Hội Xuân núi Bà Đen Tết Canh Tý 2020 chính thức khai mạc từ ngày mùng 4 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch là một hoạt động hấp dẫn thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đổ về. Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, số lượng khách đến thăm viếng núi Bà Đen tăng mạnh, với mức tăng khoảng 30% so với dịp Tết năm ngoái.
Chỉ trong 4 ngày Tết vừa qua, khoảng hơn 500.000 lượt du khách đổ về núi Bà. Lượng khách đông đúc nối dài từ cổng khu du lịch tới khu vực Ga Bà Đen – Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới do Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công bố.
Núi Bà Đen trở thành điểm hành hương linh thiêng đối với người dân Việt Nam. Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu, một trong những biểu tượng thờ mẫu điển hình ở Nam bộ trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt có từ thời xa xưa. Vào ngày 14/8/2019, Bộ VH-TT-DL đã công nhận lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
Núi Bà Đen là địa điểm hành hương linh thiêng đối với người dân Việt Nam mỗi dip Tết đến, Xuân về. Ảnh: Dân trí. |
Núi Bà Đen cao 986m so với mực nước biển và được xem là cao nhất Đông Nam bộ. Sách “Gia Định Thành Thông Chí” có nhắc đến tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Trong khi đó, những bậc bô lão địa phương cho rằng, ban đầu núi Bà Đen có tên gọi là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ 18, người ta gọi là núi Bà Đênh và về sau gọi thành núi Bà Đen. Một số người lại gọi là núi Điện Bà.
Tên gọi núi Bà Đen được cho gắn liền với những giai thoại ly kỳ của Bà Đen, người được vua Gia Long phong thánh hiệu "Linh Sơn Thánh Mẫu". Tương truyền, khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Ánh chạy đến núi Bà Đen tránh nạn. Do thiếu lương thực nên cả vua và binh lính đều rơi vào tình cảnh đói khát. Khi nghe được câu chuyện về sự linh thiêng của bà Đen, chúa Nguyễn Ánh cầu khẩn xin phò trợ. Theo đó, vào buổi đêm , bà Đênh xuất hiện trong giấc mơ của chúa Nguyễn Ánh. Bà cho biết Nguyễn Ánh đang nằm ngủ dưới gốc một loại cây cho trái có thể cứu đói binh sĩ.
Khi tỉnh giấc, chúa Nguyễn Ánh trông thấy trên cành cây mình đang nằm ngủ có nhiều quả nhỏ. Thấy vậy, ông hái xuống ăn thử thì thấy quả có vị rất ngon. Ông truyền cho binh sĩ hái loại quả ấy ăn chống đói. Về sau, ông đặt tên cho loại quả ấy là "tùng quân".
Đến năm 1790, Nguyễn Ánh đưa binh lính quay lại núi đúc tượng, cất lại điện thờ. Sau đó phong sắc Linh Sơn Điện và phong Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.
video: Khám phá những ngôi chùa cổ ở Cần Thơ (nguồn: VTC10)
Kể từ đó cho đến nay, cứ vào tháng Giêng âm lịch hàng năm, hàng trăm ngàn du khách tìm về núi Bà Đen để viếng và bái Linh Sơn Thánh Mẫu. Theo người dân địa phương, núi Bà Đen nổi tiếng linh thiêng với việc: phát duyên và phát vận. Vì vậy, hầu hết người đi viếng Bà để cầu xin gặp được tình duyên và vận may.
Dân gian cũng lưu truyền một giao ước bất thành văn rằng: Khi leo núi tuyệt đối không kêu "mệt". Khi những đoàn người leo lên núi, thỉnh thoảng hỏi nhau: "Mệt không?" Cả nhóm người đều đồng thanh hô lớn: "Khỏe!" dù ai cũng mệt. Họ làm như vậy vì tin rằng, đi viếng Bà mà than thở mệt nhọc, sẽ không được Bà ban điều khấn xin, thậm chí còn gặp nguy hiểm khi leo núi.
Tâm Anh (TH)