Nhắc tới vị Hoàng đế khai quốc của Minh triều là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, không ít người sẽ rất mực cảm phục ông vì lối sống tiết kiệm, giản dị mà ít vị vua nào có thể cùng so sánh.
Thậm chí trên phương diện ăn uống, thực đơn của Chu Nguyên Chương còn khiến cho hậu thế không khỏi ngạc nhiên về sự khiêm nhường, giản đơn hay thậm chí có thể nói là kham khổ tới mức khó tưởng tượng được.
Vậy đâu là lý do khiến vị Hoàng đế sáng lập nên vương triều nhà Minh phải ăn uống kham khổ tới vậy?
Tiết lộ thực đơn gây kinh ngạc của Hoàng đế Chu Nguyên Chương
Trong các bộ phim lấy bối cảnh cổ trang, người xem vẫn thường quen mắt với những bữa cơm hoàng gia không thiếu sơn hào hải vị cùng số lượng món ăn lên tới hàng trăm.
Tranh chân dung của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (bên trái) và hình tượng được xây dựng trên phim ảnh.
Thậm chí nhiều người còn tin rằng, Hoàng đế Trung Hoa mỗi bữa đều có tới 108 món ăn khác nhau.
So với sự xa hoa này, bữa ăn của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lại khác tới một trời một vực.
Theo ghi chép của "Nam Kinh Quang Lộc tự chí" vào tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 17, thực đơn hai bữa trưa và sáng của vị vua này sẽ bao gồm các món dưới đây.
Bữa sáng sẽ có các món như thịt dê xào, thịt ngỗng chiên, thịt lợn xào bắp cải vàng, lòng lợn hấp, mì gạo, cơm gạo thơm, canh đậu, nước trà…
Bữa trưa sẽ có số lượng món nhiều hơn, bao gồm các món như tôm tươi ngâm giấm tiêu, ngỗng quay, thịt dê nướng, thịt ngỗng khô, canh bạch huyết, gà hấp ngũ vị, thịt cừu sốt, cật ngâm giấm cay, cá hấp, mì nấu ngũ vị, sủi cảo thịt dê, canh ngỗng, canh Tam Tiên, mì đậu xanh, thịt cừu bằm, cơm gạo thơm, canh đậu, nước trà…
Từ thực đơn nói trên, có thể thấy bữa cơm của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương được làm từ phần lớn các nguyên liệu bình dân như thịt dê, thịt ngỗng, thịt lợn.
Trước khi gây dựng được đại nghiệp, Chu Nguyên Chương từng trải qua những năm tháng vô cùng khốn khó khi từng phải xuất gia và đi khất thực. Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi, nếu không tính tới số lượng món ăn thì nguyên liệu chế biến này cũng không cao cấp hơn là bao so với các bữa cơm của người hiện đại.
Lý do khiến Chu Nguyên Chương có lối ăn uống tiết kiệm, kham khổ
Cũng theo quan điểm của Qulishi, sở dĩ thực đơn món ăn của Chu Nguyên Chương không có mấy sơn hào hải vị, thậm chí còn kham khổ hơn nhiều so với những vị Hoàng đế khác là bởi công cuộc gây dựng sự nghiệp của ông đã từng phải trải qua trăm cay ngàn đắng.
Lúc sinh thời, Chu Nguyên Chương từng lớn lên trong một gia đình chẳng hề khá giả, cha mẹ đều mất vì nạn đói.
Sau đó ông từng phải làm hòa thượng, thậm chí có lúc còn phải đi khất thực mới có thể bảo toàn mạng sống để gây dựng sự nghiệp giữa thời loạn thế.
Cũng bởi vậy nên sau khi trở thành Hoàng đế, Chu Nguyên Chương vẫn duy trì thói quen sống tiết kiệm, giản dị. Do đó các món ăn của ông cũng ít khi được nấu từ nguyên liệu trân quý, đắt đỏ.
Không phải bữa ăn của vị Hoàng đế nào cũng lên tới cả trăm món và ngập tràn sơn hào hải vị như hậu thế vẫn nghĩ. Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Chưa dừng lại ở đó, vị Hoàng đế này còn đặt ra một quy định mà tất cả các vua nhà Minh sau này đều phải nghe theo. Đó là trên bàn ăn của nhà vua nhất định phải xuất hiện một số loại rau dại thường thấy trong dân gian.
Sở dĩ Chu Nguyên Chương đặt ra điều luật này cho con cháu là bởi muốn giảm bớt gánh nặng cho dân chúng, đồng thời cũng muốn các Hoàng đế nối nghiệp sau này phải nhớ tới sự nhọc nhằn của tiên tổ năm xưa.
Từ đó có thể thấy, không phải vị Hoàng đế nào cũng thường xuyên thưởng thức những món sơn hào hải vị với số lượng món ăn lên tới hàng trăm như hậu thế vẫn tưởng.
Và thực tế là trước khi được đưa lên bàn cơm của nhà vua, những món ăn này trải qua quá trình kiểm tra và thử độc thì đã nguội đi phần nào, đương nhiên không còn thơm ngon, nóng hổi như lúc mới ra lò.
Theo Trần Quỳnh/Gia đình & Xã hội