linh được mát mẻ và sớm thanh thoát”.
Hòa thượng Thích Thanh Dũng tiết lộ: “Có vài việc kỳ lạ mà tôi không thể nào giải thích nổi. Tôi đành coi đó là sự trùng hợp. Ví như, rất thường xuyên, chùa chúng tôi đón tiếp những người bị điên loạn. Theo lời người thân của họ, họ bị “vong hành”.
Những người đó không phải bị bệnh tâm thần, nhưng họ vật vã giống như mất trí. Họ tự xé quần áo và gào rú tựa thú hoang. Nhiều trường hợp, người nhà phải trói họ lại, rồi chở bằng ôtô tới đây. Lạ thay, chỉ cần nhà chùa làm lễ cho họ, họ sẽ trở về trạng thái bình thường. Tôi đoán những người đó được cảnh sắc u tịch, thanh tịnh của nhà chùa làm cho hồi tỉnh”.
Theo Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, trước hết vì trong mối quan hệ này không có sự tiếp xúc xác thịt trực tiếp giữa hài cốt người chết và tần số của “trùng” nên tất yếu phải có phần sóng vô hình của cả đôi bên tham gia vào. Đó có thể là một hiện tượng cộng hưởng sóng mang tính chất huyết thống, dòng họ. Đó là cơ chế cộng hưởng Harmonic hình thái huyết thống. Chính điều này cũng giải thích được hiện tượng chỉ có những người cùng huyết thống với người chết phạm phải giờ trùng tang liên táng mới bị, còn những người khác và con dâu, con rể cùng sống trong gia đình không bị ảnh hưởng.
Theo Hoài Sơn/Tuổi Trẻ đời sống