Lễ Thất tịch (Ngày Thất tịch) là một lễ hội quan trọng của người Trung Quốc. Nguồn gốc ngày lễ này gắn liền với sự tích Ngưu Lang, Chức Nữ. Còn ở Việt Nam, lễ Thất tịch thường được gọi là ngày "Ngâu Ông Ngâu Bà", sở dĩ được gọi như vậy vì vào ngày này thường xuất hiện mưa ngây và từ xưa, các cụ cho rằng, đây là những giọt nước mắt vui mừng xen lẫn hạnh phúc mà Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. "Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền".
Trong lịch sử, vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) có ghi lại rằng, khi vua ở độ tuổi 42 nhưng vẫn chưa có con để truyền ngôi vị, vì vậy nên đã cầu tự vào ngày 7/7 ở một ngôi chùa, nhờ đó mà đón tin mừng, sinh ra Thái tử Càn Đức. Cũng bởi lý do này nên hàng năm vào ngày 7/7 trọng lễ đã được tổ chức ở chùa Hà và trở thành lễ hội cầu tình duyên, con đàn cháu đống, gia đình hạnh phúc. Vào ngày lễ Thất tịch ở Việt Nam, các đôi lứa yêu nhau thường cùng đến chùa làm lễ, cầu mong tình duyên ngày càng bền lâu, mặn nồng.
Nếu trời không mưa, các cặp đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng hơn những ngày thường. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 thì sẽ mãi mãi bên nhau.
Nguồn gốc của lễ Thất tịch bắt nguồn từ Trung Hoa, tuy nhiên, mgày nay thế hệ trẻ của xứ Trung không mấy ai biết đến ngày này. Ở một số nước cũng có lễ Thất tịch như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Vào lễ Thất tịch, nhiều gia đình người Hoa ở Việt Nam thường làm mâm cỗ, bày một số bánh trái, sản vật đặc sắc gắn liền với truyền thuyết về lễ hội này như: bánh phục linh, bánh chay nhân dừa, hoa, trà, củ ấu, đậu phộng rang (nguyên vỏ), 7 loại trái cây theo mùa,...
Ngoài ra, người ta còn ăn chè đậu đỏ vì tương truyền rằng, ăn chè đậu đỏ vào ngày này đồng nghĩa với việc cầu nhân duyên. Những người còn đang lẻ bóng sẽ sớm gặp được ý trung nhân, còn những ai đã có đôi có cặp sẽ càng thêm bền lâu.
Theo Minh Tú/Khoevadep